Viết nhiều,ỗibuồnnhạcsĩgiải úc hôm nay đạt nhiều giải thưởng, nhưng số ít những tác phẩm sống được, còn đa phần chỉ ở trên trang giấy, chưa được hòa âm, phối khí, biểu diễn.
Nhạc sĩ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) viết hay và ấn tượng, đa dạng, mang đậm dấu ấn riêng, ấy vậy mà...
Liên hoan Âm nhạc ĐBSCL là sân chơi hiếm hoi giới thiệu những tác phẩm mới của nhạc sĩ trong vùng.
Tác phẩm cứ “nằm dài”… trên giấy
Mỗi năm, các hội, phân hội âm nhạc ở các hội, liên hiệp các hội văn học nghệ thuật những tỉnh, thành trong khu vực đều phát động các cuộc thi sáng tác ca khúc vào các sự kiện đặc biệt. Cùng với đó là những chuyến đi thực tế, tham dự trại sáng tác và tự đi tìm sự trải nghiệm, xúc cảm trong cuộc sống để lắng hồn mình mà ngân lên những giai điệu. Họ còn tổ chức các “cuộc thi mini” giữa các hội viên và các tác phẩm ấy nếu còn non tay sẽ được gợi ý, sửa chữa, hoàn chỉnh. Rồi tổ chức giao lưu với các nhà thơ để tìm những bài thơ hay phổ nhạc… Hàng năm, ở ĐBSCL có vài trăm người sáng tác, với hàng trăm tác phẩm ra đời, con số này tăng dần theo thời gian.
Dù viết nhiều, tham gia không ít cuộc thi và đạt nhiều giải thưởng, nhưng số ít tác phẩm sống được, còn đa phần chỉ ở trên trang giấy, chưa được phối, biểu diễn, chỉ hát cho nhau nghe. Đó là cái buồn của người nhạc sĩ, khi những đứa con tinh thần của mình vẫn chưa được đón nhận nhiều. Những nhạc sĩ nổi bật ở các địa phương, có tác phẩm được đánh giá cao, chinh phục những giải thưởng trong tỉnh, khu vực và có khi vươn xa hơn như Quang Thanh Giang (Cần Thơ), Vĩnh Phúc (Hậu Giang)…, nhưng tác phẩm của họ chưa thật sự được biết đến nhiều.
Nhạc sĩ Quốc Lâm (Trà Vinh) chia sẻ: “Mỗi nhạc sĩ khi viết một sản phẩm là cả một quá trình trải nghiệm, nhưng thực tế ở bản thân tôi và các đồng nghiệp là viết ra rồi để đó, hát cho nhau trong những dịp họp mặt để mọi người đánh giá rồi rút kinh nghiệm, chứ nếu muốn hòa âm phối khí và mời ca sĩ hát để giới thiệu thì rất khó”. Có lẽ vì điều này mà khi tham gia liên hoan âm nhạc ĐBSCL, anh… tự hát luôn bản nhạc của mình!
Đó là chưa nói đến chuyện phải tìm một người hòa âm, phối khí để tôn vinh bài hát, một phòng thu chất lượng và ca sĩ thể hiện tốt… cần cả một quá trình, tốn kém, nhưng hiệu quả mang lại chưa biết ra sao, bởi họ chưa có nơi để thể hiện trước công chúng. Tác phẩm cứ nằm dài trên giấy, thỉnh thoảng được chọn tham gia Liên hoan Âm nhạc ĐBSCL hay dự thi chẳng hạn, thì mới đầu tư, nhưng cũng có khi các nhạc sĩ tự hòa âm, phối khí và trình diễn luôn cho đỡ tốn kém. Trong khi, tác phẩm mới cứ ra đời đều đều, bài trước chưa được hát, bài sau đã tới nữa rồi…
Nếu như mỗi nhạc sĩ chỉ viết 2 ca khúc mỗi năm, một tỉnh có số lượng hội viên ít như Hậu Giang là 20 hội viên, đã có 40 ca khúc mới, có khi còn cao hơn nhiều, vậy mà ít khi có dịp vang lên!
Tìm đâu nhịp cầu tri âm ?
