Sáng 19/6 với đa số phiếu thuận, Quốc hội đã thông qua nghi quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thành phố Hà Nội. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/ 8/2020 và được thực hiện trong 5 năm. Tăng phí phải phù hợp với thu nhập của dân Theo nghị quyết này thì HĐND thành phố không những được quyết định thu một số khoản phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí mà còn được điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí đối với các loại phí được quy định trong Luật Phí và lệ phí, trừ các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách sách trung ương hưởng 100%. Tuy nhiên, Quốc hội yêu cầu việc thí điểm phải bảo đảm có lộ trình phù hợp với tình hình kinh tế- xã hội, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021- 2025, trình độ và yêu cầu phát triển của thành phố Hà Nội, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngành, nghề ưu đãi đầu tư. Nguyên tắc nữa Quốc hội yêu cầu là bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ, chính sách điều tiết phải hợp lý, phù hợp sự phát triển của Thành phố và thu nhập hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Công khai, minh bạch, cải cách hành chính nhà nước, bao gồm cả cải cách hành chính quản lý phí, lệ phí cũng là nguyên tắc được Quốc hội lưu ý. Báo cáo giải trình, tiếp thu về thí điểm tăng quyền về phí, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, thí điểm giao HĐND Thành phố Hà Nội thực hiện quyền hạn này cũng tương thích với cơ chế thí điểm đối với Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội. Thực hiện Nghị quyết này HĐND Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành 1 số chính sách thu phí, lệ phí như: ban hành mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ xe ô tô,điều chỉnh tăng từ 5.000 đồng/xe/lượt lên bình quân 30.000 đồng/xe/giờ; điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước xả thải công nghiệp theo hướng xả thải càng nhiều đóng càng cao; điều chỉnh giảm mức thu học phí đến mức tối thiểu… Ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và chi sự nghiệp kinh tế, khoa học – công nghệ, giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố Hà Nội và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố Hà Nội. Vẫn trong quản lý thu, Quốc hội tán thành để ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sau khi đã trừ chi phí liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất; kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công) do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn Thành phố (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố Hà Nội. Ngân sách Hà Nội cũng được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệpnhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân Thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố Hà Nội. Được tăng mức vay nợ Về quản lý chi ngân sách nhà nước, HĐND thành phố Hà Nội quyết định dự toán, phân bổ ngân sách thành phố Hà Nội bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ. Thành phố Hà Nội còn được thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định. Trường hợp ngân sách thành phố bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương, nhu cầu thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được quyết định sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố Hà Nội. HĐND thành phố Hà Nội được quyết định sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách địa phương để đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu: phòng cháy, chữa cháy, thu gom xử lý rác, cấp nước, thoát nước, điện, các thiết bị, nhà vệ sinh, tường rào trong các cơ sở đã có của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị thuộc tổ chức chính trị - xã hội do Thành phố quản lý theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Trường hợp đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu có giá trị từ 1 tỷ đồng trở lên phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự ánhoặc có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật kèm theo báo cáo kinh tế kỹ thuật đối với công trình chỉ lập báo cáo kinh tế kỹ thuật trước khi phân bổ dự toán và phải thực hiện đấu thầu, quản lý như dự án đầu tư công. Đáng chú ý là mức dư nợ vay của ngân sách thành phố được nâng từ 70% lên không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng theo phân cấp. Quốc hội cũng lưu ý, tổng mức vay và bội chi ngân sách thành phố Hà Nội hằng năm do Quốc hội quyết định. |