Với việc ngày càng nhiều nhà báo trên khắp thế giới khi tác nghiệp bị hành hung,trthứ hạng của celta vigo giết hại trong những năm qua, viết báo đã được xếp vào một trong những nghề nguy hiểm. Ngay đến tòa soạn báo trong vài trường hợp, cũng là mục tiêu của đòn thù, trả đũa, mà trụ sở báo Charlie Hebde ở Paris (Pháp) bị anh em nhà Kouachi (thuộc tổ chức al - Qaeda) đánh bom ngày 7-1-2015 là một điển hình.
Việt Nam không có các thế lực khủng bố quốc tế hoạt động nhưng người viết báo không vì thế mà được yên ổn hành nghề. Thoát khỏi sự tấn công trực diện bằng bom, đạn mà một số nhà báo quốc tế phải chịu đó đây trên thế giới, nhà báo trong nước lại đối mặt với những cách hành xử đôi khi còn tệ hơn khủng bố của “luật rừng” từ một số giang hồ, xã hội đen và cả cán bộ nhà nước, bảo vệ cơ quan, xí nghiệp, dân quân tự vệ, công an... thực hiện. Tệ hại, bởi vì hành hung, nhốt giữ phi pháp hay tước đoạt, đập phá phương tiện hành nghề của nhà báo lại là một số người rành rọt về pháp luật như cán bộ, công chức hoặc đại diện cho pháp luật như công an...
Trong năm 2015, đã có vài nhà báo bị công an và dân quân tự vệ đánh trọng thương khi đang hành nghề. Gần đây, một nữ phóng viên của Báo Phụ nữ bị một giảng viên quân đội liên tục nhắn tin hăm dọa “Gia đình mày có bao nhiêu người thì lo mua chừng ấy cái quan tài đi”, đã cho thấy sự am tường pháp luật có lúc song hành với “dân anh chị” để áp đặt “luật rừng” lên nhà báo. Và những doanh nhân thiếu cầu thị, những đại gia nhiều tiền, nghèo trí, cũng chẳng ngần ngại sử dụng bọn đâm thuê chém mướn để “dạy” cho nhà báo biết thế nào là lễ độ khi đụng chạm đến họ, viết về những vấn đề mà họ vốn dị ứng, luôn tìm cách che đậy, giấu kín.
Áp lực của trách nhiệm, của sự công tâm không cho phép nhà báo khoan nhượng, lùi bước trước cái xấu. Cái xấu giờ đây chìm, nổi, lén lút hay công khai phát sinh hằng hà. Và vì vậy, để hoàn thành những bài viết, những hình ảnh có tính chất phanh phui, nhà báo phải vượt qua nỗi sợ của chính mình để đi đến tận cùng sự việc. Điều đáng tiếc là dù đã có Luật Báo chí và Bộ luật Hình sự nhưng việc xử lý những “ca” hành xử võ biền, thô bạo với nhà báo còn hời hợt, qua loa, thậm chí là bao che, châm chước vẫn liên tục xảy ra khiến nhiều người thất vọng. Cho đến nay, vẫn chưa thấy đối tượng nào cấm cản, nhục mạ, nhốt giữ, xâm phạm thân thể nhà báo hoặc đập phá, tước đoạt phương tiện hành nghề của nhà báo khi đang tác nghiệp... bị truy tố về tội “chống người thi hành công vụ”. Nhà báo khi thực hiện nhiệm vụ do ban biên tập đề cử, chỉ đạo, đương nhiên là cán bộ đang thi hành công vụ. Bởi lẽ báo địa phương là cơ quan nhà nước, là “tiếng nói của Đảng bộ và nhân dân” của tỉnh, thành phố đó. Ngay đến những tờ báo không thuộc “đảng bộ” của 63 tỉnh, thành, vẫn thuộc các hội, đoàn thể nhà nước (như Báo Thanh niên, Tuổi trẻ, Phụ nữ, Pháp luật...).
Ở một xã hội pháp quyền như Việt Nam, thật khó tin và đáng buồn là trong những trường hợp hành xử bạo lực với nhà báo, không chỉ những kẻ mù luật mà còn có những người rành luật lại cố tình “ngồi xổm” lên pháp luật. Chính vì thế mà sự nguy hiểm trong nghề báo tại Việt Nam lại càng tăng lên nhiều lần.
Nguyên Nghi