Liên minh chiến đấu Việt-Lào: Những chặng đường hữu nghị và vinh quang | |
Lễ chào cột mốc và chứng kiến tuần tra chung Việt-Lào-Campuchia | |
Xây dựng tuyến biên giới Việt-Lào hòa bình, hữu nghị và phát triển | |
Giao lưu thanh niên, sinh viên tiêu biểu của 3 nước Việt-Lào-Campuchia |
Các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam và Quân đội Giải phóng nhân dân Lào. Ảnh tư liệu |
Trong 70 năm qua, mối quan hệ giữa 2 nước đã có một nền tảng bền vững để phát triển.
Sau khi Lào giành chính quyền tháng 10/1945, Chính phủ 2 nước Lào-Việt Nam ký Hiệp ước tương trợ Lào-Việt Nam và Hiệp định về tổ chức Liên quân Lào-Việt Nam, đặt cơ sở pháp lý cho hợp tác và liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc Việt Nam-Lào.
Từ những diễn biến mới của cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào, ngày 30/10/1949, Ban thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định, các lực lượng quân sự của Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng, mang danh là quân tình nguyện.
Tháng 4/1953, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Kháng chiến Lào quyết định mở chiến dịch Thượng Lào. Với thắng lợi của chiến dịch Thượng Lào, hậu phương kháng chiến của Lào đã nối thông với vùng tự do của Việt Nam, tạo thế phối hợp chiến lược giữa Việt Nam-Lào, góp phần đưa cuộc kháng chiến của 3 nước Đông Dương tiến thêm một bước mới.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giúp nhân dân nước bạn tức là tự giúp mình”, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, gần nửa triệu lượt quân tình nguyện và chuyên gia quân sự, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến Việt Nam vượt qua dãy núi Trường Sơn hùng vĩ sang Lào làm nghĩa vụ quốc tế cao cả, hy sinh những năm tháng tuổi thanh xuân, sức lực, trí tuệ, thậm chí cả tính mạng của mình để giành độc lập, tự do cho cả hai dân tộc Việt-Lào.
Từng tấc đất, ngọn cây của núi rừng Trường Sơn và trên khắp mọi miền đất nước Lào đều có dấu chân, những giọt mồ hôi, những giọt máu của các chiến sĩ hai nước hòa quyện với nhau. Các lực lượng quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã góp phần xây dựng cơ sở, xây dựng lực lượng và căn cứ kháng chiến của Lào từ không đến có, từ nhỏ đến lớn.
Các nhà lãnh đạo cao nhất của Lào ghi nhận, đánh giá cao đóng góp của nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam giúp cách mạng Lào. Chủ tịch Suphanouvong từng nói: “Những người mẹ, người vợ anh hùng Việt Nam đã gửi hàng sư đoàn quân tình nguyện đến giúp Lào. Hàng chục nghìn chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh trên đất Lào mà những người vợ, người mẹ vẫn âm thầm chịu đựng…”
Chủ tịch Kaysone Phomvihane đánh giá: “Trong lịch sử cuộc cách mạng thế giới đã có nhiều tấm gương trong sáng về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài và toàn diện như thế.
Nhà nước và nhân dân Lào vô cùng tự hào thấy rằng: Qua những thử thách gay go, quyết liệt trong nhiều thập kỷ, cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân hai nước đã thề hy sinh tất cả, kể cả hy sinh xương máu của mình vì thắng lợi và độc lập của hai nước”. Chủ tịch Kaysone Phomvihane khẳng định: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn, song tình nghĩa Việt-Lào sẽ mãi mãi vững bền hơn núi, hơn sông”.
Ngày 30/10/1949 là ngày truyền thống của quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào. Lập nhiều chiến công thành tích xuất sắc, quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã được nhà nước Việt Nam tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhà nước Lào tặng thưởng Huân chương Vàng Quốc gia và hàng chục nghìn tập thể, cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương các loại của Việt Nam và Lào.
Mặc dù tình hình khu vực và thế giới có nhiều thay đổi nhanh chóng, phức tạp nhưng tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Lào và Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển lên tầm cao mới, trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng, hiếm có, là di sản quý báu của 2 dân tộc, quy luật tồn tại và phát triển của 2 nước, là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng hai nước Việt-Lào.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith. Ảnh: TTXVN. |
Ngày 29/10, Lễ Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống quân tình nguyện và Chuyên gia Việt Nam tại Lào đã được tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Đích thân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith đã tham gia sự kiện quan trọng này.
Trước đó, ngày 28/10, tại cuộc gặp với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith đánh giá cao vai trò và vị trí của Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào, ghi nhận những công lao, đóng góp to lớn của họ đối với sự nghiệp cách mạng Lào; Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào mãi mãi ghi nhớ và biết ơn vô hạn đối với các gia đình liệt sĩ, các thương, bệnh binh và các cựu chuyên gia Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào.
Ông Bounnhang Vorachith bày tỏ vui mừng về mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Lào-Việt Nam ngày càng phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân mỗi nước; cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, chí nghĩa, chí tình và có hiệu quả mà Việt Nam đã dành cho Lào từ trước tới nay; khẳng định Lào sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước.
Về phần mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng, hai nước anh em gắn bó, thủy chung đã cùng chung chiến hào chống kẻ thù chung, giải phóng dân tộc, ngày nay lại cùng nhau xây dựng hai nước cùng phát triển.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng, việc kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào là một dịp tốt để hai bên cùng nhau ôn lại truyền thống quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào, tưởng nhớ và tri ân sự đóng góp to lớn của các thế hệ Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào vì sự nghiệp cách mạng của hai Đảng, vì độc lập, tự do của hai dân tộc Việt Nam và Lào.