Đó là một hành trình dài và giờ đây “trái ngọt” đã bắt đầu xuất hiện...
Nhà của anh Nguyễn Văn Mười Ba,ựngthứccảithiệnkhnggiansốbd dữ liệu ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ.
Ở Hậu Giang, đi một quãng là thấy một ngôi nhà đẹp. Đẹp chưa hẳn là biệt thự, nhà cao, cửa rộng, cây kiểng, nội thất đắt tiền, mà đẹp mang ý nghĩa sâu sắc, bền vững từ ý thức của từng thành viên trong mỗi gia đình cùng chung tay vun vén cho mái ấm thêm nhiều màu xanh hạnh phúc. Cuộc thi Mô hình có cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp được tổ chức trong một thập kỷ qua là hành trình đủ để phát hiện, nhân rộng những mô hình trong dân độc đáo, tạo nên sức lan tỏa, nâng cao nhận thức của người dân không chỉ quan tâm cho gia đình mình mà còn hướng đến cộng đồng, giữ cho môi trường sống tốt đẹp hơn.
Người xưa có câu: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, câu nói ấy đúng với người tôi có dịp gặp khi nói tới chuyện cảnh quan. Có bàn tay của những người phụ nữ, những ngôi nhà trở nên xanh mát… Với chị Nguyễn Thị Hiệp, ở khu vực Bình Hòa, phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, câu nói trên đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Chồng chị làm thợ xây, còn chị đảm nhiệm chuyện chăm sóc nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, trồng, cắt tỉa cây xanh. Chị cho biết, chị thích trồng kiểng, nhưng chỉ bắt đầu làm được khoảng 10 năm, khi con cái đã lớn, cuộc sống đỡ vất vả. Hỏi về các giải thưởng mà chị đạt được từ sự vén khéo, chăm chút không gian sống của mình, chị nhẹ nhàng nói rằng, chị làm vì muốn gia đình được hưởng không khí trong lành, sạch sẽ, để mỗi người trong ngôi nhà này đều muốn sớm trở về mái ấm khi hết một ngày làm việc, chứ không phải để thi. Chị còn muốn sở thích của mình lan dần sang chòm xóm, để mọi người cùng góp chút công sức làm đẹp cảnh quan.
Ghé nhà chị Đặng Thị Cà Chen, ở ấp 5, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, cảm giác thoải mái, dễ chịu làm cho khách muốn đi lòng vòng, từ ngõ đến vườn, nhà đã sạch, vườn lại rất mát, được quét dọn sạch sẽ đến không còn một chiếc lá. Chị cười hiền, dọn dẹp được như vậy cực lắm, nhưng mà quen rồi em ơi, không sạch là không chịu nổi. Chị không nghĩ làm vì cuộc thi đâu, mà vì chính chị và những người thân xung quanh chị…
Mê cây cảnh, dọn dẹp sạch sẽ không gian không phải đặc quyền của phụ nữ, những người đàn ông trong gia đình cũng thích được “vẽ” lên không gian sống thiệt đẹp bằng cây cỏ, hoa lá, nên nhiều người nói từ cuộc thi này cũng góp phần cho công tác bình đẳng giới là vậy. Ông Tiêu Văn Trinh, ở ấp 4, xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, ví von rằng, không có cây kiểng là không thành một gia đình hoàn chỉnh. Vì thế, trước nhà, ông trồng kiểng ngăn nắp, gần hết khoảng sân rộng, rồi trồng cây xanh làm hàng rào hàng trăm mét trước nhà. Ông nói mấy người con cứ nói ba xây hàng rào bê tông cho nó chắc chắn, nhưng vì tiếc cái hàng rào cây xanh đã vun vén, cắt tỉa hơn 10 năm rồi mà ông cứ lần lựa mãi.
Còn anh Nguyễn Văn Mười Ba, ở ấp 2, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, lại có duyên với kiểng khá lạ, dạo đó có một người quen đến nhà, thấy mấy cây kiểng của anh u xù, như hoa dại trước nhà nên ra tay cắt. Xong xuôi, anh thấy ngạc nhiên vì chỉ thoáng cái, nhà anh sáng hẳn lên. Từ đó, anh bắt đầu vừa cùng vợ dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, vừa trồng nhiều loại kiểng để tạo hình theo ý của mình. Thời gian rảnh sau việc đồng áng, anh dành vào chăm sóc cây kiểng. Cũng từ đó, anh thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng, thoải mái hơn…
Người dân ý thức như anh Mười Ba, ông Trinh, chị Cà Chen… ở địa phương nào cũng có, nhưng những trường hợp chưa ý thức với trách nhiệm của mình trong xây dựng đường làng, ngõ xóm, quang cảnh nhà đẹp cũng còn nhiều. Bởi vậy, cuộc thi Mô hình có cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp sẽ tiếp tục tiếp sức cho công cuộc chinh phục, nâng cao ý thức của người dân để cải thiện môi trường sống...
Bài, ảnh: VĨNH TRÀ