【lịch ngoại hạng trung quốc】Chính sách tài khóa đã góp phần quan trọng cho hỗ trợ tăng trưởng
Các chính sách tài khóa đã góp phần quan trọng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Mức tăng trưởng 2,91% có thể coi là một kỳ tích, là nỗ lực của các cấp, các ngành; sự phối hợp tổng thể, hài hòa của các chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tài khóa - tiền tệ.
PV: Năm 2020 có thể nói là năm thử thách đối với sức chống chịu của nền kinh tế, cũng như sự bền vững của chính sách tài khóa. Đến nay chúng ta có quyền tự hào với những kết quả đạt được, nhưng nếu nhìn nhận lại, có thể thấy đó là cả quá trình dài đối với ngành Tài chính, khi tái cấu trúc ngân sách nhà nước (NSNN) và quản lý tốt nợ công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. Ông đánh giá như thế nào về điều này?
PGS.TS Lê Xuân Trường:Trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, giai đoạn 2016 - 2019, trong điều kiện bình thường, ngành Tài chính đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ quản lý tài chính nói chung và quản lý ngân sách nhà nước nói riêng. Tuy nhiên vào năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu và Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
PGS.TS Lê Xuân Trường |
Kinh tế tăng trưởng chậm lại đã tác động đến thực hiện nhiệm vụ thu NSNN. Liên tục các tháng đầu năm, thu NSNN đều giảm so với cùng kỳ năm 2019. Chẳng hạn như thu ngân sách 10 tháng năm 2020 đã giảm 10,3% so với cùng kỳ năm 2019, các tháng trước đó cũng vậy.
Trong khi đó, chúng ta phải tăng chi cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, chi cho các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn. Đồng thời, việc thực hiện nhiều giải pháp về giãn, giảm nhiều khoản thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu tác động bởi Covid-19, cũng đã tác động trực tiếp đến nguồn thu ngân sách.
Để ứng phó với các “cú sốc” đến cùng lúc đó, việc tăng cường sự phối hợp giữa các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là rất quan trọng. Trong bối cảnh đó, chúng ta đã thực hiện chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt để vừa đối phó với dịch bệnh, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chính sách tài khóa an toàn, thận trọng cùng với việc tiếp tục thực hiện chủ trương cơ cấu lại NSNN và nợ công từ trước khi đại dịch xảy ra đã góp phần quan trọng củng cố khả năng chống chịu của NSNN, của nền kinh tế trước đại dịch.
Với kết quả đó, tôi cho rằng, Bộ Tài chính đã thể hiện được bản lĩnh trong điều hành chính sách tài khóa trong bối cảnh hết sức đặc biệt của năm 2020. Chính sách tài khóa đã góp phần quan trọng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong khi các nước tăng trưởng âm, thì Việt Nam đạt mức tăng trưởng 2,91% là một kỳ tích, là nỗ lực của các cấp, các ngành, sự phối hợp tổng thể, hài hòa của các chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tài khóa - tiền tệ.
PV: Ông nhận định ra sao khi có nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ đã hết sức nhanh nhạy khi ngay từ đầu năm 2020 đã quyết liệt yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân, coi đây chính là gói kích cầu lớn nhất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, thưa ông?
PGS.TS Lê Xuân Trường:Không phải đến năm 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mới kiên quyết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, mà đây là vấn đề đã đặt ra từ nhiều năm nay. Nhưng đúng là trên thực tế, do còn nhiều vướng mắc, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, nên việc giải ngân vốn đầu tư công còn bất cập, không giải ngân hết nguồn vốn theo dự toán, nhất là nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi.
Trong bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế chậm lại, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công trong kế hoạch là một trong những cứu cánh quan trọng giúp vượt qua khó khăn, giải quyết việc làm, tạo thu nhập, góp phần tăng trưởng. Số vốn rất lớn, gồm cả nguồn vốn năm 2019 chuyển sang trong năm 2020 lên tới 630 nghìn tỷ đồng là thách thức lớn đặt ra.
