【bdkq u19】Tết Thanh minh
(CMO) Bạc Liêu là vùng đất trẻ được hình thành muộn hơn so với một số tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Với hệ thống sông ngòi chằng chịt, lại giàu tiềm năng kinh tế nên ngay từ buổi đầu khai khẩn, Bạc Liêu hội tụ lưu dân khắp mọi miền, trong đó có người Hoa đến từ Trung Quốc. Trải qua thăng trầm của lịch sử, cùng với người Kinh và người Khmer, người Hoa đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước. Cũng từ mảnh đất này, nhiều phong tục tập quán, lễ hội truyền thống của 3 dân tộc được lưu giữ và có sự giao thoa văn hoá với nhau. Thanh minh của người Hoa là một trong những nghi lễ mang nhiều ý nghĩa nhân bản sâu sắc và cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống văn hoá của người Kinh, người Khmer trong tỉnh.
Minh hoạ: Minh Tấn |
Năm nay Tết Thanh minh bắt đầu từ thứ Ba, ngày mùng 5/3, tức ngày 5/4 dương lịch. Ở Bạc Liêu, trước ngày chính của Tết Thanh minh, tại các chợ đâu đâu cũng thấy người ta bày bán đủ thứ lễ vật, từ các loại đồ mặn, đồ ngọt, bánh trái cho đến thịt heo quay, các loại giấy vàng mã, giấy ngũ sắc. Để cúng mộ, người ta chuẩn bị bộ tam sanh (gồm thịt heo, gà, khô mực hoặc trứng vịt, tôm), giấy ngũ sắc, nhang đèn, giấy vàng bạc, quần áo giấy… và các loại bánh trái, thức ăn, thức uống, trong đó không thể thiếu bánh bò, bánh bao không nhưn.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ lễ vật, các thành viên trong gia đình lần lượt đem lễ vật ra mộ. Trong tiết Thanh minh, vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, hầu hết các tuyến đường dẫn tới những khu nghĩa địa của người Hoa đều đông đúc người, xe cộ qua lại. Những hình ảnh trên tạo nên khung cảnh thật náo nhiệt. Lễ vật được bày ra trước mộ. Nếu có heo quay, người ta đặt heo sao cho đối diện với bát hương, rồi đặt 6 cái ly nhỏ được chia làm 2 hàng ở phía trước đầu heo quay để rót rượu. Các thứ lễ vật khác như giấy vàng mã, đồ mặn, đồ ngọt, bánh trái, thức uống… được sắp đặt ở vị trí thích hợp sao cho vừa cân xứng, hài hoà, vừa hợp với nghi lễ truyền thống. Một số thành viên khác thì chia nhau những mảnh giấy ngũ sắc: trắng, vàng, đen, xanh, đỏ để dán lên ngôi mộ lâu năm, còn đối với mộ mới xây thì chỉ dùng màu trắng. Nếu trong ngôi mộ Hoành-pú (tên gọi ngôi mộ lớn có vòng cung phía trước) có 2 hoặc 3 huyệt thì về phía huyệt của người còn sống phải dán giấy màu đỏ. Người Hoa quan niệm rằng giấy ngũ sắc tượng trưng cho ngũ hành: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ để nói lên ý nghĩ “con cháu muốn góp phần xây dựng chỗ ở cho tổ tiên được vĩnh hằng”. Sau khi dán giấy xong, mọi người cùng tề tựu phía trước bia mộ để dâng hương cúng tế. Trước khi cúng tổ tiên, người Hoa cũng có một phần lễ vật đặt ở góc trái trước ngôi mộ để cúng thần Đất đai, nhằm xin phép vị thần này làm lễ cúng tổ tiên và tạ ơn thần đã trông nom mộ phần của ông bà tổ tiên mình. Lễ vật gồm có rượu, giấy vàng đại, bộ tam sanh. Sau 3 tuần rượu cúng đất đai, họ mới đốt nhang cúng mộ. Đó là nghi lễ chính đối với người Triều Châu, còn đối với người Quảng Đông, ngoài những nét chung của phong tục dân tộc Hoa thì nghi thức cúng Thanh minh có khác biệt đôi chút so với người Triều Châu. Trước khi cúng mộ ông bà, người Quảng Đông đem lễ vật và thắp hương cúng tế tại nhà Hội trong khu nghĩa địa cho vị thần bảo hộ những người quá cố. Bên cạnh đó, họ còn đóng góp một khoản tiền cho Ban Quản trị Hội Tương tế Quảng Đông để dùng cho việc trùng tu, sửa chữa các chùa chiền bị hư hỏng hoặc làm công tác từ thiện xã hội, hay mua sắm lễ vật cúng cho những ngôi mộ hoang. Điều này thể hiện nghĩa cử cao đẹp, mối quan hệ đoàn kết trong cộng đồng người Hoa.
