游客发表
发帖时间:2025-01-25 09:26:36
Nhanh tay chuẩn bị dụng cụ đi thăm vuông tôm, ông Bữu cười: “Bữa nào giờ này tôi cũng đi vuông. Hôm nay có khách nên tôi tranh thủ chuẩn bị trước. Phải chịu khó thì kinh tế mới vững. Nhờ vậy mà 6 đứa con tôi nay thành gia lập thất, cuộc sống đề huề. Tôi mà ở không chắc buồn dữ lắm”.
Ông hồi nhớ, lúc mới 14, 15 tuổi ông theo cách mạng làm giao liên cho ấp. Nhỏ xíu con, ai cũng biểu ông mà làm được gì. Vậy mà giao việc gì ông cũng kham, từ thời chiến cho đến ngày hoà bình, ông đảm trách từ bí thư chi đoàn, bí thư chi bộ ấp, ấp đội trưởng, xã đội trưởng, trưởng ban nông nghiệp, trưởng công an xã. Ông nhẩm tính, thời làm xã đội trưởng là lâu nhất, đến 14, 15 năm. Đến năm 1994, do vợ bệnh, 6 đứa con nhỏ tuổi ăn tuổi học, lại thêm kinh tế quá chật vật nên ông xin nghỉ công tác về lo cho gia đình.
Trở về đời thường, ông bắt tay vào việc cấy cày trên mảnh ruộng quê hương. Do thời chiến (năm 1973), trong trận càn, ông đạp phải chông nên bị thương, cộng thêm nhiều mảnh vỡ pháo ghim ở ngực nên sức khoẻ hạn chế, nhất là khi trái gió trở trời, do đó, ông gắng sức mấy cũng không đủ lo cho 8 miệng ăn.
Những năm khốn khó, ông Bữu săn trăn rừng, nuôi và bán trăn con để kiếm tiền đóng học phí cho các con đi học. |
“Biết bao gian khó, có lúc tôi nghĩ chắc không vực dậy nổi. Nhưng vì thương vợ, thương con khổ cực, cộng thêm ý chí người lính Cụ Hồ cứ giục giã, thôi thúc tôi kiên trì, nhẫn nại vác cuốc cày xới, cải tạo đất khô cằn để lập vườn trồng tiêu, trồng trầu mới vực dậy được”, ông Bữu trần tình. Ông cho biết, tiêu thời đó có giá lắm, 1 năm ông thu hoạch hơn 300 kg, còn trầu (7 công) thì hái 2.000 ốp/ngày. Rồi khi chuyển dịch cơ cấu nuôi tôm, trên mảnh đất ruộng, ông trồng lúa - tôm, làm ngày làm đêm mới có thu nhập khá nuôi 6 đứa con vượt qua cấp THPT, rồi nuôi tiếp 4 đứa đi đại học, đứa học cao đẳng, đứa học nghề.
Người thương binh 4/4 dáng người nhỏ nhắn, da sạm đen nhưng lúc nào cũng tươi cười, suy nghĩ lạc quan. Ông bảo, nông dân chân đất, không chữ nghĩa, không giỏi công nghệ, nhưng hễ ai có mô hình gì hay là tìm tới “học lóm”. Máy móc hiện đại phục vụ sản xuất là ông không tiếc đầu tư. Ông cười: “Chịu chi nhưng không làm liều à nghen, phải tính toán dữ lắm, miễn sao mua về là phải sài được. Tiền sinh ra tiền”.
Ông minh chứng, từ 4,5 ha đất vườn tạp bị nhiễm phèn mặn, canh tác không hiệu quả, ông mạnh dạn đầu tư cải tạo bằng cách kê liếp, xả phèn mặn để trồng cây ăn trái 1 ha, cải tạo 3,5 ha đất vườn tạp thành đất trồng lúa và nuôi tôm. Trong quá trình phát triển sản xuất, ông luôn tích cực tham gia các phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi do các cấp hội phát động. Đồng thời, luôn tranh thủ thời gian tham gia các buổi tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi do hội nông dân các cấp tổ chức. Thông qua đó, ông lựa chọn cho riêng mình mô hình để áp dụng. Rồi tìm tòi học hỏi kết hợp với kinh nghiệm, ông đầu tư máy móc sản xuất và cho ra mô hình làm ăn hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trồng lúa trên đất nuôi tôm (đây là mô hình vừa giải quyết được vấn đề lương thực để sinh sống hằng ngày, vừa cải tạo môi trường đất trong nuôi tôm). Ngoài ra, ông còn chăn nuôi và trồng cây ăn trái đem lại hiệu quả kinh tế cao đó là vừa xiêm và dâu xanh.
Ông Bữu cải tạo vườn tạp, đất trống phát triển các loại cây, con có giá trị kinh tế cao. |
“Mô hình trồng dâu xanh tôi tâm đắc rất nhiều năm. Trước đây, khi chưa chuyển dịch sang nuôi tôm, khu vực tôi đang ở chủ yếu sinh sống bằng nghề nông và trồng dâu, nhưng sau chuyển dịch hầu hết người dân phá vườn để nuôi tôm, bản thân tôi thì không như vậy, tôi chỉ chuyển dịch 2/3 đất để nuôi tôm và trồng lúa, còn lại tôi cải tạo để trồng cây dâu xanh. Năm nào vườn dâu cũng hút khách, thu lợi hàng chục triệu đồng”, ông chia sẻ.
Gia đình ông Bữu còn chăn nuôi heo hướng nạc kết hợp nuôi các loại cá để cung cấp nhu cầu của địa phương. Cách làm này đem lại thu nhập từ 30-50 triệu đồng mỗi năm.
“Chính nhờ đầu tư đúng hướng và kịp thời nên hằng năm gia đình tôi thu nhập khoảng 200-300 triệu đồng”, ông Bữu tâm đắc.
Nở nụ cười mãn ý, ông bày tỏ: “Tôi cảm thấy vinh dự vì là người có tuổi đời trẻ nhất trong số 6 người có công của tỉnh Cà Mau được tuyên dương toàn quốc vừa qua. Được dịp gặp gỡ, trao đổi với rất nhiều tấm gương của 63 tỉnh, thành, tôi tự nhủ phải làm sao xứng với lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”. Với tinh thần tiên phong gương mẫu, bên cạnh làm kinh tế giỏi, còn phải là hạt nhân tích cực tham gia đóng góp công sức xây dựng đường làng ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp”.
Và người thương binh ấy mỗi ngày đang dốc sức thực hiện, ông làm gương cho con, cho cháu, tiên phong thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; với mong muốn bà con địa phương có đời sống khá, ông vận động, hỗ trợ bà con cải tạo vườn tạp, đất trống phát triển các loại cây, con có giá trị kinh tế. Cái ông quan tâm nhất vẫn là chuyện học hành của sắp nhỏ, nên hễ nghe nhà ai có ý cho con nghỉ học vì gia cảnh khốn khó, ông lại tìm đến giúp đỡ, quyết không để con cháu dốt chữ, nghèo vẫn hoàn nghèo./.
Băng Thanh
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接