Chương trình “Giới thiệu sản phẩm OCOP kết nối, quảng bá sản phẩm OCOP phường Quảng An, SonSen – Trà Sen Bách Diệp Tây Hồ” do tuổi trẻ quận Tây Hồ thực hiện. Ảnh: M.T |
“Chắp cánh” thương hiệu làng nghề Tây Hồ
Thành công từ “Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc” tổ chức hồi tháng 7/2024 thu hút khoảng 50.000 lượt người tham quan đã mở ra tiềm năng phát triển du lịch bền vững của quận Tây Hồ (Hà Nội).
Vùng đất Tây Hồ xưa còn được gọi tên làng nghề Kẻ Bưởi ẩn hiện trong những câu ca “Mịt mờ khói tỏa ngàn sương/Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”. Ngày nay, quận Tây Hồ vẫn giữ được nguyên vẹn 71 di tích lịch sử, văn hoá độc đáo, mang dấu ấn đậm nét của Kinh thành Thăng Long xưa. Nhiều di tích, danh thắng nằm trong các tour du lịch của Hà Nội như: Hồ Tây, chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, phủ Tây Hồ, chùa Vạn Niên... Một số di tích có lễ hội truyền thống tiêu biểu thu hút đông đảo người dân như: Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ, lễ hội truyền thống đình Nhật Tân, đình Yên Phụ, phủ Tây Hồ, đền Voi Phục,…
Có một nét riêng trong các công trình kiến trúc tại Tây Hồ đa phần hướng về mặt hồ Tây quanh năm mênh mông sóng nước. Nơi đây, nổi tiếng với bạt ngàn sắc sen Bách Diệp - loài sen quý hiếm thời nay, lưu giữ nghề ướp trà sen truyền thống cùng nét văn hóa, ẩm thực không nơi nào sánh bằng. Trà sen Tây Hồ nổi tiếng “thiên hạ đệ nhất trà”, vang danh khắp sự kiện, hội thảo quốc tế, sắp tới sẽ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia - nghề ướp trà sen Tây Hồ.
Tháng 1/2024, Nghề làm xôi Phú Thượng chính thức được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Cùng với làng nghề đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên, không gian chợ hoa Quảng An,… tạo nên sự độc đáo, độ nhận diện về văn hóa Tây Hồ trong trí nhớ của du khách trong nước và quốc tế.
Bạt ngàn sắc sen Bách Diệp Tây Hồ. Ảnh: Mộc Miên |
Theo đồng chí Bùi Thị Lan Phương - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, thời gian qua, quận Tây Hồ thúc đẩy việc gắn kết hoạt động du lịch với văn hóa đã đưa du lịch trở thành một mũi nhọn trong việc phát triển công nghiệp văn hóa và đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và văn hóa hiện đại của quận Tây Hồ.
Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các di tích, di sản, làng nghề của khu vực hồ Tây phục vụ phát triển du lịch, quận Tây Hồ đã ban hành và triển khai thực hiện Đề án “Tổ chức không gian biểu diễn nghệ thuật ẩm thực, đường phố quận Tây Hồ” tại tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn (phường Nhật Tân); Đề án thưởng thức trà sen Quảng An; Đề án “Làng nghề truyền thống hoa đào Nhật Tân kết hợp với du lịch” và “Làng nghề trồng quất cảnh Tứ Liên”; Đề án “Điểm dịch vụ, du lịch văn hóa và giới thiệu nghề truyền thống “Làm giấy dó” của vùng Bưởi xưa”...
Từ ngày 12/7 đến ngày 16/7/2024, quận Tây Hồ phối hợp cùng UBND TP Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức “Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc”. Đây là hoạt động gắn với mục tiêu nhằm hiện thực hóa Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” và Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Thành ủy Hà Nội.
"Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc” với mục tiêu nhằm hiện thực hóa Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”. Ảnh: Mộc Miên |
Lần đầu tổ chức, Lễ hội đạt tổng doanh thu và giá trị hợp đồng, biên bản ghi nhớ cam kết thu mua các sản phẩm OCOP và sản phẩm từ sen, các loại trà đạt hơn 11 tỷ đồng (trong đó doanh thu bán trực tiếp 6 tỷ đồng). Ngoài sức hút của lễ hội với quy mô lớn, cùng sự góp mặt của hơn 1.000 sản phẩm OCOP các vùng miền mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho khách du lịch và người tiêu dùng.
Nắm bắt tinh thần nội dung quảng bá tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hoá của Thăng Long Hà Nội, sản phẩm của vùng đất Tây Hồ, Đoàn thanh niên - Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phường Quảng An và phường Tứ Liên tổ chức chương trình “Giới thiệu sản phẩm OCOP kết nối, quảng bá sản phẩm OCOP phường Quảng An, SonSen – Trà Sen Bách Diệp Tây Hồ”.
Anh Phạm Minh Thành, Bí thư Đoàn thanh niên phường Tứ Liên cho biết, hoạt động này đã đem lại luồng gió mới cho việc giới thiệu sản phẩm làng nghề theo cách truyền thống. Cách làm mới giúp kết nối giữa người bán hàng với khách hàng gần gũi nhau hơn, thông qua hình ảnh, âm thanh, trả lời trực tiếp câu hỏi tạo sự tin cậy và thân thiện với khách hàng. Qua các câu hỏi của khách hàng, đơn vị bán hàng có thể nắm bắt được sở thích, nhu cầu cụ thể, chia sẻ những kinh nghiệm của người bán với người mua từ đó điều chỉnh cách giới thiệu sản phẩm phù hợp hơn.
“Giới thiệu sản phẩm OCOP kết nối, quảng bá sản phẩm OCOP phường Quảng An, SonSen – Trà Sen Bách Diệp Tây Hồ” thu hút gần 3.000 lượt người quan tâm, hơn 1.000 lượt lượt tương tác. Ảnh: M.T |
Trong khuôn khổ của phiên livestream lần đầu tiên tuổi trẻ quận Tây Hồ thực hiện thu hút được gần 3.000 lượt người quan tâm, lượt tương tác xem suốt phiên livestream đạt hơn 1.000 lượt, số lượt sản phẩm được khách hàng đặt trong phiên được 41 sản phẩm đối với “Trà sen - Bông trà thượng hạng 12g” trị giá 150.000 đồng/sản phẩm, và gần 200 lượt bình luận, đặt câu hỏi cho đơn vị bán hàng.
Anh Đinh Ngọc Thanh, Phó Bí thư phụ trách Quận đoàn Tây Hồ đánh giá cao về hoạt động ý nghĩa sôi động “phiên chợ điện tử” của tuổi trẻ quận Tây Hồ giúp làng nghề chuyển hướng. Đây là hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần giúp các bạn đoàn viên, thanh niên có cơ hội được phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Đoàn viên trong việc tiếp cận các sàn giao dịch thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp từ đó quảng bá, giới thiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP của địa phương đến với mọi đối tượng khách hàng.
Theo Luật Thủ đô mới (sửa đổi) được Quốc hội thông qua đã đề cập nhiều điều, khoản để thúc đẩy vấn đề gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề. Phát huy sức trẻ, tuổi trẻ phường Tứ Liên đã có những hoạt động nổi bật chung tay phát huy làng nghề truyền thống, phát triển làng nghề gắn với hoạt động du lịch.
Anh Phạm Minh Thành cho hay, tuổi trẻ phường Tứ Liên đang bám sát vào nội dung định hướng phát triển làng nghề truyền thống Quất cảnh Tứ Liên đã được Đảng ủy - UBND phường Tứ Liên và Hội làng nghề truyền thống Quất cảnh Tứ Liên thông qua. Tuổi trẻ phường Tứ Liên nỗ lực phối hợp cùng Hội làng nghề trong việc tổ chức hội thảo, buổi tọa đàm nhằm xây dựng hình ảnh thương hiệu mang tính đồng nhất.
