Thay đổi tư duy sản xuất của nông dân theo hướng hàng hóa tăng giá trị cạnh tranh đã tạo ra một làn gió mới cho ngành kinh tế thế mạnh của tỉnh.
Hiện tỷ lệ nông dân sử dụng máy cấy trong gieo sạ lúa trên địa bàn tỉnh đạt gần 10% diện tích đất lúa.
Bước tiến cơ giới hóa
Khoảng 5 năm trước,ịpsốngnngnghiệsoi kèo liverpool đêm nay vào những ngày cuối năm như hiện nay, nông dân trong tỉnh phải luôn vất vả chuyện đồng áng. Thế nhưng, nhờ sự đầu tư, phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và tăng cường đưa cơ giới hóa vào các khâu trong sản xuất nông nghiệp, nhà nông được giải phóng sức lao động đáng kể để có thời gian chăm chút cho gia đình nhiều hơn, nhất là khi tết đến xuân về.
Sau thời gian nỗ lực, hiện việc đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất và thu hoạch lúa trên địa bàn tỉnh đã đạt 100%.
Chỉ tay về phía hơn 80ha lúa Đông xuân của hợp tác xã (HTX) đang trổ oằn bông, ông Trần Ngọc Tần, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Mùa Vàng, ở ấp Trường Lợi A, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, cho hay: “Vào thời điểm này, nếu không có hệ thống đê bao kiên cố kết hợp với trạm bơm tập trung thì bà con phải đem máy ra túc trực bơm nước lên ruộng. Còn bây giờ, tình cảnh trên đã không còn. Bởi từ khi xuống giống đến khi thu hoạch lúa, nông dân không phải lo chuyện bơm nước mà đã có trạm bơm. Cũng nhờ chủ động nguồn nước nên năng suất lúa của bà con nơi đây đều đạt khoảng 1 tấn/công, lợi nhuận thu về từ 25-30 triệu đồng/ha. Nhờ sản xuất hiệu quả nên nhiều năm qua, nông dân xứ này đón tết rộn ràng”.
Khi hình thành những vùng đê bao, thủy lợi khép kín còn tạo bước đệm quan trọng cho việc thực hiện đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Hiện tại, trong sản xuất lúa, việc đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất và thu hoạch đã đạt 100%. Riêng ở khâu gieo sạ đang được ngành chức năng của tỉnh vận động và được bà con thực hiện nhiều trong khoảng 2 năm trở lại đây.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng, Trưởng bộ môn cơ điện, Viện lúa ĐBSCL, cho hay: Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa được ngành chức năng tỉnh Hậu Giang thực hiện quyết liệt, nhất là khâu gieo cấy lúa. Minh chứng là từ địa phương có tỷ lệ người dân sử dụng cơ giới hóa trong gieo cấy lúa chưa đến 2% trên tổng diện tích đất lúa của tỉnh là khoảng 77.000ha vào năm 2018 thì nay tăng lên gần 10%. Đây thật sự là bước tiến quan trọng của Hậu Giang trong phát triển nông nghiệp.
Đứng bên ruộng lúa trĩu bông, ông Nguyễn Thành Lâm (bìa phải), nông dân ở ấp 2, xã Vị Thủy, tươi cười chia sẻ về những hiệu quả trong việc sử dụng máy cấy lúa.
Đứng bên ruộng lúa trĩu bông, ông Nguyễn Thành Lâm, nông dân ở ấp 2, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, chia sẻ rằng: “Áp dụng mô hình máy cấy trong canh tác lúa giúp cho nông dân giải phóng được sức lao động ở nhiều khâu nên có thời gian rảnh rỗi hơn so với trước kia. Mặt khác, mô hình cũng tạo ra cuộc sống mới cho người dân xứ này khi mức lợi nhuận đạt cao do chi phí đầu tư giảm. Bên cạnh đó, lúa cấy máy không bị đổ ngã làm thất thoát khi gặp thời tiết bất lợi nên năng suất lúa cấy máy thường cao hơn ruộng không áp dụng mô hình khoảng 200kg/ha và lợi nhuận cũng cao hơn 15% nhờ có liên kết bao tiêu”.
Với nhiều lợi thế về tự nhiên, cộng với điều kiện canh tác như trên, đồng thời nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật từ những chương trình, dự án được tham gia như: VnSAT, WB6, GIZ, FARES,... là những yếu tố quan trọng góp phần cải thiện năng suất lúa và tiết kiệm chi phí cho nông dân Hậu Giang. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năng suất lúa cả năm của tỉnh Hậu Giang đang đứng thứ hai tại vùng ĐBSCL, khi đạt hơn 6,5 tấn/ha.