Tuy nhiên, Chính phủ với hàng loạt các giải pháp quyết liệt, như: thành lập các đoàn công tác thúc đẩy giải ngân, liên tục họp tháo gỡ vướng mắc, nắm tiến độ thực hiện... đã cho thấy một tinh thần hết sức kiên quyết, không nhân nhượng đối với tình trạng chây ì, chậm chạp trong thực hiện tiến độ các dự án, cũng như thanh quyết toán nguồn vốn đầu tư công.
Tôi nhận thấy đối với chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ Tài chính, ngoài việc tổng hợp kết quả giải ngân vốn hàng tháng, kiến nghị các giải pháp với Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, đã liên tục tổ chức các hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành trung ương và địa phương về giải ngân vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi. Bộ cũng đã chỉ đạo các cơ quan tài chính, đặc biệt là Kho bạc Nhà nước bên cạnh việc chủ động đôn đốc, hỗ trợ tối đa cho các chủ đầu tư, ban quản lý dự án trong nghiệm thu làm thủ tục thanh toán; định kỳ hàng tuần, hàng tháng gửi báo cáo tiến độ giải ngân cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, từ đó có chỉ đạo kịp thời, nhất là đối với các dự án chậm tiến độ trên địa bàn.
Dự kiến số vốn giải ngân đến ngày 31/1/2021 đạt 92 - 93% dự toán; vốn năm 2019 chuyển sang cũng đạt khoảng 75% kế hoạch. Đây là kết quả nổi bật, có thể coi đó là điểm sáng trong “bức tranh” tài chính – NSNN năm 2020, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
PV: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặc biệt nhấn mạnh đến mục tiêu đổi mới mạnh mẽ và có hiệu quả mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Trong đó, có mục tiêu tiếp tục đẩy nhanh và thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại NSNN, quản lý an toàn nợ công, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Theo ông, cần phải làm gì để thực hiện được mục tiêu này?
PGS.TS Lê Xuân Trường:Từ năm 2016, Bộ Tài chính đã hết sức nhanh nhạy khi trình Chính phủ, trình Bộ Chính trị Nghị quyết 07-NQ/TW về tái cơ cấu NSNN và nợ công. Trong thời gian tới, đây vẫn tiếp tục là mục tiêu ưu tiên, góp phần giữ vững an ninh tài chính quốc gia.
Đối với thu ngân sách, thời gian tới cần tiếp tục cơ cấu lại một bước, theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, đặc biệt là nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế. Cùng với đó, tăng cường quản lý thu, hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại. Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ vay theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay cho đầu tư phát triển, đặc biệt chú trọng quản lý chặt chẽ nợ công, đảm bảo các rủi ro liên quan đến nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia.
Bên cạnh đó, để nâng khả năng độc lập tự chủ, gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế, thì phải coi doanh nghiệp là trung tâm. Vừa qua, Bộ Tài chính đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành nhằm thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo môi trường phát triển thông thoáng cho doanh nghiệp, thông qua các chính sách thuế, phí, lệ phí; cắt giảm các thủ tục kinh doanh; cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc... Tôi cho rằng, trong thời gian tới, vẫn tiếp tục thực hiện các giải pháp nêu trên, coi đây là mục tiêu ưu tiên.
PV: Xin cảm ơn ông!
Vẫn chủ động được nguồn tài chính trong khó khăn “Có thể nói, những kết quả tích cực từ việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công giai đoạn 2016 - 2019 đã tạo dư địa cho thực hiện được các nhiệm vụ cấp bách phát sinh trong năm 2020. Minh chứng là dù kinh tế khó khăn do tác động nghiêm trọng của thiên tai, dịch bệnh, thu ngân sách sụt giảm, nhưng chúng ta vẫn chủ động nguồn tài chính để xử lý được các vấn đề cấp bách phát sinh, hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Qua thống kê cho thấy, Nhà nước đã thực hiện gia hạn cho khoảng 185 nghìn lượt người nộp thuế và thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho khoảng trên 6 triệu người nộp thuế, với tổng kinh phí khoảng 130 nghìn tỷ đồng”. PGS.TS Lê Xuân Trường |
Minh Anh (thực hiện)