(CMO) Trăn trở vì chưa có nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, đoàn viên, thanh niên ở nông thôn đã tự tập hợp gây nguồn quỹ nhằm giúp nhau lập nghiệp, góp phần tạo việc làm ổn định tại địa phương. Đây là một trong những việc làm thiết thực, mang lại hiệu quả của Chi đoàn Ấp 11, xã Thới Bình, huyện Thới Bình.Được thành lập hơn 5 năm nay, quỹ vốn vay hỗ trợ đoàn viên, thanh niên lập nghiệp của Chi đoàn Ấp 11, xã Thới Bình giúp không ít đoàn viên, thanh niên xoay xở khó khăn về vốn, phát triển nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả tại địa phương. Ban đầu chỉ 7 đoàn viên, đến nay mô hình vốn vay hỗ trợ thanh niên lập nghiệp đã thu hút được 23 đoàn viên tham gia. Do không có vốn nhiều nên số tiền các bạn góp vào quỹ hiện nay chỉ hơn 15 triệu đồng nhưng đã giúp được 6 bạn có nhu cầu phát triển sản xuất, mua bán nhỏ.
Bạn Huỳnh Vũ Linh, Bí thư Chi đoàn Ấp 11, cho biết: “Đa số đoàn viên, thanh niên ở Ấp 11 đều là lực lượng trẻ, có nhu cầu làm ăn, phát triển sản xuất nhưng chưa có vốn nên muốn buôn bán hay chăn nuôi đều gặp khó khăn, trở ngại. Nguồn quỹ hỗ trợ giúp đoàn viên, thanh niên sản xuất này tuy mang tính tự phát nhưng đã mang lại hiệu quả tích cực, kịp thời giúp đỡ các bạn trẻ xoay xở khó khăn và thu hút được nhiều đoàn viên, thanh niên tham gia. Thời gian tới, để mở rộng hoạt động và phát triển thêm nguồn vốn, chi đoàn sẽ vận động thêm nhiều đoàn viên, thanh niên tham gia”. Xu hướng hiện nay là nhiều đoàn viên, thanh niên vùng nông thôn muốn đi lao động tại các tỉnh ngoài là do ở địa phương không có điều kiện và công ăn việc làm ổn định. Từ thực tế này, nguồn lực lao động tại chỗ bị ảnh hưởng, nhất là tác động đến chất lượng sinh hoạt Đoàn tại địa phương. Là một trong những đoàn viên trẻ từng đi lao động tỉnh ngoài nhưng quyết định trở về bám quê lập nghiệp với những mô hình làm ăn hiệu quả như nuôi cá bống tượng, bán cá giống, nuôi chim bồ câu…, bạn Nguyễn Thế Toàn bộc bạch: “So với lao động ngoài tỉnh, ở quê buôn bán, phát triển mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương mang lại thu nhập ổn định và bền vững hơn. Tuy nhiên, việc bám quê đòi hỏi các bạn phải có ý chí và có nguồn vốn làm ăn”. Anh Nguyễn Hoàng Khang, nguyên Bí thư Chi đoàn Ấp 11, một trong những đoàn viên từng sử dụng nguồn vốn vay giúp thanh niên sản xuất, chia sẻ: “Nhiều đoàn viên, thanh niên ở địa phương đã tận dụng và phát huy hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ, các mô hình lập nghiệp như nuôi cá bống tượng, tôm càng xanh, cua. Những đoàn viên, thanh niên ít đất sản xuất, chăn nuôi thì buôn bán phụ thêm. Dù không nhiều nhưng nguồn vốn hỗ trợ giúp nhau phát triển sản xuất trong đoàn viên, thanh niên góp phần cải thiện đời sống thanh niên, giảm bớt tệ nạn xã hội, tạo thêm động lực để họ yên tâm bám quê lập nghiệp. Tuy nhiên, nhu cầu làm ăn của đoàn viên, thanh niên tại địa phương hiện nay rất cao, nhưng nguồn vốn từ chi đoàn hỗ trợ không nhiều, chỉ giải quyết khó khăn tạm thời”. Bạn Huỳnh Vũ Linh mong muốn: “Các cấp, các ngành nên tạo điều kiện thuận lợi để đoàn viên, thanh niên dễ dàng tiếp cận với các nguồn vốn vay hơn. Đồng thời, tăng cường đào tạo nghề cho lao động thanh niên ở nông thôn, đặc biệt là tập huấn kỹ thuật nuôi trồng phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương nhằm nâng cao chất lượng sản xuất, tạo động lực cho thanh niên nông thôn yên tâm lao động sản xuất ngay trên mảnh đất quê hương mình”./. Kim Chi
|