游客发表
发帖时间:2025-01-25 16:04:13
Từ đó, tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm dần qua từng năm.
Đa dạng hóa mô hình sinh kế
Năm 2023, Bạc Liêu đã triển khai hơn 80 mô hình sinh kế cho trên 1.000 lượt hộ tham gia, chủ yếu là các mô hình sản xuất nông nghiệp như chăn nuôi, trồng màu, đan đát… Qua đó, góp phần tích cực trong công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nhất là chị em phụ nữ nghèo. Các mô hình này không chỉ giúp tạo thu nhập, việc làm, tận dụng được diện tích đất trống hay bỏ hoang mà còn góp phần vào việc cải thiện bữa ăn, giảm và tiết kiệm chi phí cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo.
Ðến Vĩnh Trạch Đông (TP Bạc Liêu), xã có khá đông đồng bào Khmer, chúng tôi ghi nhận cuộc sống của bà con nơi đây đã và đang thay da đổi thịt từng ngày. Ông Diệp Đel (ấp Biển Đông B) chia sẻ: “Trước đây kinh tế gia đình tôi khó khăn lắm. Nhưng từ khi được chính quyền tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn chính sách ưu đãi, tham gia các lớp tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật… tôi đã biết cách sử dụng đồng vốn hợp lý trong sản xuất cũng như nắm bắt kịp các tiến bộ khoa học để áp dụng nên cuộc sống ngày một khấm khá hơn. Không chỉ tôi mà nhiều gia đình khác trong ấp cũng vậy, có hộ xây dựng được nhà cửa khang trang, con cái học hành đàng hoàng… Tất cả những thay đổi trên là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với bà con Khmer”.
Thời gian qua, công tác chăm lo đời sống, phát triển kinh tế, nhất là các hộ có hoàn cảnh khó khăn luôn được cấp ủy đảng, chính quyền ở các địa phương quan tâm thực hiện. Nhờ đó, trình độ sản xuất được nâng lên rõ rệt, người dân dần thay đổi thói quen về canh tác, trồng trọt, chăn nuôi, từng bước nâng cao đời sống.
Điển hình như gia đình ông Danh Then ở ấp Kos Thum, xã Ninh Thạnh Lợi (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu), trước đây, cả gia đình 4 người chỉ trông chờ vào thu nhập ít ỏi từ 2 công đất rẫy canh tác không hiệu quả, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Thấu hiểu hoàn cảnh của ông, năm 2022, Hội Nông dân đã tạo điều kiện giúp ông Then tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) theo Nghị quyết số 28 của Chính phủ. Có vốn, ông chọn mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện của gia đình. Trước tiên là khoan giếng, mua máy bơm, cải tạo đất… Ông ưu tiên trồng rau muống vì có thể canh tác quanh năm, thời gian gieo hạt đến khi thu hoạch chỉ khoảng 20 ngày. Hiện mỗi ngày ông thu hoạch khoảng 50-60kg rau muống, giá bán từ 10.000- 12.000 đồng/kg, cho thu nhập khoảng 500.000 đồng/ngày.
Nỗ lực giảm nghèo bền vững
Để thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Bạc Liêu đã dành hơn 235 tỉ đồng, trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 205 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương là 30,7 tỉ đồng. Đầu năm 2023, Bạc Liêu còn 7.233 hộ nghèo (chiếm 3,19%), trong năm giảm được 3.347 hộ; nhờ vậy cuối năm 2023, số hộ nghèo còn lại là 3.886 hộ (1,71%). Đặc biệt, Bạc Liêu giảm tỷ lệ hộ nghèo nhưng không tăng tỷ lệ hộ cận nghèo và gần như không tái nghèo.
Theo Giám đốc Sở LĐ,TB&XH tỉnh Bạc Liêu, bà Lê Thanh Giang, năm 2024, Bạc Liêu phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 1%; các Sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã và các ngân hàng, doanh nghiệp giúp đỡ 2.273 hộ nghèo. Cụ thể, 70 Sở, ngành cấp tỉnh và doanh nghiệp nhận đỡ đầu 227 hộ, còn lại là các huyện, thị xã, thành phố; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo mới thoát nghèo được hỗ trợ bảo hiểm y tế; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, đa dạng hóa ngành nghề phù hợp với trình độ lao động nghèo; giải quyết việc làm trong và ngoài tỉnh 18.500 lao động, đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 500 lao động…
Ông Ngô Vũ Thăng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Để đạt được kết quả trên, các ngành, các cấp luôn quan tâm đẩy mạnh công tác truyền thông mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến người dân, nhất là người nghèo, bằng nhiều hình thức, đa dạng về nội dung nhằm khơi dậy ý chí chủ động, tự lực vươn lên của bà con. Đồng thời, tỉnh sử dụng có hiệu quả nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng để giúp người dân vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo bền vững. Từ các nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động có vốn làm ăn, tự tạo việc làm, góp phần tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống...”.
Đến thời điểm này, với những “trái ngọt” thu được, có thể nói Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững phù hợp với nguyện vọng của bà con đã thật sự đi vào cuộc sống và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân và của chính người nghèo trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là cơ sở vững chắc để Bạc Liêu hiện thực hóa khát vọng xây dựng tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nhân dân có cuộc sống ấm no, bình yên và hạnh phúc.
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接