(CMO) Khi Thế chiến thứ II nổ ra năm 1939, đến tháng 9/1940 thì phát xít Nhật xâm chiếm nước ta, thực dân Pháp hèn nhát đầu hàng, dâng nước ta cho Nhật, Nhân dân ta rơi vào cảnh “một cổ hai tròng”. Tại vùng U Minh, Cà Mau, theo lời kể của cố Bí thư Tỉnh uỷ Minh Hải Đoàn Thanh Vị: “Trong những năm 1943-1945, cuộc sống người dân rất cơ cực, dầu lửa không có để thắp sáng, người dân nghèo khổ không có vải mặc. Trong suốt 3 năm này tôi chỉ mặc một cái quần cụt, không có áo, đi làm ngày như đêm đều ở trần, dùng da thịt thay cho vải”. Ách đô hộ của thực dân Pháp, chính sách phát xít của Nhật đã làm kiệt cùng đất nước, người nông dân bị bòn rút cho đến hơi thở cuối cùng.
Tại thị trấn Cà Mau, tháng 1/1929, Chi hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội được thành lập. Từ tháng 1-10/1930, một số chi bộ Đảng được thành lập, phong trào cách mạng diễn ra sôi nổi khắp nơi. Trong đó, nổi bật là việc cờ đỏ búa liềm và khẩu hiệu “Diệt trừ Pháp tặc”, “Cộng sản đánh Tây” xuất hiện trên sông Cà Mau, đình Tân Hưng và một số nơi trong tỉnh. Những hạt mầm cách mạng trưởng thành nhanh chóng trên đất Cà Mau, chuẩn bị các điều kiện chín muồi để thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc. Cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai do Phan Ngọc Hiển lãnh đạo năm 1940 là đỉnh cao chói lọi của phong trào cách mạng tại vùng địa đầu cực Nam Tổ quốc, làm chấn động bè lũ cướp nước và tay sai, khẳng định đanh thép sức mạnh của dân tộc, của thời đại và của chân lý.
Thanh niên Cà Mau trong Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. Ảnh tư liệu |
Những ngày Tháng Tám, cả đất nước ào ào chuyển mình theo dòng thác lịch sử. Nhật đảo chánh Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Trong tình hình đó, Tỉnh uỷ lâm thời Bạc Liêu (gồm Cà Mau, Bạc Liêu) chỉ đạo khẩn trương đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên và củng cố các tổ chức quần chúng, xây dựng lực lượng vũ trang sẵn sàng chớp thời cơ tổng khởi nghĩa. Ngày 13/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Đêm 13/8/1945, Uỷ ban Toàn quốc ra Quân lệnh số 1 tổng khởi nghĩa trong toàn quốc.
Cùng với cả nước, ngày 23/8/1945, Tỉnh uỷ lãnh đạo Nhân dân nổi dậy cướp chính quyền ở thị xã Bạc Liêu thành công. Ngày 25/8/1945, tại thị trấn Cà Mau, đồng chí Trần Văn Đại và Thái Ngọc Sanh lãnh đạo, tổ chức cuộc mít-tinh lớn tại Sân vận động Cà Mau để chào mừng Mặt trận Việt Minh ra mắt và biểu dương lực lượng cách mạng quần chúng. Cuộc mít-tinh chuyển thành cuộc biểu tình vũ trang thị uy, kéo đến dinh Đốc phủ Kế (Nguyễn Văn Kế, Quận trưởng Cà Mau) buộc giao chính quyền, nhưng hắn lần lữa hứa hẹn. Cơ hội không thể trì hoãn, lực lượng cách mạng kiên quyết gây áp lực và cuối cùng Cà Mau đã được bàn giao cho Uỷ ban Dân tộc giải phóng Cà Mau. Tỉnh trưởng Bạc Liêu Trương Công Thiện trao chính quyền về tay cách mạng.