Các chương trình nghệ thuật mang tính khu vực, như trước đây có “Âm vang miền Tây”, giờ còn “Giai điệu phương Nam”, mỗi tháng có một lần với hơn 10 ca khúc được dàn dựng, trình diễn, trong đó hơn nửa ca khúc dành cho các tác giả trong khu vực. Một số đài phát thanh và truyền hình ở An Giang, Long An, thành phố Cần Thơ, dành một ít thời lượng cho chuyên mục giới thiệu tác phẩm mới, nhưng cũng không nhiều…
Nhạc sĩ Lê Nghiệp, Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Cần Thơ, chia sẻ, trước đây ở Cần Thơ có chương trình “Tây Đô Music”, giới thiệu các nhạc sĩ, nhưng tiếc là chương trình không có người đỡ đầu, nên cũng được một thời gian rồi thôi. “Giờ, chúng tôi cũng phải tự thân vận động cho tác phẩm của mình. Mình cũng được ít người biết đã vậy, các anh chị khác vất vả hơn, nhất là những người mới vào con đường sáng tác”, nhạc sĩ Lê Nghiệp bày tỏ.
Từng tạo nhiều điều kiện cho tác phẩm của anh em nhạc sĩ đồng bằng “cất cánh”, nhạc sĩ Thế Long, công tác tại Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại thành phố Cần Thơ (nay là VTV9), chia sẻ, có sẵn Hãng phim Tây Đô, có sản xuất chương trình ca nhạc để phục vụ trên sóng truyền hình, nên thời gian trước, anh đi tìm những tác phẩm mới, dàn dựng, mời ca sĩ có tiếng thể hiện, mỗi năm cũng vài chục chương trình, nhưng mấy năm nay, số lượng ít hẳn vì sáp nhập, nên việc này cũng thi thoảng mới có được một chương trình…
Một thực tế cần nhìn nhận là dù số lượng đông, sáng tác nhiều và cũng có không ít tác phẩm chất lượng, nhưng xem chừng những sáng tác ấy chưa thật sự đáp ứng nhu cầu của công chúng yêu âm nhạc, nên có những chương trình nghệ thuật không chọn được nhiều tác phẩm đưa vào. Mỗi chương trình, tác phẩm của các nhạc sĩ trong tỉnh có mặt được 1/3 đã là quá thành công. Mà mỗi tỉnh, thành trong suốt một năm chỉ có vài chương trình, nên số lượng tác phẩm được tải cũng ít.
Trong hội thảo “Từ dân ca, dân nhạc đến những sáng tác mới trong đời sống âm nhạc ĐBSCL”, trong khuôn khổ Liên hoan Âm nhạc khu vực diễn ra tại Hậu Giang vào tháng 3 vừa qua, nhiều nhạc sĩ tên tuổi cũng đánh giá cao sự cố gắng học tập của các nhạc sĩ đồng bằng để có thể đưa những tác phẩm đến gần với công chúng. Tuy nhiên, sự cố gắng này chưa đủ, trong khi nhu cầu của khán giả đang ngày một cao và có quá nhiều cách để họ tiếp cận với âm nhạc cũng như nhiều cách giải trí đa dạng, phong phú khác. Đó là chưa kể đến các cuộc thi âm nhạc trên sóng truyền hình khá nhiều, ấy vậy mà ít thấy thí sinh chọn (có thể họ chưa biết) những tác phẩm của các nhạc sĩ của khu vực. Chỉ những cuộc thi của các ngành trong tỉnh, thành tổ chức, thi thoảng mới thấy những sáng tác của họ.
***Chưa có sân chơi, cầu nối chung, cùng với chất lượng tác phẩm chưa đồng đều chính là những nguyên nhân làm cho tác phẩm âm nhạc ở đồng bằng ít có cơ hội được tung bay. Đây là câu chuyện dài và buồn, nhưng những người trong cuộc vẫn cố gắng tìm đầu ra cho tác phẩm của mình…
Nhạc sĩ Đức Trịnh, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam: “Trong đời nhạc sĩ, chỉ cần một tác phẩm để đời thôi cũng đã đủ” - “Tôi thấy những sáng tác âm nhạc ở đây vẫn còn một màu, ít có sự đột phá. Các nhạc sĩ vẫn cần tiếp tục trau dồi, trải nghiệm để thẩm thấu những nét văn hóa độc đáo của vùng, biến thành ca từ, giai điệu, mới thấm vào lòng người. Tôi nghĩ các anh cũng nên chọn cách thể hiện khó hơn, chứ không chỉ là những giai điệu nhẹ nhàng, tình cảm, na ná nhau như hiện tại. Đây là điều phải học, phải sống và trải nghiệm. Nhiều khi trong đời nhạc sĩ, chỉ cần một tác phẩm để đời thôi đã đủ. Muốn vậy, mình phải chuẩn bị hành trang cho mình”. |
Bài, ảnh: VĨNH TRÀ
----------------
Bài 3: Đau đáu chuyện mang tác phẩm đến người nghe