Triển lãm là “sân chơi đặc biệt” cho các nhà nghiên cứu, những người yêu thích văn hóa, cổ vật cũng như các nhà sưu tầm. Đây cũng là một trong những hoạt động hưởng ứng “Festival Bốn mùa” của “Thành phố di sản”-Cố đô Huế. Phó Giám đốc Phụ trách Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế Ngô Văn Minh thông tin: Đây là triển lãm cổ vật đầu tiên mà Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế mời các nhà sưu tầm cổ vật ở 3 miền đất nước và ở Huế cùng tham gia.
Trước đó, Ban tổ chức đưa ra quy định với cổ vật trưng bày tại triển lãm lần này chỉ là các hiện vật thời Nguyễn, bắt đầu từ thời Vua Gia Long. Đến nay, đơn vị đã tiếp nhận nhiều hiện vật thuộc các bộ sưu tập tư nhân đến từ các nhà sưu tầm cổ vật trong nước: Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội, Huế… “Các nhà sưu tập trực tiếp mang hơn 150 hiện vật đến triển lãm. Chúng tôi đã tiếp nhận, chụp ảnh hiện trạng, tiến hành làm chú thích thông tin từng cổ vật, thiết kế catalogue để quảng bá. Hội đồng thẩm định gồm các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đầu ngành đã thẩm định, chọn lựa các hiện vật tiểu biểu để chuẩn bị cho triển lãm”, ông Minh nói. Theo Hội đồng thẩm định, các hiện vật, các bộ sưu tập giới thiệu tại lần triển lãm này đa phần là đồ ngự dụng. Đó là những bộ đồ trà, đồ sứ ký kiểu quý hiếm, cùng các hiện vật đa dạng về thể loại, chức năng sử dụng, phong phú về chất liệu và kiểu dáng…
Điển hình như bộ sưu tập “Đồ sứ ký kiểu” của nhà sưu tầm Lê Thanh Nghĩa; bộ sưu tập Pháp lam của nhà sưu tập Nguyễn Đỗ Như Anh; bộ sưu tập Khánh vàng của nhà sưu tập Thân Việt Hùng; hiện vật dĩa sứ “Mai hạc” của nhà sưu tập Mai Bá Thiện; các hiện vật nghiên mực, gác bút, hộp pháp lam, bình bạc, khay gỗ, ấn đồng của nhà sưu tập Nguyễn Trung Thành; nhà sưu tập Trương Văn Chánh với chiếc khay gỗ và ống điếu… Riêng Huế có 5 nhà sưu tập gửi hiện vật tham gia, chủ yếu đồ pháp lam, đồ sứ và gỗ. Ông Ngô Văn Minh chia sẻ: Mỗi nhà sưu tầm khi đưa hiện vật tới triển lãm, sẽ chọn lựa những sản phẩm độc đáo, có giá trị nhất của mình. Bởi không thường xuyên có những dịp như vậy để cổ vật được “khoe” với công chúng, người thưởng lãm, các nhà nghiên cứu, sưu tầm khác. Có những nhà sưu tập cổ vật sở hữu hàng trăm, thậm chí hàng ngàn hiện vật có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa nghệ thuật… Vì vậy mỗi khi mang ra trước công chúng, họ sẽ đưa sản phẩm đặc sắc nhất, tốt nhất của mình ra giới thiệu.
“Để triển lãm thêm phong phú về hiện vật, chất liệu, tránh sự “mất cân đối”, chẳng hạn như quá nhiều đồ sứ hay gỗ, nhưng thiếu mất đồ pháp lam thì chúng tôi sẽ bổ sung hiện vật ở các thể loại này vào chỗ “thiếu khuyết” đó, để triển lãm có sự hài hòa và phục vụ du khách, người yêu cổ vật tốt hơn”, ông Minh cho hay. Hy vọng, đóng góp của các NST tại triển lãm sẽ đem đến “sự kiện đặc biệt” này điểm nhấn về lịch sử, văn hóa nghệ thuật cho công chúng và du khách; làm phong phú thêm bức tranh di sản qua sự hội tụ, gặp gỡ của những tinh hoa được lưu giữ trên từng món cổ vật được trưng bày. Triển lãm “Cổ vật hội tụ” được khai mạc ngày 22/6 và kéo dài đến 21/7, tại khuôn viên tầng 1 và tầng 2 của điện Kiến Trung (Đại Nội Huế). |