Trạm kiểm định di động tham gia kiểm tra, giám định phế liệu nhập khẩu tại cảng Hải Phòng.
Đây là cách làm mới với thiết bị hiện đại được cho là sẽ phát huy hiệu quả cao. Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Tuấn Hải, Phó Cục trưởng Cục Kiểm định hải quan, Tổng cục Hải quan xung quanh vấn đề này.
PV: Được biết, mới đây Cục Kiểm định hải quan đã tiến hành kiểm định tại chỗ các lô hàng phế liệu. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về những thiết bị kiểm định di động này?
- Ông Bùi Tuấn Hải: Vừa qua Cục Kiểm định hải quan đã đưa Trạm kiểm định di động trực tiếp lấy mẫu, kiểm định tại chỗ đối với lô hàng thép, phế liệu nhập khẩu và hạt nhựa tại Hải Phòng. Để kiểm định được các loại phế liệu sắt thép trong container hàng, cơ quan hải quan sử dụng máy đo độ phóng xạ bề mặt mẫu vật, máy đo thành phần hóa học sắt thép… Nếu mẫu vật không đạt quy chuẩn cho phép, chiếc máy này sẽ báo hiệu bằng những tiếng kêu cảnh báo.
Trạm kiểm định di động cũng bao gồm các thiết bị như ở phòng thí nghiệm cố định. Tuy nhiên, các thiết bị này được trang bị trên một chiếc xe, có thể cơ động di chuyển sẽ giúp cho việc tiếp cận hiện trường thuận lợi, thời gian kiểm tra nhanh hơn. Bên cạnh đó, có một số trang thiết bị phân tích không phá hủy, chỉ cần đưa máy bắn trực tiếp vào lô hàng cần kiểm định mà không cần phải phá hủy hay cưa, cắt.
|
Ông Bùi Tuấn Hải |
Như chúng ta đã biết, đối với cơ quan hải quan, thời gian thông quan kiểm tra thực tế chỉ có 8 tiếng, trường hợp khó tối đa 2 ngày. Do vậy, nếu lấy mẫu gửi đi phân tích sẽ rất lâu, nhưng khi sử dụng những thiết bị kiểm định di động có thể kiểm tra trực tiếp ngay tại cửa khẩu.
PV: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm định các lô hàng phế liệu, cán bộ kiểm định có gặp phải khó khăn gì không, thưa ông?- Ông Bùi Tuấn Hải: Kích thước của xe kiểm định di động như một container, nên chỉ bố trí được những thiết bị phân tích nhỏ, thiết bị phân tích nhanh
và phù hợp với hiện trường. Những thiết bị này được trang bị cho rất nhiều mục đích khác nhau như kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra phân tích phân loại và bây giờ thực hiện kiểm tra phế liệu.
Đối với mặt hàng phế liệu, hiện tại chỉ có ba nhóm có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường sẽ tiến hành kiểm tra; đối với những nhóm hàng chưa có quy chuẩn không có cơ sở để kiểm tra. Cụ thể, nhóm sắt thép kiểm tra theo quy chuẩn 31:2010/BTNMT, nhựa theo quy chuẩn 32:2010/BTNMT, nhóm giấy theo quy chuẩn 33:2010/BTNMT.
Để kiểm định ba nhóm hàng này, Cục Kiểm định hải quan đã cố gắng trang bị một số thiết bị cầm tay, thiết bị đo nhanh để phục vụ tương đối yêu cầu kỹ thuật trong tiêu chuẩn đó. Cụ thể, sắt thép sẽ kiểm tra phóng xạ bề mặt, bên cạnh đó xác định được chủng loại sắt nhập khẩu là loại sắt hợp kim hay không hợp kim..., từ đó đối chiếu với quy chuẩn xem có đủ điều kiện nhập khẩu hay không.
Đối với nhựa khi kiểm định cũng sẽ phân loại được chủng loại và nhiều chỉ tiêu khác... Tương tự, giấy cũng sẽ kiểm tra được chủng loại và độ ẩm..., để đối chiếu với quy chuẩn.
Tuy nhiên, đối với chất thải nguy hại, thiết bị kiểm định di động chỉ cho ra được những kết quả phân tích ban đầu, sau đó sẽ phải kiểm định bằng thiết bị phân tích sâu hơn. Thực tế, trên xe kiểm định di động cũng có một số thiết bị phân tích độc tố. Tuy nhiên, nguồn điện cung cấp chỉ được hỗ trợ trong một thời hạn nhất định, trong khi đó để phân tích những chất thải nguy hại cần thời gian dài hơn. Do đó, để đảm bảo phân tích thì sẽ phải thực hiện trong phòng thí nghiệm.
PV: Như ông vừa chia sẻ, hiện tại chỉ kiểm tra phế liệu có quy chuẩn, đối với những phế liệu chưa có quy chuẩn sẽ được giải quyết như thế nào?
- Ông Bùi Tuấn Hải: Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, khi nhập khẩu phế liệu phải có chứng nhận phù hợp quy chuẩn môi trường. Khi có quy chuẩn mới có cơ sở đối chiếu quy chuẩn với hàng thực nhập, từ đó đánh giá sự phù hợp, nếu chưa có quy chuẩn sẽ chưa có cơ sở để đánh giá có phù hợp hay không. Đối với trường hợp chưa có quy chuẩn, theo yêu cầu Tổng cục Hải quan, sẽ trả lại cho cửa khẩu và thông báo với doanh nghiệp yêu cầu trả hàng. Yêu cầu đặt ra là để Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành nhanh quy chuẩn đối với những mặt hàng đó.
PV: Ông có thể chia sẻ thêm về kết quả kiểm định các lô hàng phế liệu vừa được thực hiện?
- Ông Bùi Tuấn Hải: Nếu chỉ thực hiện kiểm tra một điểm tại một cảng sẽ làm rất nhanh khi các lô hàng được lấy mẫu sẵn, tuy nhiên, vừa qua do tiến hành thí điểm tại nhiều cửa khẩu khác nhau của Hải quan Hải Phòng nên chúng tôi chỉ kiểm tra được một số lô hàng. Bên cạnh đó, các Trạm kiểm định di động cần thời gian ổn định nguồn điện, trong khi khoảng cách các container hàng rất rộng, khi kiểm tra xong container hàng này có khi phải di chuyển vài cây số để tới địa điểm kiểm tra container hàng khác, mất thời gian để khởi động lại từ đầu.
Qua quá trình kiểm tra đột xuất những lô hàng có tờ khai phế liệu cho thấy, tất cả các lô hàng được tiến hành kiểm định đều đạt tiêu chuẩn. Những lô hàng không được khai báo thì chỉ nhìn bằng mắt thường cũng có thể thấy được đó là chất thải.
PV: Xin cảm ơn ông!Hồng Quyên (thực hiện)