Video bắt đầu bằng cảnh vợ con đứng trước cửa nhà tạm biệt anh vào khoảng 4-5h sáng. Anh kết thúc ngày làm việc lúc 23h đêm,ánchổichítmỗingàyôngbốXđượcdânmạngkhennứcnởbxh china league 1 khi may mắn bán hết xe chổi, được về nhà ôm hôn cậu con trai 2 tháng tuổi trong nỗi nhớ da diết.
Chia sẻ với VietNamNet, anh Đoàn Tuấn Anh (28 tuổi) cho biết, anh rất bất ngờ khi những chia sẻ giản dị của mình được lan truyền và nhận được nhiều lời động viên, khen ngợi đến vậy. Chỉ riêng trên TikTok, video đã nhận được 1,5 triệu lượt xem sau 1 ngày. Trên Facebook, nhiều người khen anh là “người đàn ông đích thực”, “ông bố tuyệt vời”…
Ông bố trẻ tâm sự, video anh chia sẻ trên mạng ghi lại một ngày làm việc của anh hôm 8/8. Cũng giống bao ngày khác, cung đường của anh hôm đó đi từ nhà (ở Hưng Hà, Thái Bình), qua Hải Phòng, rồi đến Tuần Châu, Hạ Long (Quảng Ninh). Với khoảng 300 chiếc chổi chít chở phía sau xe máy, anh rẽ vào từng cửa hàng tạp hoá, siêu thị trên đường đi để chào hàng. Ngày hôm đó, may mắn anh bán được hết số chổi.
Trung bình, mỗi ngày đi làm, Tuấn Anh bán được khoảng 200 chiếc chổi, hầu hết là giao buôn. Với giá bán 18-20 nghìn đồng/chiếc, sau khi trừ tất cả chi phí nhân công, nguyên vật liệu, xăng dầu, số tiền lãi anh thu về chỉ 500 đồng đến 2 nghìn đồng mỗi chiếc chổi. “Bán đắt hơn 1-2 nghìn lại không cạnh tranh được với các mối khác”.
Ông bố trẻ tâm sự, anh sinh ra và lớn lên ở làng Bùi, xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình - nơi nổi tiếng với nghề làm chổi chít. Trong làng hiện vẫn còn khoảng 20-30 gia đình làm nghề đan và bán chổi. Vì thế, anh biết làm công việc này từ nhỏ.
Thời thanh niên, sau khi học xong, Tuấn Anh chỉ ở nhà phụ bố mẹ làm ruộng. Năm ngoái, anh lấy vợ và vợ vừa sinh con được 2 tháng.
“Từ khi có vợ con, suy nghĩ và cuộc sống của mình thay đổi rất nhiều. Tất cả những gì mình làm đều vì mong vợ con có một cuộc sống đầy đủ như người khác dù có phải vất vả đến mấy”.
Tuấn Anh tâm sự, bạn bè nhiều khi gặp anh đi bán chổi cũng ngạc nhiên với sự thay đổi của anh - từ một thanh niên vô lo vô nghĩ trở thành người đàn ông bươn chải mưu sinh.
Đến nay, Tuấn Anh đã làm công việc này được khoảng nửa năm. Anh kể, trước khi “dấn thân” vào nghề, anh phải vay vốn ngân hàng để có tiền lấy nguyên vật liệu. Một bó bông chít có giá 40 nghìn đồng/kg. Anh nhập về chục tấn bông chít, theo tính toán ban đầu sẽ làm được trong 1 năm. Ngoài ra, còn rất nhiều chi phí cho chiếc chổi như cán nhựa, dây khô, ốc vít, dây thép…
Đến nay, chi phí anh bỏ ra khoảng 300 triệu đồng, trong đó anh mới chỉ trả trước tiền bông chít được 200 triệu, còn lại xin nợ trả dần sau khi bán được hàng.
Mỗi ngày, tại nhà anh có khoảng 4-5 nhân công đến làm chổi, sản xuất được 150-200 chiếc.
Anh Tuấn Anh cho biết, mỗi tháng anh đi bán được khoảng 20 ngày, bởi vì quãng đường đi khá xa, có những hôm mưa to, nắng gắt, về nhà rất mệt nên ngày hôm sau anh phải nghỉ. Một ngày làm việc của anh bắt đầu từ 4-5h sáng. Hôm nào sớm nhất là 18h anh về đến nhà. Nhiều hôm 21-22h anh mới có mặt ở nhà, đỉnh điểm có ngày 0h mới về. Vất vả như vậy nhưng có những ngày anh chỉ bán được 10 chiếc chổi, lỗ cả tiền xăng.
Mỗi ngày, để đi từ Thái Bình sang Quảng Ninh và quay ngược trở lại, anh phải đổ 3 bình xăng. Mệt nhất là khâu dỡ hàng xuống để đổ xăng, mỗi lần mất từ nửa tiếng đến 1 tiếng đồng hồ.
“Cả xe chổi rất nặng nên mình phải buộc thật chắc chắn. Buộc lỏng lẻo, chổi rơi ra đường thì mình mất công buộc lại đã đành, nguy hiểm hơn là gây tai nạn cho người đi sau” - anh nói.
Cũng vì xe hàng nặng nên anh rất vất vả để giữ cho cả người cả xe an toàn trên quãng đường 200-300km. Mỗi lần xe container đi qua, anh lại thót tim và phải cực kỳ cẩn trọng để vững tay lái.
“Sợ nhất là xe bị thủng săm, mình lại phải gửi hàng ở đâu đó để dắt xe đi sửa”.
Mới làm được 6 tháng nên anh chưa có nhiều mối quen, phải lang thang khắp các ngõ ngách để chào hàng.
Mỗi lần đi là một lối rẽ khác nhau, nhiều khi anh bị lạc đường. Cũng có khi mối cũ gọi giao hàng nhưng chỉ lấy chục chiếc chổi thì anh lại phải tính toán sao cho cung đường đi thật hợp lý để bán được số chổi còn lại. Ông bố trẻ cho biết, anh đang xem xét đổi cung đường. Có thể mỗi ngày anh sẽ đi từ Thái Bình lên Hà Nội để chào hàng.
Anh tâm sự, nhiều khi cũng nản chí, muốn đổi nghề nhưng bố mẹ và vợ động viên tiếp tục làm vì đã trót đầu tư vốn liếng. “Đi bán hàng nhiều khi mọi người cũng hỏi thăm, bảo bán chổi chít là giàu lắm đấy. Nhưng đâu có phải vậy…” - Tuấn Anh cười nói.