Vùng Phú Thượng (Phú Vang) sát nách thành phố Huế có 2 địa chỉ gắn với 2 nhân vật nổi tiếng ăn sâu vào tiềm thức dân gian qua câu ca truyền khẩu: “Ba La chùa quan Bố/ Gia Lạc chợ ngài Vương”. Ngài Vương ở đây là Định Viễn quận vương Nguyễn Phúc Bính,ấuxưaxengựbxh cúp fa anh hoàng tử thứ sáu của vua Gia Long, người nức danh giàu có và đã khai sinh ra phiên chợ Gia Lạc nổi tiếng để dân vui chơi ba ngày tết. Còn quan Bố là cụ Bố chánh Nguyễn Khoa Luận, tức Viên Giác đại sư - Tổ khai sơn chùa Ba La Mật.
Phú Thượng nghe có vẻ xa xôi, chứ thật ra cả 2 địa chỉ kia nằm ngay trên trục đường Nguyễn Sinh Cung bây giờ, cách Đập Đá đâu chừng 2 cây số về phía đông. Ba La Mật đang ngày mỗi đông vui. Tăng ni phật tử các giới và du khách thập phương thường năng lui tới nên nhiều người biết. Chợ Gia Lạc cũng được báo chí đề cập nhiều bởi tính nhân văn độc đáo của nó; thậm chí còn được tái hiện, phục dựng ở các sự kiện văn hóa tại các thành phố lớn ở châu Âu, TP. Hồ Chí Minh... Duy phủ Định Viễn dù vẫn tọa lạc bên bến đò xưa cũ, vậy nhưng cửa đóng then cài và dường như còn rất ít người biết đến.
Nhân làm báo xuân Kỷ Hợi, tôi về Phú Thượng tìm phủ Định Viễn. Đã áng trước “tọa độ” nhưng do đường mở, cầu xây, nhà cửa mới... tôi lòng vòng mãi không tìm thấy. Nghĩ bụng ông hoàng Định Viễn nổi tiếng như thế, dân quê sở tại có lẽ ai cũng sẽ biết. Thôi thì tìm “bằng miệng” để nhanh cho rồi. Nhưng hỏi hết người này đến người khác, từ nam đến nữ từ lão đến ấu, ai cũng lắc đầu. Người thì bảo là mới đến ở sau này, kẻ thì bảo vùng đây chỉ có chùa, đình, tuyệt nhiên không thấy phủ... (!) Cứ vậy, lần hồi gần tới giáp giới Phú Mậu, tôi quyết định quay lên cầu Chợ Dinh. Sử ghi rõ phủ của ông hoàng ngay bên bến đò Chợ Dinh, mà cầu thì xây ngay bến đò cũ kia mà. Dọc theo con đường nhỏ chạy sát dưới chân cầu, lần này thì gặp. Tôi thở phào, hình như ông hoàng cũng cố thử lòng hậu sinh chơi thì phải. Thầm cảm tạ vì ông đã cho tìm ra nhà khi trời còn chưa tắt nắng, kịp để làm vài kiểu ảnh sáng sủa cho báo tết...
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo... Thời gian rồi sẽ lần hồi xóa nhòa tất cả. Nhưng cũng có những thứ mà giá trị mãi luôn được tôn vinh, mãi luôn lấp lánh cho dẫu thời gian có lùi bao xa đi nữa. Phiên chợ Gia Lạc có lẽ là một trong những giá trị như thế. Phiên chợ ấy gắn với nhân vật lịch sử mà vương phủ vẫn đang còn vẹn nguyên lưu dấu. Đó là điều may mắn cho lịch sử và văn hóa Huế. Vậy mà, ngay người dân sở tại lại không biết trong nhà mình đang có “món đồ” quý, sao có thể nói đến chuyện quảng bá, giới thiệu, hướng dẫn cho khách về thăm? Rời phủ Định Viễn khi chiều đang tắt nắng, chợt nghe lòng một thoáng buồn hẫng hụt...
Hiền An