Để tránh mua phải vàng giả,ốcThủđoạnlàmvànggiảtinhviquamặtđượccảmáysoichiếmaytinhdudoan người mua cần đến các điểm kinh doanh có uy tín. Ảnh minh họa
Hết làm giả đến ăn bớt
Ngày 10/11, CQĐT - CATP Hạ Long, Quảng Ninh xác nhận đã phát hiện manh mối đường dây chuyên bán vàng giả diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc. Đối tượng trong đường dây này không chỉ có người Việt mà còn có cả người Trung Quốc. Theo lời khai ban đầu của các đối tượng, chỉ trong hơn chục ngày, lợi dụng sơ hở của các chủ cửa hàng trong việc kiểm tra chất lượng vàng, chúng đã bán thành công một số lượng khá lớn vàng rởm. Kiểm tra số vàng giả bị thu giữ, cơ quan chức năng phát hiện vàng đã bị trộn hóa chất “lạ”, do đó khi đưa vào máy thử vẫn cho kết quả vàng đủ “tuổi”.
Trước đó, CAH Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa đã tạm giữ đối tượng Nguyễn Văn Nam (SN 1989) trong ổ nhóm chuyên đi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại các cửa hàng vàng trên địa bàn tỉnh. Thủ đoạn của đối tượng là đi mua các dây chuyền bằng vàng thật tại các hiệu vàng về làm mẫu, sau đó chế tác lại bằng hợp chất kim loại khác rồi phủ một lớp vàng thật bên ngoài. Tiếp đến đối tượng tháo phần móc của sợi dây chuyền vàng thật dập thương hiệu, ký hiệu của cửa hàng vàng gắn vào sợi dây chuyền “copy” rồi đem bán lại cho chính cửa hàng đó.
Ngoài ra, có đối tượng còn đặt mua bộ khung chữ, ký hiệu số của các hiệu vàng uy tín trong nước, sau đó pha vàng và bạc theo tỷ lệ nhất định rồi đổ vào khuôn nấu thành sản phẩm trang sức. Tiếp đến, chúng dùng bộ khung chữ và ký hiệu số đã mua đóng lên sản phẩm để lừa người tiêu dùng.
Từng là một nạn nhân của vàng giả, bà Bùi Thị Xuân, ở đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ chia sẻ, qua người quen giới thiệu, bà đã mua 2 chỉ vàng của 1 đối tượng với giá thấp hơn giá thị trường 300.000 đồng/chỉ. Do người bán nói có việc gấp nên bán rẻ, kèm theo đó có cả phiếu bán hàng của cửa hàng vàng bạc nên bà Xuân rất yên tâm. Chỉ đến khi mang số vàng này đến địa chỉ ghi trong phiếu bán hàng, bà Xuân mới biết cửa hàng đó không tồn tại. Mang 2 chỉ vàng này đi kiểm tra, bà Xuân ngã ngửa người khi biết số vàng này không đủ tiêu chuẩn của vàng 9999.
Ngoài vàng giả, vàng nhái các thương hiệu có uy tín cũng đã xuất hiện trên thị trường. Theo đó, vàng miếng thật của một số công ty đã bị kẻ gian tháo khỏi bao bì, mài mòn 4 cạnh (làm giảm 2-3 phân vàng), sau đó dùng bao bì cũ đóng lại lừa bán cho người khác. Do giá vàng khá cao nên lợi nhuận thu được từ việc gian lận này là không hề nhỏ.
Nên đến địa chỉ có uy tín
Với vàng giả, tuy máy đo thông thường vẫn cho ra kết quả vàng 9999 song hàm lượng vàng trong đó rất thấp, chỉ có khoảng 40-60%, còn lại là chất lắng cặn nghi là vonfram. Sở dĩ vonfram được chọn để pha trộn làm vàng giả do có màu sắc và khối lượng riêng tương tự như vàng nên về cảm quan rất khó phát hiện.
Về cách phân biệt vàng thật với vàng giả, ông Đoàn Xuân Trường, ở phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân - người có thâm niên gần 20 năm chế tác vàng thủ công cho biết, người mua có thể sử dụng kính lúp soi vàng. Vàng giả bề mặt thường lồi lõm, có các chấm nhỏ, quan sát kỹ ở các cạnh của miếng vàng, những vết chạm khắc có thể thấy một số điểm có màu sắc khác biệt. Một cách thử khác mà từ xa xưa đã được áp dụng là cắn vào vàng. Nếu là vàng thật sẽ để lại dấu răng do nó có độ mềm dẻo. Ngoài ra, người mua có thể thử bằng axit nitric (vàng đổi màu thường là vàng giả), nam châm (vàng giả có chứa kim loại khác thường bị nam châm hút), mảnh gốm không tráng men…
Cũng theo ông Trường, giống như các loại hàng giả khác, điểm khác biệt cơ bản dễ phân biệt nhất giữa vàng thật với vàng giả chính là giá cả. Đánh vào tâm lý ham rẻ của số đông người dân, một số đối tượng đã bán vàng giả với giá thấp hơn hẳn. Do vàng là mặt hàng có giá trị lớn nên khi mua phải hàng giả, thiệt hại sẽ lên tới hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng. Vì vậy, mỗi người dân khi đi mua vàng nên tìm tới các thương hiệu lớn vì các cơ sở này có đủ phương tiện để kiểm định chất lượng vàng, có quy trình kiểm soát nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, để có căn cứ giải quyết phát sinh sau này, người mua cần yêu cầu cửa hàng có hóa đơn chứng từ đầy đủ, trên đó ghi rõ ký hiệu, số seri của sản phẩm.
“Việc sản xuất, kinh doanh buôn bán vàng giả không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân mà còn ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp làm ăn chân chính và sự ổn định của thị trường vàng trong nước. Do vậy, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi này để làm gương” - ông Trường kiến nghị.
Quy định mức hình phạt Về trách nhiệm pháp lý của đối tượng kinh doanh vàng giả, theo Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội, Điều 156 - BLHS quy định, người sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30 đến dưới 150 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính, đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Phạm tội có tổ chức, có tính chuyên nghiệp thì bị phạt tù từ 3 năm đến10 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Còn theo Điều 162, người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hay đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. |
Theo An ninh Thủ đô
Giá vàng hôm nay ngày 5/3/2015: Giá vàng giảm, đô la tăng mạnh