Ông Trần Chí Hùng (thứ 2 từ phải sang), Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh thường xuyên gắn bó với đồng ruộng để chỉ đạo sản xuất hiệu quả.
Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong canh tác lúa, đặc biệt là ở khâu gieo cấy đã thật sự làm thay đổi tập quán sản xuất của người nông dân từ sạ lan, sạ dày sang sạ thưa, sạ hàng, sạ khóm, cấy máy và hướng đến là sạ và phun thuốc bằng máy bay không người lái. Qua đây, đã giúp cho bà con nông dân giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng hiệu quả kinh tế và góp phần bảo vệ môi trường sống, cũng như sức khỏe bà con.
Sản xuất theo hướng “thuận thiên”
Thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương, nhất là Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển mô hình sản xuất theo hướng “thuận thiên”, những năm gần đây, ngành chức năng của tỉnh đã dần hình thành nhiều mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu. Từ đây, đã và đang tạo ra bước đi và nhịp sống mới trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Ông Đặng Văn Út, ở ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, thông tin vui: “Tết năm nay, gia đình tôi đón xuân được ấm cúng hơn, vì đỡ lo thiếu nguồn nước ngọt tưới cho 1ha bưởi da xanh của gia đình khi dự báo tình hình xâm nhập mặn hoặc sau tết sẽ gay gắt, khó lường. Bởi đầu năm rồi, tôi được hỗ trợ thực hiện mô hình tưới nước tiết kiệm cho toàn bộ diện tích bưởi của gia đình. Tranh thủ nước mặn lúc cận tết chưa về, tôi đang dự trữ nguồn nước ngọt đầy trong mương kết hợp với hệ thống tưới tiết kiệm nước thì đã nhẹ lo hơn”.
Hiện nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh còn áp dụng giải pháp kéo ống dẫn nước kết hợp với việc gắn bét phun nước tiết kiệm cho vườn cây ăn trái vào mùa khô để ứng phó với hạn, mặn. Bên cạnh đó, nhiều vùng lúa kém hiệu quả được bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao giá trị kinh tế như mô hình trồng dưa lê, dưa kim hồng ngọc, đậu bắp Nhật,... mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Gắn với mô hình ứng phó biến đổi khí hậu thì tư duy sản xuất cây ăn trái của nhà vườn trên địa bàn tỉnh cũng có sự thay đổi tích cực. Đặc biệt là sản xuất trái cây theo hướng an toàn thực phẩm (ATTP) của người dân được nâng lên đáng kể, khi toàn tỉnh có nhiều sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Qua đây tạo điều kiện thuận lợi cho trái cây của tỉnh có cơ hội xâm nhập vào thị trường tiêu thụ lớn của tỉnh và xuất khẩu sang nước ngoài.
Ông Trần Bá Sơn, Giám đốc HTX trái cây sinh học COOP (Bio Fruit Coop), ở ấp Thị Trấn, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, cho hay: Hiện tại, HTX đã đưa một lượng lớn trái cây của tỉnh vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị lớn như: Bách Hóa Xanh, Vinmart và sắp tới là Co.opmart. Riêng thị trường xuất khẩu thì HTX đưa trái chanh không hạt và bưởi Năm Roi mang thương hiệu Châu Thành sang tiêu thụ tại thị trường châu Âu. Qua đây, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và nguồn thu nhập cho nhà vườn Hậu Giang trong thời gian qua và những năm tiếp theo.
Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, khẳng định: Trong 5 năm qua, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh có bước phát triển vượt bậc. Theo đó, với phương châm tăng hàm lượng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa và xây dựng chuỗi giá trị nông sản nên có nhiều chủ trương, giải pháp về cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác được triển khai kịp thời và thu về hiệu quả thiết thực. Từ những bước tiến của ngành nông nghiệp trong thời gian qua sẽ tạo động lực lớn để ngành tiếp tục phát triển trong những năm tới.
Có thể thấy, từ những chủ trương đúng đắn, cách làm thiết thực trong 5 năm qua (giai đoạn 2016-2020) đã tạo được làn gió mới đánh thức tiềm năng và mở ra nhiều hướng phát triển mới cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Những kết quả đạt được hôm nay đang hướng đến mục đích chung là làm thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao thu nhập và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người nông dân.
TUẤN PHÁT