Biểu tượng Quỹ Tiền tệ quốc tế |
Ceyla Pazarbasioglu, Giám đốc Bộ phận Chiến lược, Chính sách và Đánh giá của IMF, cho rằng sự kết hợp giữa giá thực phẩm và năng lượng tăng cao, xu hướng dòng vốn chảy chậm vào các thị trường mới nổi và sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho các nhà hoạch định chính sách. “Hết cú sốc này đến cú sốc khác đang tác động tới kinh tế toàn cầu”, chuyên gia IMF nhận định.
Phát biểu sau khi cuộc họp Bộ trưởng Tài chính các nước thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã kết thúc hôm 16/7 mà không ra được thông cáo chung, bà Pazarbasioglu nhấn mạnh đến những khó khăn trong việc điều phối phản ứng toàn cầu đối với môi trường lạm phát gia tăng và lo ngại suy thoái.
Trước đó, IMF đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống 3,6%, từ mức 4,4% được đưa ra trước cuộc xung đột ở Ukraine. Trong bản cập nhật đánh giá vào tháng này, "chúng tôi (IMF) sẽ tiếp tục hạ đáng kể các dự báo", bà Pazarbasioglu nói.
Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đang gặp khó khăn trong việc tìm ra kế hoạch ứng phó thích hợp với vấn đề lạm phát gây ra bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
“Triển vọng ‘hạ cánh mềm’ đang dần bị thu hẹp”, Hyun Song Shin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), nhận định.
Con đường ấy không hẳn là đã đóng, song đang ngày càng trở nên gập ghềnh hơn. “Khi các ngân hàng trung ương thực hiện chính sách tiền tệ một cách nhanh chóng, dứt khoát và có phản ứng trước với lạm phát, kịch bản ‘hạ cánh mềm’ sẽ dễ xảy ra hơn.
Ngân hàng trung ương Indonesia, quốc gia đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20, đã trở thành ngoại lệ khi vẫn duy trì lãi suất chính sách ở mức thấp kỷ lục. Thống đốc Perry Warjiyo của ngân hàng đã bảo vệ quan điểm đó. Ông cho rằng việc thực hiện thắt chặt quá sớm có thể đẩy đất nước vào tình trạng lạm phát đình trệ./.