Sau nhiều năm phát động phong trào chuyển đổi cây trồng,ệuquảphongtrochuyểnđổicytrồtỷ số syria vật nuôi, nông dân trong tỉnh đã chuyển đổi thành công nhiều mô hình và đã cho hiệu quả kinh tế cao.
Nhiều nông hộ ở huyện Phụng Hiệp chuyển đổi thành công mô hình sản xuất. Ảnh: D.KHÁNH
Trở lực từ ngân hàng
Chuyển đổi 5 công mía sang trồng quýt đường nhưng thiếu vốn nên cách đây 3 năm, ông Nguyễn Văn Trung, ở xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, đã vay từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp 50 triệu đồng để lên liếp, mua cây giống, phân bón và các trang thiết bị sản xuất. Hiện nay, định kỳ mỗi tháng ông Trung đến ngân hàng đóng lãi khoảng 500.000 đồng, ông hy vọng vườn quýt năm nay cho trái ổn định sẽ trả xong số vốn cho ngân hàng.
Ông Trung cho biết: “Năm rồi, vườn quýt cho trái chiếng nên năng suất không nhiều, hy vọng năm nay năng suất sẽ ổn định để trả số vốn đã vay. Cũng nhờ ngân hàng hỗ trợ nguồn vốn nên gia đình mới có điều kiện để chuyển đổi, chứ nhiều năm thua lỗ từ cây mía không còn khả năng để tiếp tục đầu tư tái sản xuất”.
Ông Lê Văn Nhớ, ở xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Cách đây hơn 2 năm, vườn cam của gia đình bị nước mặn xâm nhập, hư gần hết. Cũng nhờ ngân hàng cho vay nguồn vốn chuyển đổi đã giúp cho gia đình chuyển từ cam sang trồng mít Thái. Hiện nay, dù giá mít Thái tăng giảm không ổn định, nhưng nhìn chung kinh tế gia đình cũng được cải thiện thêm một bước”.
Huyện Phụng Hiệp bắt đầu phát động phong trào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi từ năm 2013 và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp đã đồng hành cùng nông dân trong các dự án chuyển đổi. Theo đó, hàng năm ngân hàng ưu tiên phân bổ từ 80-100 tỉ đồng cho người dân có nhu cầu vay để xây dựng các mô hình chuyển đổi cây trồng vật nuôi, cải tạo vườn tạp kém hiệu quả sang trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao. Tính đến nay, sau gần 10 năm đồng hành với các dự án chuyển đổi, ngân hàng đã hỗ trợ cho khoảng 7.900 lượt khách hàng trong huyện vay vốn để chuyển đổi với tổng số tiền hơn 1.200 tỉ đồng.
Ông Bùi Thành Nông, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) huyện Phụng Hiệp, cho biết: Hàng năm, căn cứ vào kế hoạch của toàn hệ thống và nhu cầu của người dân trong huyện mà Agribank chi nhánh huyện Phụng Hiệp xây dựng kế hoạch vốn từ 80-100 tỉ đồng để hỗ trợ bà con chuyển đổi. Riêng năm 2023 này, ngân hàng cũng tiếp tục đồng hành với huyện để thực hiện Nghị quyết số 05 về phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Theo đó, trong khoảng 100 tỉ đồng tín dụng thì ngân hàng sẽ dành khoảng 80% số vốn cho người dân có nhu cầu vay xây dựng mô hình nông nghiệp gắn với du lịch.
Ngoài Agribank thì từ nguồn vốn ủy thác, hàng năm Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phụng Hiệp cũng phân bổ cho mỗi xã, thị trấn trong huyện từ 1-2 tỉ đồng để hỗ trợ các đối tượng hộ nghèo, hộ gia đình chính sách và người dân có nhu cầu vay vốn sản xuất. Theo đó, tùy vào quy mô sản xuất của mỗi mô hình, mỗi hộ sẽ được tiếp cận nguồn vốn vay từ 20-50 triệu đồng để chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.
Bà Đỗ Thị Ngọc Bích, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phụng Hiệp, cho biết thêm: Để nguồn vốn vay được sử dụng hiệu quả, người dân tiếp cận được nguồn vốn vay phải thực hiện quy trình 3 bước là: Có phương án sản xuất để tổ chức bình xét, giải ngân và giám sát sử dụng nguồn vốn vay trong 30 ngày đầu sử dụng.
