Nga hiện cung cấp hơn 40% lượng khí đốt cho châu Âu và là nhà cung khí đốt lớn nhất cho châu lục này. Tuy nhiên, các nhà phân tích đang lo ngại về nguồn cung cấp năng lượng của châu Âu sẽ khó khăn hơn nếu căng thẳng Nga-Ukraine ngày càng gia tăng và sau đó Nga ngừng xuất khẩu khí đốt tự nhiên để đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu. Châu Âu có khả năng rơi vào một cuộc khủng hoảng tiềm tàng, với lượng khí đốt bị cạn kiệt do mùa đông lạnh giá vào năm ngoái và mức sản xuất năng lượng tái tạo trong mùa hè thấp, đồng thời Nga cũng cung cấp ít hơn bình thường. Giá năng lượng tăng chóng mặt, gây sức ép lên các hộ gia đình và các cơ sở kinh doanh. Theo Cơ quan Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, tính đến ngày 3/2, khối lượng khí đốt khả dụng trong các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất của châu Âu thấp hơn 27% so với mức cùng kỳ năm trước (13,4 tỷ m3). Cơ quan Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu cũng dự báo giá khí đốt sẽ vẫn ở mức cao trong một thời gian nữa. Ngày 5/2, Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga thông báo người tiêu dùng châu Âu đã sử dụng hết 85% lượng khí đốt tự nhiên được cung cấp cho các cơ sở lưu trữ trong mùa Hè, với tổng lượng khí đốt tiêu thụ là 40,5 tỷ m3. Giới chuyên gia đã đưa ra các kịch bản mà xung đột Nga-Ukraine mới có thể làm gián đoạn nguồn cung năng lượng của châu Âu. Rõ ràng nhất là một trong hai bên có thể phá hỏng cơ sở hạ tầng, bao gồm cả tấn công mạng hoặc phá hoại. Các hạ tầng bao gồm đường ống dẫn khí đốt chính chạy qua Ukraine, hiện đang vận chuyển khoảng 13% tổng lượng nhập khẩu của châu Âu, cũng như nhánh phía Nam của đường ống dẫn dầu Druzhba, chạy qua Belarus đến miền Tây Ukraine và tới Slovakia, Cộng hòa Séc và Hungary. Tiếp nữa là Nga có thể cắt giảm nguồn cung như một phần của hoạt động quân sự-chính trị. Điều đó cũng sẽ ảnh hưởng đến khí đốt đi qua Belarus đến Ba Lan, và đường ống Dòng chảy phương Bắc dưới Biển Baltic trực tiếp đến Đức. Đường ống Dòng chảy phương Bắc 2, không vướng các yêu cầu quá cảnh Ukraine, đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật nhưng chưa được Đức chấp thuận về mặt pháp lý để bắt đầu hoạt động. Kịch bản nữa là thông qua các biện pháp trừng phạt. Để đối phó với hành động quân sự của Nga, châu Âu và Mỹ có thể sẽ chặn đầu tư và chuyển giao công nghệ, cấm giao dịch với các tổ chức tài chính lớn và cũng như các cá nhân cụ thể có liên hệ với Điện Kremlin. Trong trường hợp các lệnh trừng phạt mới chống lại Moscow được áp đặt khi xảy ra xung đột ở Ukraine, Nga có thể không cắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt cho EU, nhưng không loại trừ việc cắt giảm nguồn cung. Điều này đe dọa đẩy châu Âu vào cuộc khủng hoảng năng lượng. Châu Âu có thể trở nên phụ thuộc hơn vào khí đốt để duy trì hoạt động của các nhà máy điện khí. Các chuyên gia của cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global cảnh báo rằng “bất cứ cuộc xung đột nào ảnh hưởng đến nguồn cung khí đốt vào châu Âu đều có thể tác động trực tiếp đến giá điện, carbon và than”. |