Một số thanh niên trên địa bàn phường Tứ Liên tham gia vào quá trình trồng cây, học hỏi kỹ thuật, tìm hiểu những kinh nghiệm của nghệ nhân trong làng nghề trồng quất Tứ Liên. Ảnh: M.T |
Truyền tình yêu làng nghề truyền thống đến các thế hệ kế cận, Đoàn thanh niên phường Tứ Liên vận động, khích lệ một số thanh niên trên địa bàn phường Tứ Liên tham gia vào quá trình trồng cây, học hỏi kỹ thuật, tìm hiểu những kinh nghiệm của nghệ nhân lớn tuổi trong làng nghề. Đặc biệt, tuổi trẻ phường Tứ Liên đã phối hợp với Ban giám hiệu các nhà trường trên địa bàn phường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, đưa học sinh đến tham quan làng nghề, tạo điều kiện cho các em được trải nghiệm và tìm hiểu về nghề truyền thống. Xây dựng website, fanpage quảng bá làng nghề trên không gian mạng, kết nối với khách hàng tiềm năng.
Tuổi trẻ huyện Thanh Oai tổ chức "phiên chợ điện tử" giới thiệu, quảng bá nón làng Chuông nổi tiếng. Ảnh: T.L |
Sôi động “phiên chợ điện tử” của thanh niên Thủ đô
Khai thác lợi thế sẵn có từ đa dạng sản phẩm làng nghề, từ năm 2024 các Huyện đoàn Thành Oai, Huyện đoàn Quốc Oai, Huyện đoàn Phú Xuyên, Quận đoàn Long Biên, Quận đoàn Hà Đông, huyện đoàn Mỹ Đức… đã tích cực tổ chức “phiên chợ điện tử” livestream bán hàng. Triển khai mô hình “phiên chợ điện tử” trong Tháng Thanh niên 2024, Huyện đoàn Thanh Oai là đơn vị có nhiều phiên livestream nhất hiện nay, với 21 phiên chợ điện tử. Các sản phẩm thủ công nón làng Chuông, giò chả Ước Lễ, gạo thơm Bối Khê, gạo Bồ Nâu, cam canh Kim Đường, tương Cự Đà cùng sản phẩm OCOP như ổi Kim An, gạo Tam Hưng…
Huyện đoàn Phú Xuyên cũng là điểm sáng trong việc triển khai mô hình “phiên chợ điện tử”, giới thiệu quảng bá sản phẩm làng nghề như giầy da, thủ công mỹ nghệ, túi xách, khảm trai, đồ gỗ,… Các buổi livestream được thực hiện ngày càng chuyên nghiệp, âm thanh, hình ảnh kết nối, kịch bản hấp dẫn. Theo anh Nguyễn Minh Hiếu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên, Hà Nội), hiện Phú Xuyên có 43 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống, việc tổ chức “phiên chợ điện tử” có ý nghĩa trong việc quảng bá sản phẩm, làng nghề truyền thống của địa phương.
Nghệ nhân Tạ Thu Hương, nghệ nhân nón làng Chuông (xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội) bày tỏ cảm kích về tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ huyện Thanh Oai khi kết nối sản phẩm làng nghề trên kênh thương mại điện tử. Qua đó, giúp quảng bá, kết nối sản phẩm của quê hương Thanh Oai gần hơn tới người tiêu dùng.
“Mô hình “phiên chợ điện tử” của tuổi trẻ Thủ đô triển khai tại 579 xã với mong muốn phát huy vai trò tiên phong, xung kích của thanh niên trong ứng dụng chuyển đổi số; đồng thời là hoạt động cụ thể hóa chương trình đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Đây cũng là hoạt động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 18 - NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” - Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Đức Tiến cho biết. |
Kỳ 1: Người trẻ giữ lửa nghề rèn truyền thống “đệ nhất dao kéo đất Thăng Long” | |
Kỳ 2: “Đêm làng cổ” tại ngôi làng “độc nhất vô nhị” của đồng bằng Bắc Bộ |