Khắp làng quê heo hút của Cà Mau, khí thế cách mạnh sôi sục dâng trào. Ở Viên An, nơi khởi phát cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai, Nhân dân đã chuẩn bị cho giây phút làm chủ vận mệnh quê hương, làm chủ cuộc đời mình. Đêm 23 rạng sáng 24/8/1945, lực lượng Viên An (nay thuộc huyện Ngọc Hiển) gồm các đồng chí Nguyễn Thành Thô, Lê Văn Lanh, Lữ Thái Ất, Lê Thành Phải… dùng xuồng bí mật tiếp cận đồn Nhật đóng ở đầu xẻo. Bọn Nhật thất thế, giơ tay chịu trói tại Nhà Việc. Do biến cố quá lớn, một bộ phận từng tham gia chính quyền tay sai còn nghi ngờ, do dự, nhưng trước không khí cách mạng, trước những sự thật và lý lẽ không thể phủ nhận, cả rừng đước tưng bừng giành được thắng lợi hoàn toàn.
Xứ rừng tràm Khánh Lâm, mọi người đã chuẩn bị cây roi, tầm vong vạt nhọn và rèn gươm, kiếm để chuẩn bị cho ngày tổng khởi nghĩa. Ngày 22/8/1945, lực lượng cách mạng kéo đến Nhà Việc tại Biện Nhị, không vấp phải sự phản kháng nào, ta tịch thu hồ sơ, tài liệu và súng. Chiều 25/8/1945, quân dân Khánh Lâm tổ chức mít-tinh lớn mừng thắng lợi. Đồng chí Tô Văn Mười đọc diễn văn, tuyên bố: “Cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi, chính quyền cách mạng thuộc về Nhân dân”. Hàng ngàn trái tim, khối óc ở xứ cơ cực như bừng tỉnh: Một cuộc đời mới, một tương lai mới mở ra.
Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà. Từ Cao Bằng, Hà Giang cho tới mũi Cà Mau, từng tấc đất, mặt biển, vòm trời, đâu đâu cũng là của những con người Việt Nam.
Theo hồi nhớ của cố Bí thư Tỉnh uỷ Minh Hải Đoàn Thanh Vị, cách mạng Tháng Tám đã làm cho những thanh niên đang tuổi mười tám, đôi mươi như ông thêm sáng lòng, sáng dạ. Quê hương, đất nước bước sang một trang sử mới, một niềm tin mới - niềm tin vào cách mạng sắt son, bất diệt. Và rồi từ đó, lớp lớp những con người Cà Mau, dưới ánh sáng của Đảng, của cách mạng đã chung vai kề sức để đi tới thắng lợi sau cùng. Cà Mau từ cảnh điêu tàn vì gông xiềng, áp bức đã đứng lên để tạc vào sử sách cuộc khởi nghĩa Hòn Khoai, mùa Đồng khởi, chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là, đánh bại âm mưu “Nhổ cỏ U Minh”, “Hạm đội nhỏ trên sông”… và đi tới ngày toàn thắng. Trong hành trình ấy, có biết bao anh hùng đã mãi mãi gởi lại tuổi thanh xuân và tinh thần bất tử trên đất mẹ Cà Mau. Từ ngọn cờ đượm vị mặn mòi của muối biển Đông mà giáo Hiển giương cao; từ hương mùa thu tháng Tám gió Ba Đình vọng lại, Cà Mau đã đứng lên, xông lên trong tư thế bất khuất của người chiến đấu và chiến thắng.
Núm ruột thiêng liêng của Tổ quốc, nơi dấu đất của Việt Nam từng ngày mới mẻ, có một mùa thu mãi mãi là niềm tự hào trong lịch sử, trong từng thớ đất, trong từng nghĩ suy của lớp lớp con người Đất Mũi Cà Mau.
Bài viết có tham khảo và trích dẫn thông tin từ các quyển sách: Nhớ mùa Đồng Khởi, (Hồi ký) của cố Bí thư Tỉnh uỷ Minh Hải Đoàn Thanh Vị; Lịch sử Đảng bộ tỉnh Cà Mau tập 1 (giai đoạn 1930-1975); Lịch sử Đảng bộ huyện Ngọc Hiển 1930-2010; Lịch sử Đảng bộ xã Khánh Lâm anh hùng; Lịch sử xã Viên An anh hùng; Lịch sử Đảng bộ, quân và dân xã Tạ An Khương anh hùng 1930-1945, cùng một số tư liệu khác./.
Phạm Quốc Rin