Đây là năm thứ 12 PwC thực hiện báo cáo về xu hướng đổi mới sáng tạo tại 1.000 công ty đại chúng chi tiêu nhiều nhất cho nghiên cứu và phát triển (NC&PT) trên thế giới.
10 DN đứng đầu chi 112,1 tỷ USD cho nghiên cứu phát triển
Bản báo cáo “Global Innovation 1000” do PwC công bố cho biết, “Top 10 doanh nghiệp chi tiêu nhiều nhất” cho NC&PT năm 2016 thuộc về các doanh nghiệp như: Volkswagen, Samsung, Amazon, Alphabet (Google), Microsoft, Roche, Novartis, Johnson & Johnson, Toyota.
Trong Top 10 doanh nghiệp chi tiêu nhiều nhất cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, thì Volkswagen chi “mạnh tay” nhất với 13,2 tỷ USD, Samsung đứng thứ hai với 12,7 tỷ USD, Amazon đứng thứ ba với 12,5 tỷ USD. Tổng mức chi tiêu của 10 doanh nghiệp này lên tới 112,1 tỷ USD.
Tuy vậy, không phải các doanh nghiệp có tên trong Top 10 chi tiêu nhiều nhất cho nghiên cứu phát triển đều có tên trong “Top 10 doanh nghiệp sáng tạo nhất”, khi tổng chi tiêu nghiên cứu và phát triển của Top này chỉ là 74,3 tỷ USD.
Do vậy, khá nhiều cái tên không thuộc TOP 10 DN chi tiêu nhiều nhất, nhưng lại có mặt trong “Top 10 doanh nghiệp sáng tạo nhất”. Chẳng hạn như Apple – mặc dù thương hiệu này đứng đầu bảng doanh nghiệp sáng tạo nhất, nhưng năm 2016 này Apple chỉ có mức chi tiêu là 8,1 tỷ USD (không nằm trong Top 10 DN chi tiêu nhiều nhất cho nghiên cứu phát triển).
Một cái tên quen thuộc khác là Tesla – dù chỉ chi tiêu 0,7 tỷ USD nhưng lại được xếp thứ Tư trong Top 10 doanh nghiệp sáng tạo nhất; 3M cũng chỉ có mức chỉ tiêu chỉ là 1,8 tỷ USD, nhưng đứng thứ ba; Facebook cũng nằm ngoài Top 10 chi tiêu nhiều nhất nhưng lại được xếp thứ 7, khi chỉ có mức chi tiêu 4,8 tỷ USD; IBM cũng xếp hạng 10 trong danh sách sáng tạo nhất và cũng chỉ có mức chi tiêu là 5,2 tỷ USD; General Electric cũng nằm ngoài danh sách và có mức chi tiêu là 4,2 tỷ USD và đứng thứ 9 trong “Top 10 doanh nghiệp sáng tạo nhất”.
Còn lại những cái tên trong danh sách “Top 10 doanh nghiệp sáng tạo nhất” là những doanh nghiệp có tên trong “Top 10 doanh nghiệp chi tiêu nhiều nhất” gồm: Alphabet đứng thứ hai với mức chi tiêu là 12,3 tỷ USD; Amazon đứng thứ ba với mức chi tiêu 12,5 tỷ USD; Samsung Electronics đứng thứ Sáu với mức chi 12,7 tỷ USD; Microsoft đứng thứ Tám với mức chi 12 tỷ USD.
Lĩnh vực y tế sẽ chi tiêu nghiên cứu nhiều nhất
Nghiên cứu thường niên của Strategy& về 1000 doanh nghiệp chi tiêu nhiều nhất cho NC&PT cũng nhận định rằng, đến năm 2018, lĩnh vực y tế sẽ vượt qua lĩnh vực Vi tính và điện tử để trở thành ngành chi tiêu nhiều nhất cho NC&PT trên toàn cầu (165 tỷ USD so với 159 tỷ USD).
Đồng thời, ngành phần mềm và Internet (129 tỷ USD) sẽ vượt mặt ngành công nghiệp ô tô (105 tỷ USD); vị trí còn lại trong Top 5 sẽ thuộc về ngành công nghiệp chế tạo.
Bản báo cáo của PwC cũng cho biết, năm 2016 là năm đầu tiên kể từ khi nghiên cứu bắt đầu mà tỷ lệ các doanh nghiệp có trụ sở tại Mỹ trong danh sách đã tăng (tăng 9,5% so với năm trước).
Cũng qua kết quả của 7 năm nghiên cứu vừa qua, PwC đã đúc kết rằng, Top 10 doanh nghiệp sáng tạo nhất liên tục có kết quả kinh doanh tốt hơn Top 10 doanh nghiệp chi tiêu nhiều nhất cho NC&PT.
Ông Barry Jaruzelski - chuyên gia về đổi mới sáng tạo và NC&PT tại Strategy& và PwC Mỹ cho biết: “Nhiều doanh nghiệp tiên phong về đổi mới sáng tạo trên thế giới đang ở giữa một quá trình chuyển đổi về chất, và quá trình này được thúc đẩy chủ yếu bởi kỳ vọng ngày càng cao của khách hàng”.
“Sự chuyển đổi này cũng được thúc đẩy bởi tốc độ cải tiến tính hữu dụng củaphần mềm, thể hiện ở việc gia tăng sử dụng các phần mềm nhúng và bộ cảm biến trong nhiều sản phẩm; khả năng tạo dựng kết nối giữa sản phẩm, khách hàng và nhà sản xuất một cách an toàn và tiết kiệm thông qua mạng lưới vạn vật kết nối (Internet of Things); cũng như việc lưu trữ thông tin trên các ứng dụng điện toán đám mây” - ông Jaruzelski đánh giá.
Ông Jaruzelski cũng nhận định rằng: “Nhu cầu gia tăng về phần mềm và dịch vụ, ngay cả trong các ngành nghề truyền thống đã tạo nên một sự chuyển dịch trong tuyển dụng, hướng tới những ứng viên có khả năng phát triển các phần mềm và thiết lập các nền tảng giúpthu thập và phân tích dữ liệu liên quan tới sản phẩm. Sự chuyển dịch này đang thay đổi cách các trường đại học, cao đẳng thiết kế môn học, và sẽ có tác động sâu sắc không chỉ đối với ngành giáo dục mà rộng hơn là cả tương lai của ngành lao động”./.
M.A