Diện mạo xã An Vĩnh Ngãi (TP.Tân An, tỉnh Long An) ngày càng đổi mới (Trong ảnh: Cầu Bảo Định trên tuyến đường Vành đai TP.Tân An qua xã An Vĩnh Ngãi) Đất anh hùng vững bước đi lên An Vĩnh Ngãi là xã duy nhất của TP.Tân An 2 lần được phong tặng danh hiệu anh hùng. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã viết tiếp những trang sử hào hùng trong công cuộc xây dựng quê hương, từng bước “biến” vùng trắng, hoang tàn sau chiến tranh thành làng quê khởi sắc. Trong trí nhớ của người dân nơi đây, sau khi hòa bình lập lại, An Vĩnh Ngãi là vùng nông thôn “4 không”: Không đường, không điện, không trường, không trạm y tế. Hơn 10 năm trở lại đây, khi Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM) được thực hiện, Đảng bộ, chính quyền xã đã nhạy bén và chỉ đạo kịp thời. Những ngày này, mặc trời nắng nóng, Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Vĩnh Bình - Lê Văn Chống thường xuyên đi cơ sở để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân trong ấp. Nhờ vậy, hầu hết những công trình do xã, ấp phát động đều được người dân đồng thuận cao, tự nguyện góp tiền, hiến đất. Ông Chống kể, gần cả đời sinh sống tại đây, cũng như những người dân khác, ông yêu quý mảnh đất này và cảm thấy vui mừng trước sự thay đổi của địa phương. “Trạm y tế, trường học đạt chuẩn; hệ thống điện, nước được đầu tư xây dựng; đường nhựa rộng thênh thang đi về các ấp. Đời sống người dân được nâng lên. Nhiều công trình giao thông trên 1 tỉ đồng đều do người dân góp tiền, góp công làm nên” - ông Chống chia sẻ. Bí thư Đảng ủy xã An Vĩnh Ngãi - Lê Văn Huấn thông tin, năm 2010, xã được công nhận danh hiệu xã văn hóa và được phúc tra công nhận lại vào năm 2016, đạt chuẩn NTM vào năm 2015. Năm 2020, An Vĩnh Ngãi là xã đầu tiên của TP.Tân An đạt chuẩn NTM nâng cao. Hiện thu nhập bình quân đầu người đạt 67 triệu đồng/năm. Công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được địa phương thường xuyên quan tâm,... Thời gian tới, xã ra sức củng cố, nâng chất các tiêu chí của xã NTM nâng cao và phấn đấu xây dựng thành công xã NTM kiểu mẫu. “Thay áo mới” ở một vùng quê Có mặt tại xã anh hùng Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến sự vươn mình của một vùng đất vốn nhiều khó khăn. Xã Phước Vĩnh Đông được biết đến với khu vực Cầu Tre (ấp Thạnh Trung) là địa điểm ghi dấu chiến công của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là trận đánh tiêu biểu nhất của quân và dân địa phương, đã bẻ gãy chiến thuật “trực thăng vận” của địch, cổ vũ niềm tin chiến thắng của quân, dân cách mạng. Với những ý nghĩa đó, khu vực Cầu Tre được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2010. Phước Vĩnh Đông vẫn là xã bãi ngang, hệ thống giao thông chưa phát triển và thường xuyên chịu ảnh hưởng của triều cường, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Thời gian qua, xã được “tiếp sức” từ Trung ương, tỉnh, huyện cùng sự nhạy bén của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhiều chính sách dành cho sản xuất, trong đó, có hỗ trợ vốn cho người dân; đầu tư kết cấu hạ tầng đã thay đổi diện mạo một vùng đất anh hùng. Hiện nay, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa được xây dựng mới. Mạng lưới điện phủ kín địa bàn. 90% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh. Nhà của một hộ dân tại xã Phước Vĩnh Đông (huyện Cần Giuộc) được xây dựng khang trang Để “tiếp sức” cho xã bãi ngang khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, Phước Vĩnh Đông đang được quy hoạch đầu tư phát triển theo hướng khu công nghiệp, dân cư, thương mại, dịch vụ. Hiện xã có 