Thực trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ đang là “bài toán khó” của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà trong năm học 2021-2022. Bậc học mầm non,ạilothừkq arsenal hom nay mẫu giáo thiếu nhiều giáo viên nhất, nguồn giáo viên hợp đồng bậc học này cũng khan hiếm. (Ảnh chụp trước đợt dịch) Thực trạng nhiều năm Bà Võ Việt Oanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Long 1, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Đã 5 năm nay trường thiếu giáo viên. Việc thiếu giáo viên luôn là bài toán khó đối với nhà trường. Năm nay cũng vậy, trường thiếu đến 10 giáo viên chủ nhiệm và 3 nhân viên. Chúng tôi đã hợp đồng được 8 giáo viên chủ nhiệm, còn thiếu 2 giáo viên. Trong khi năm học mới đã vào chương trình”. Năm học 2021-2022, Trường Tiểu học Tân Long 1 dự kiến huy động khoảng 1.066 học sinh từ khối 1 đến khối lớp 5. Việc thiếu giáo viên đã gây khó khăn cho việc dạy và học trực tuyến của nhà trường. Ban Giám hiệu nhà trường đang linh động điều chuyển giờ dạy của các giáo viên để hỗ trợ cùng nhau quản lý giờ học của học sinh, trong thời gian chờ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phụng Hiệp tuyển dụng bổ sung thêm 2 giáo viên cho trường. Thừa giáo viên bộ môn này nhưng lại thiếu giáo viên bộ môn khác cũng là thực trạng tại Trường THPT Tân Phú, thị xã Long Mỹ. Ông Phạm Tấn Lợi, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Phú, cho biết: “Đầu năm học, trường thiếu 1 giáo viên tiếng Anh và 1 giáo viên môn toán nhưng đồng thời cũng thừa 2 giáo viên ở bộ môn khác. Vấn đề thừa thiếu giáo viên đã được nhà trường báo về Sở Giáo dục và Đào tạo xin ý kiến. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của toàn ngành là thực trạng thiếu biên chế giáo viên. Vì thế, giải pháp của trường là điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu phù hợp, đảm bảo chất lượng chương trình học, nhưng nói chung là hơi khó”. Khó giữ chân giáo viên hợp đồng Nằm trong tình trạng thiếu giáo viên nhiều năm qua, Trường Tiểu học Long Phú 1, thị xã Long Mỹ đang nỗ lực tìm giáo viên hợp đồng. Ông Lê Văn To, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trường thiếu 1 giáo viên chủ nhiệm lớp và 1 giáo viên dạy âm nhạc. Việc thiếu giáo viên chủ nhiệm gây khó khăn cho nhà trường trong công tác quản lý học sinh. Giải pháp của nhà trường là hợp đồng tuyển dụng 2 giáo viên thiếu này”. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 học sinh tạm dừng đến trường, học trực tuyến tại nhà và cũng chỉ học tập trung vào các môn toán, tiếng Việt, tiếng Anh, chưa học đầy đủ các môn học theo chương trình nên nhà trường sẽ tiếp tục tìm nguồn để hợp đồng đảm bảo đủ giáo viên cho năm học 2021-2022. Trường Tiểu học Long Phú 1 dự kiến huy động đến trường khoảng 500 học sinh với 18 lớp từ khối 1 đến khối lớp 5. Tuy nhiên, đến nay công tác tuyển sinh vẫn chưa đạt chỉ tiêu, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thu nhập thấp, thời gian chăm sóc gia đình không nhiều… là những trở ngại để giáo viên mầm non gắn bó với nghề. Đỏ mắt để tìm ứng cử viên giáo viên các lớp mầm non cho các trường, ông Trần Mê Ly, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Khan hiếm nguồn giáo viên hợp đồng chính là thực trạng nhiều năm qua, nhất là đối với giáo viên cấp học mầm non, tiểu học. Những năm trước, mỗi năm huyện đều nhận được một lượng lớn hồ sơ giáo viên hợp đồng nhưng 3 năm nay số lượng này ngày càng giảm”. Không những giảm về số lượng hồ sơ tuyển dụng mà nguồn giáo viên đã hợp đồng năm trước, sang năm sau chưa chắc đã hợp đồng lại, vì một số giáo viên này đã xin nghỉ đi làm công nhân hoặc chuyển công việc khác... “Không giữ chân được giáo viên bám trụ với nghề là một nỗi buồn của những người làm quản lý giáo dục như tôi, dù hiện nay tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ khoán việc cho các giáo viên hợp đồng phù hợp theo tình hình thực tế”, ông Trần Mê Ly, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phụng Hiệp, bộc bạch. Trên địa bàn huyện Phụng Hiệp có 67 trường học từ cấp học mầm non, mẫu giáo, THCS, THPT với trên 37.000 học sinh. Phòng Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp cùng Phòng Nội vụ xây dựng kế hoạch trình UBND huyện xin chủ trương Sở Nội vụ để xét tuyển biên chế và hợp đồng giáo viên đang thiếu cho ngành, với số lượng là 75 biên chế (mẫu giáo 30 biên chế, tiểu học 28 biên chế và THCS 18 biên chế và đang tiếp nhận ngoài địa bàn 5 biên chế). Năm học 2021-2022, ngành giáo dục và đào tạo huyện được giao 1.931 biên chế nhưng số thực tế hiện có là 1.822 biên chế. Như vậy so với biên chế được giao, còn thiếu 91 biên chế sự nghiệp và 18 hợp đồng Nghị định 68. Khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, một số trường đã thực hiện giải pháp điều động giáo viên dạy liên trường. Tuy nhiên, đây có phải là biện pháp lâu dài? Ông Phạm Thanh Hải, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vị Thủy, cho biết: “Dạy liên trường là giải pháp đã góp phần khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ hiện nay. Giải pháp này giúp giáo viên bộ môn đảm bảo đủ định mức giờ dạy theo quy định và nơi thiếu giáo viên vẫn đảm bảo hoạt động giảng dạy. Tuy nhiên, khó khăn khi thực hiện dạy liên trường là việc dạy cùng lúc 2 trường giáo viên sẽ khó trong việc đi lại, các chế độ trợ cấp, phụ cấp thêm không nhiều”. Ngoài ra, với đặc thù của ngành giáo dục, mỗi năm học đều có giáo viên nghỉ hưu, nghỉ thai sản… nên tình trạng thiếu giáo viên xảy ra ở mọi thời điểm. Để đảm bảo hoạt động giảng dạy, các trường buộc phải phân công giáo viên dạy tăng tiết, trái môn, hợp đồng giáo viên và nhiều giải pháp phù hợp theo tình hình thực tế... Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Thừa thiếu giáo viên cục bộ là khó khăn nhiều năm nay ngành giáo dục và đào tạo đang tìm cách tháo gỡ. Ngành đã có trình lên UBND tỉnh để bổ sung biên chế cho ngành giáo dục và đào tạo. Giải pháp trước mắt là ngành sẽ hợp đồng giáo viên, luân chuyển, điều động giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu, cố gắng sắp xếp để đảm bảo đáp ứng nhu cầu giảng dạy trong năm học mới”.
Bài, ảnh: CAO OANH |