(CMO) Tính đến cuối tháng 9 vừa qua, tiến độ thực hiện công trình và giải ngân vốn đầu tư công của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) mới đạt trên 168 tỷ đồng, đạt gần 50% so với tổng số kế hoạch được giao (hơn 341 tỷ đồng). Trong đó, riêng với kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 chuyển sang trên 63 tỷ đồng, giải ngân chỉ đạt 38,43% kế hoạch. Kết quả này không đạt theo tỷ lệ giải ngân quy định tại Chương trình hành động số 02/CTr-UBND ngày 9/2/2022 của UBND tỉnh, ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân không đạt, điểm qua một vài dự án lớn của ngành cho thấy, có dự án bố trí vốn quá nhiều so với nhu cầu giải ngân, trong khi có dự án mang tính cấp thiết, công trình đã có khối lượng đáng kể nhưng nguồn vốn lại nhỏ giọt, thiếu hụt.Dự án kè chống xói lở bờ biển, đoạn từ Đất Mũi đến cửa biển Vàm Xoáy và đoạn từ Kênh Năm Ô Rô đến Kênh Năm có nhu cầu giải ngân nhưng hiện nay đang khát vốn. Dẫn chứng cho thực tế trên, ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết, kế hoạch vốn ODA thuộc Tiểu dự án 8 được Trung ương bố trí vốn năm 2022 cao hơn so với nhu cầu giải ngân của dự án. Cụ thể, nhu cầu giải ngân khoảng 150 tỷ đồng, nhưng kế hoạch giao trên 277,6 tỷ đồng, theo đó đề xuất cần giảm kế hoạch vốn trong năm nay đối với dự án này trên 127,6 tỷ đồng. Cùng với đó, kế hoạch vốn Dự án Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tỉnh Cà Mau (KFW) đã được bố trí vốn từ đầu năm là 10 tỷ đồng, nhưng dự kiến không giải ngân kịp trong năm 2022 do phải chờ hướng dẫn các bước thực hiện từ Ban Quản lý Trung ương các dự án thuỷ lợi (CPO). Hàng loạt dự án đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc được ông Phan Hoàng Vũ liệt kê, kiến nghị cần có sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh nhằm kịp thời tháo gỡ. Cụ thể, tại Tiểu dự án 8 "Ðầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phòng, chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ nuôi tôm - rừng vùng ven biển tỉnh Cà Mau" thuộc Dự án ICRSL, đối với nâng cấp bờ bao chống tràn, vẫn còn vướng khâu giải phóng mặt bằng tại huyện Năm Căn. Ðối với dự án xây dựng hồ chứa nước ngọt, mong muốn sớm xem xét giao 2 khu đất thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp với diện tích trên 248.496 m2và khu đất thực nghiệm, ứng dụng khoa học và công nghệ 50.000 m2để nhà thầu tổ chức thi công, theo kịp tiến độ. Ðồng thời, khẩn trương giải quyết dứt điểm mặt bằng bãi chứa B6 (ven đường giao thông về trung tâm huyện U Minh) để có nơi chứa đất từ việc thi công. Ðối với dự án đầu tư xây dựng Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp với bến cá Khánh Hội (huyện U Minh), sớm xem xét, chấp thuận bố trí thêm khoảng 6 tỷ đồng để đảm bảo thực hiện hoàn thành dự án. “Dự án “Kết hợp bảo vệ vùng ven biển và phục hồi đai rừng ngập mặn tại Cà Mau và Kiên Giang (KjW), đến nay vẫn chưa xác định rõ ràng trách nhiệm giữa Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp và đơn vị Tư vấn hỗ trợ dự án GOPA trong thực hiện các công việc quan trọng, làm cơ sở triển khai bước tiếp theo, mặc dù vấn đề này phía Cà Mau đã nhiều lần có ý kiến, trong khi dự án chỉ được gia hạn đến năm 2025 là kết thúc”, ông Phan Hoàng Vũ bức xúc, đồng thời cho biết, nếu thời gian tới không có sự chuyển biến tích cực, kiến nghị UBND tỉnh làm việc trực tiếp với các đơn vị này để đẩy nhanh tiến độ dự án, vì thực tế nhu cầu đang rất cấp thiết, nhất là trong bảo vệ đai rừng phòng hộ, hình thành tuyến đê kiên cố bảo vệ đời sống và sản xuất của người dân, bảo vệ hệ sinh thái ven biển khi tác động của biến đổi khí hậu gây hậu quả ngày càng nghiêm trọng. Ðối với Dự án xây dựng Bến cập tàu Bãi Nhỏ và đường tuần tra trên đảo Hòn Khoai, ông Vũ cho biết, UBND tỉnh đã thống nhất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của dự án từ năm 2021 chuyển sang, tuy nhiên, đến nay Bộ Kế hoạch và Ðầu tư vẫn chưa có ý kiến phản hồi nên đơn vị chưa có cơ sở để lập các thủ tục điều chỉnh dự án, đồng thời kiến nghị tỉnh xem xét cho dừng thực hiện dự án do không đảm bảo thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn dự án trong năm 2022.
Cũng trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, Dự án kè chống xói lở bờ biển, đoạn từ Ðất Mũi đến cửa biển Vàm Xoáy và đoạn từ Kênh Năm Ô Rô đến Kênh Năm đã được Thủ tướng Chính phủ có quyết định giao kế hoạch vốn với số tiền 210 tỷ đồng, trong đó năm 2022 là 62 tỷ đồng, nhưng tiến độ bố trí vốn khá chậm, trong khi đây là dự án xây dựng có tính cấp thiết, cũng như thời hạn của dự án sẽ kết thúc vào năm 2023./.
Trần Nguyên
|