Sau khi đã hoàn tất việc cúng kiếng tổ tiên, theo phong tục, người Hoa thường tổ chức ăn uống tại ngôi mộ trong tâm trạng vui tươi, phấn khởi.
Mặc dù Tết Thanh minh có nguồn gốc từ dân tộc Hoa, nhưng do quá trình cộng cư lâu đời nên phong tục này đã ảnh hưởng đến nếp sống của người Kinh và Khmer ở Bạc Liêu. Hàng năm, cứ đến Tết Thanh minh, tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh hay các nghĩa địa khác, nhiều gia đình cũng đã mang lễ vật, nhang đèn, giấy vàng mã, giấy ngũ sắc đến cúng viếng người thân của mình. Có người khi đã đốt nhang cho thân nhân mình còn đi thắp nhang cho từng bia mộ trong nghĩa trang để tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ. Đây là nét văn hoá tốt đẹp của dân tộc.
Còn đối với người Khmer thì chuyện cúng Thanh minh không tổ chức quy mô như người Hoa, người Kinh, mà thường chỉ có những gia đình có quan hệ huyết thống với người Hoa, người Kinh từ lâu đời mới tổ chức cúng ông bà trong dịp lễ hội này. Bởi lẽ, người Khmer sau khi chết ít khi được đem chôn mà hoả táng và đem hài cốt thờ cúng tại chùa hoặc tại nhà. Họ không dùng rượu để cúng mà thay vào đó là nước trà hoặc nước tinh khiết vì người Khmer thường theo đạo Phật, mà rượu là một trong những thức uống cấm kỵ của nhà Phật. Mặt khác, trong lúc cúng, người Khmer cúng ông bà trước rồi mới cúng cho thần Thổ địa và nghi lễ của họ cũng kết thúc khi giấy vàng bạc đã thành tro.
Khi tiết Thanh minh kết thúc, các ngôi mộ chỉ còn lại màu mới của vôi, của những mảnh giấy ngũ sắc phấp phới bay trong gió. Có người liên tưởng nó tựa như những cánh tay của người quá cố đang giã biệt người thân để trở về cõi hư vô trong vũ trụ mênh mông. Rồi những mảnh giấy ngũ sắc kia cũng không còn trên nấm mộ, nhưng niềm tin về sự phù hộ, độ trì của ông bà, tổ tiên đối với người còn sống vẫn ngự trị trong tâm hồn con cháu.
Ngày nay, khi nhịp sống diễn ra hối hả, có thể những nghi thức bài bản của người xưa đã thay đổi ít nhiều để làm sao ngày lễ vừa được tổ chức một cách tiết kiệm mà vẫn thể hiện nét văn hoá truyền thống của dân tộc. Dù vậy, ý nghĩa nhân văn thể hiện lòng hiếu thảo, biết ơn của con cháu với ông bà tổ tiên, những người quá cố của Tết Thanh minh vẫn luôn là nét đẹp văn hoá trong tâm hồn người phương Đông./.
Nguyễn Minh Sang
本文地址:http://app.marimbapop.com/news/59f799494.html
版权声明
本文仅代表作者观点,不代表本站立场。
本文系作者授权发表,未经许可,不得转载。