19 dự án (DA), trong đó, một số DA đã hoàn thành đi vào hoạt động; một vài DA đang xây dựng hạ tầng và các DA đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng. Theo Bí thư Đảng ủy xã Phước Vĩnh Đông - Phạm Quốc Tuấn, với điểm xuất phát thấp nên hiện nay địa phương tuy có sự thay đổi rõ rệt nhưng hộ nghèo vẫn còn 3,76%. Theo rà soát, đánh giá của địa phương, xã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM. Thời gian tới, ngoài nâng chất, củng cố các tiêu chí, xã mong nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, sự hỗ trợ, chung tay, góp sức của các doanh nghiệp cũng như người dân trong và ngoài địa phương để Phước Vĩnh Đông có sự chuyển mình mạnh mẽ hơn. Anh hùng trong chiến tranh, vươn nhanh trong đổi mới Lật mở từng trang lịch sử truyền thống cách mạng ở xã Mỹ Yên, huyện Bến Lức mới thấy hết sự kiên cường, anh dũng trong đấu tranh của thế hệ cha anh, góp phần làm nên độc lập. Hơn 80 tuổi đời, 55 tuổi Đảng, ông Huỳnh Văn Hạnh (ấp 3, xã Mỹ Yên) chứng kiến biết bao sự đổi thay của địa phương. Theo ông Hạnh, trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Mỹ Yên được xem là “vùng trắng” bởi sự tàn phá khốc liệt của bom đạn chiến tranh. Tiếp giáp Sài Gòn nên Mỹ Yên còn là xã nằm trong khu vực xung yếu, có nhiều căn cứ của địch. Địch luôn tìm cách chiếm đóng trên địa bàn xã nhằm hạn chế vị trí chiến lược, mang tính bàn đạp của Mỹ Yên. Trước âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, quân, dân Mỹ Yên vẫn vững vàng, góp phần cùng quân, dân miền Nam và cả nước làm nên dấu son lịch sử với những trận đánh tiêu biểu, trong đó, có anh hùng Nguyễn Văn Hiển (Năm Trung). Tên của ông ngày nay được đặt tên cho trường học tại xã Mỹ Yên. Ông Hạnh chia sẻ: “Cái đáng quý ở Mỹ Yên chính là người dân có truyền thống yêu nước, bám đất, giữ làng,... Trong kháng chiến, nhiều đồng chí cách mạng được nhân dân che chở, đùm bọc. Sau ngày giải phóng, Mỹ Yên là nơi có nhiều “cái không” nhưng hiện nay được nhiều “cái có”. Điều tôi tâm đắc nhất chính là ý Đảng hợp với lòng dân. Lãnh đạo xã luôn lắng nghe những góp ý, tâm tư, nguyện vọng của người dân. Tôi tuy lớn tuổi nhưng vẫn tham gia đóng góp ý kiến để xây dựng xã ngày càng phát triển”. Điều tâm đắc nhất với ông Huỳnh Văn Hạnh là ý Đảng hợp lòng dân Được Đảng, Nhà nước phong tặng 2 lần danh hiệu anh hùng (Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới), Mỹ Yên phát huy truyền thống, không ngừng nỗ lực phát triển KT-XH, đạt xã văn hóa năm 2011 và “về đích” NTM vào năm 2014. Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Yên - Nguyễn Hoàng Minh tự hào, từ vùng đất bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, Mỹ Yên hôm nay vươn lên về mọi mặt, đời sống của người dân ngày càng phát triển. Xã từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Đến nay, xã thu hút nhiều nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trên địa bàn (trên 200 công ty, xí nghiệp). Thu nhập bình quân đầu người ngày càng cao. 5 năm gần đây, xã không còn hộ nghèo. Hiện địa phương ra sức phấn đấu để xây dựng thành công xã NTM nâng cao trong năm 2023. Đây cũng là chỉ tiêu Nghị quyết của Huyện ủy Bến Lức đặt ra trong năm nay. Trường học tại xã Mỹ Yên đạt chuẩn quốc gia (Trong ảnh: Cô và trò Trường Mẫu giáo Mỹ Yên sinh hoạt) Tiếp nối truyền thống anh hùng, dưới sự chỉ lối soi đường của Đảng, bằng những chủ trương, chính sách đúng đắn và sự đồng thuận của nhân dân, những vùng đất anh hùng đang vững bước trên con đường thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH, nâng cao đời sống người dân./. Thanh Nga |