Ông Nguyễn Văn Túc, Chủ tịch UBND xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, cho hay: Thời gian qua, xã Phụng Hiệp cũng tích cực vận động người dân chuyển đổi cây trồng, qua đó đã vận động người dân chuyển đổi được hơn 150ha đất sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao. Thực hiện được điều này cũng có sự hỗ trợ tích cực từ các ngân hàng trên địa bàn huyện. Theo đó, đối với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, khi người dân đủ các điều kiện vay vốn thì địa phương sẽ ký bảo lãnh để người dân vay tín chấp. Còn đối với các ngân hàng khác như: Agribank, Sacombank hay Đông Á thì tạo điều kiện cho đơn vị này đi thẩm định rồi ký xác nhận cho người dân tiếp cận vốn để thực hiện mục đích chuyển đổi.
Chuyển đổi phải gắn với thị trường
Theo thống kê sau gần 10 năm phát động phong trào chuyển đổi cây trồng vật nuôi, đến nay huyện Phụng Hiệp đã có hơn 9.000ha đất sản xuất kém hiệu quả được chuyển đổi sang các loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao. Tổng nguồn vốn cho công tác chuyển đổi khoảng 2.000 tỉ đồng, trong đó vốn tín dụng chiếm 60%. Tính đến nay, huyện có gần 19.000ha lúa, 3.500ha mía, gần 11.000ha cây ăn trái và 7.200ha hoa màu. Trong đó, diện tích cây mía và cây lúa có sự chuyển dịch sang cây ăn trái và hoa màu.
Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Có thể khẳng định công tác chuyển đổi của huyện Phụng Hiệp thời gian qua hiệu quả có một phần đóng góp không nhỏ từ các ngân hàng. Bởi các đề án, Nghị quyết về chuyển đổi thì kinh phí hỗ trợ chỉ một phần, trong khi nhu cầu của người dân chuyển đổi là rất lớn. Do đó nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng là trợ lực quan trọng để giúp người dân xây dựng được các mô hình sản xuất hiệu quả. Qua đó cũng giúp cho huyện từng bước quy hoạch được vùng sản xuất theo từng khu vực.
Cũng theo ông Tuấn, trong tổng số diện tích chuyển đổi đến nay đã có 80% đang cho hiệu quả, nâng giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp của huyện hiện đạt hơn 133 triệu đồng/năm. Đặc biệt hiện nay toàn huyện có 1.026 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, trong đó có 139 mô hình ứng dụng công nghệ cao cho thu nhập từ 200 triệu đồng đến 3 tỉ đồng mỗi năm.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh, trong năm 2023 này sẽ tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn kết với thị trường, với Đề án “Phát triển ngành nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 định hướng 2030”. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường phổ biến, chuyển giao các giống cây trồng mới có chất lượng và giá trị cao vào sản xuất. Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh; đồng thời, phát triển nông nghiệp đảm bảo an toàn chất lượng, tăng cường mạnh việc hướng dẫn, cấp chứng nhận mã số vùng trồng; khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đẩy mạnh công tác quản lý vùng trồng để xuất khẩu và mở rộng thị trường cho nông sản; nâng cao năng lực giám sát và dự báo, phòng trừ hiệu quả sinh vật gây hại cây trồng, chủ động phòng ngừa đối với loại sâu bệnh mới.
Trong định hướng phát triển tới đây, ngành nông nghiệp tỉnh xác định tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng và nông thôn mới. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với các nhóm sản phẩm chủ lực; khai thác và tận dụng tốt lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, xây dựng và phát triển vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm. Nhân rộng việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc nông sản; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường. Tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
Theo kế hoạch của ngành nông nghiệp tỉnh, năm 2023 diện tích gieo trồng lúa cả năm là 174.000ha; năng suất khoảng 6,7 tấn/ha; sản lượng ổn định khoảng trên 1,1 triệu tấn. Đối với cây mía sẽ quy hoạch và tổ chức lại sản xuất gắn kết chặt chẽ với nhà máy đường; đồng thời tiếp tục chuyển đổi diện tích mía kém hiệu quả sang cây trồng khác kết hợp chuyển đổi giống có năng suất, chất lượng, chữ đường cao; diện tích khoảng 3.200ha, năng suất 100 tấn/ha, sản lượng 320.000 tấn. Cây ăn quả diện tích 45.800ha, trong đó cây có múi 10.250ha, khóm 3.060ha, cây ăn quả khác 32.490; sản lượng khoảng 585.000 tấn. Rau màu có diện tích 25.500ha, sản lượng khoảng 320.000 tấn. |
T.TRÚC - D.KHÁNH