Với lòng tri ân sâu sắc,đạolgiữathờbd tl tbn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh luôn dành những tình cảm tốt đẹp và thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.
Bài 2: Nghĩa tình và trách nhiệm
Hành trình tri ân đáp nghĩa tại tỉnh nhà được thực hiện với những hành động cụ thể, những việc làm thiết thực...
Hàng năm, tỉnh đều tổ chức các hoạt động ý nghĩa để ghi nhớ công ơn của những người đã hy sinh và chia sẻ với những mất mát của những người ở lại.
Đời sống người có công được nâng lên
Những ngày này, gia đình ông Nguyễn Quốc Liêm, ở khu vực Bình Tân, phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ vui mừng khi căn nhà tình nghĩa đang được khẩn trương xây dựng. Căn nhà cũ của ông do cất lâu năm nên bị xuống cấp, nay được địa phương vận động hỗ trợ nhà tình nghĩa, nên ai nấy đều phấn khởi. Năm 1967, ông tham gia địa phương quân huyện Kế Sách, đến tháng 11-1972 ông tham gia Tiểu đoàn Tây Đô. Năm 1973, trong trận đánh đồn Cái Cui ông bị thương cụt tay phải, đứt một ngón tay của bàn tay trái, chân cũng bị mẻ xương.
Để tri ân những đóng góp của ông cũng như tạo điều kiện giúp gia đình có cuộc sống tốt hơn, thị xã đã vận động hỗ trợ gia đình 70 triệu đồng để xây dựng căn nhà tình nghĩa. Ông Liêm bộc bạch: “Mừng lắm, vì từ nay gia đình có được căn nhà vững chải để ở, tôi biết ơn các ngành, các cấp và mọi người rất nhiều. Trong cuộc sống hiện nay, tôi luôn dạy con cháu phải cố gắng vươn lên, góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp”.
Thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa” ngoài xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, tỉnh nhà luôn đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện nâng cao đời sống gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Theo bà Huỳnh Thị Định, người có công ở ấp 6, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, địa phương, cuộc sống gia đình bà dần ổn định và thoát nghèo. Khi 20 tuổi, bà tham gia phục vụ cách mạng, những năm đó nhiệm vụ của bà là đưa tin, thông báo cho bộ đội khi thấy quân địch đi tuần, bà còn đi mót lúa nuôi bộ đội. Bà Định nhớ lại: “Lần đó, tôi thấy 3 xe của quân địch, đông lắm, tôi liền bơi xuồng tận 3 cây số để báo tin cho bộ đội. Nhờ thông báo kịp thời, lực lượng của ta được an toàn, sau một đêm tìm kiếm không phát hiện được gì, quân địch rút quân”.
Đất nước giải phóng, mọi người bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới, gia đình bà cũng vậy. Tuy nhiên, do không có đất đai, ruộng vườn nên còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, nghĩ đến gia đình của những liệt sĩ đã anh dũng hy sinh, những thương binh mang thương tật suốt đời vẫn luôn ngày ngày cố gắng vươn lên, thì những khó khăn trước mắt chẳng có nghĩa gì, phải cố mà vượt qua. Từ suy nghĩ ấy, cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, gia đình bà quyết tâm cải thiện cuộc sống và đã thoát nghèo. “Hồi trước, ai nấy đều ra công góp sức cho cách mạng, chứ có nghĩ ngợi gì đâu. Giờ được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước, sự quan tâm chăm lo của địa phương, người có công chúng tôi càng phải cố gắng phấn đấu vươn lên để có cuộc sống tốt hơn”, bà Định bộc bạch.
Nếu như năm 2012 toàn tỉnh có 387 hộ nghèo có thành viên là người có công thì đến đầu năm 2022 giảm xuống còn 133 hộ. Số hộ người có công có mức sống trung bình và khá trở lên đạt 98%. Chính sự quan tâm kịp thời là niềm động viên, chỗ dựa tinh thần vững chắc giúp các gia đình có thêm niềm tin vào cuộc sống.
Chăm lo gia đình chính sách, người có công là trách nhiệm, là đạo lý
Những ngày cuối tháng 7, lãnh đạo tỉnh đã dành thời gian đến tận nhà thăm hỏi các mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh nặng, gia đình chính sách khó khăn. Hoạt động này không chỉ thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh nhà, mà còn nói lên trách nhiệm, sự tận tụy đối với các mẹ, các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Được địa phương thông báo Bí thư Tỉnh ủy sẽ đến thăm, Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Tôi (104 tuổi), ở khu vực 3, phường III, thành phố Vị Thanh thấy rất vui.
Ngày ấy, như những người phụ nữ yêu nước khác, khi có tiếng gọi của non sông, dù biết có thể hy sinh những người thân yêu của mình, nhưng mẹ vẫn tiễn chồng, con lên đường đánh giặc. Rồi chồng, con của mẹ đã mãi mãi ra đi. Nắm lấy bàn tay run run vì tuổi già của mẹ, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành ân cần hỏi mẹ dạo này khỏe không, ăn ngủ thế nào, chúc mẹ trường thọ, tiếp tục là tấm gương để con cháu noi theo. Tuổi cao, có thể mẹ không còn nghe rõ, không nhớ nhiều chuyện trong quá khứ nhưng nhìn ánh mắt, nụ cười đôn hậu, hiền hòa của mẹ, mọi người đều hiểu mẹ rất vui trước sự quan tâm, ân cần của lãnh đạo tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành khẳng định: “Nhờ có những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng đã nuôi dưỡng và cống hiến những người con ưu tú, góp phần giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc”.
Toàn tỉnh có trên 35.000 gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Trong đó, có 2.021 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 12.500 liệt sĩ, 5.740 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh… Thấm nhuần sâu sắc đạo lý về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người đã có công với Tổ quốc, với Nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”. Từ khi thành lập tỉnh đến nay, dù còn nhiều khó khăn, nhưng công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng luôn được ưu tiên.
Những năm qua, chính sách ưu đãi đối với gia đình chính sách, người có công với cách mạng luôn được quan tâm, chỉ đạo sâu sát, nhất là việc triển khai tổ chức thực hiện các quy định mới về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh tiếp nhận 31.792 hồ sơ đề nghị hưởng chính sách người có công các loại, trong đó, đã xét giải quyết thực hiện chế độ được 27.929 hồ sơ và còn lại 3.853 hồ sơ chưa đúng hoặc chưa đủ điều kiện theo quy định. Xây dựng mới và sửa chữa 6.932 căn nhà tình nghĩa với số tiền gần 222 tỉ đồng. Vào dịp lễ, tết, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các địa phương đều tổ chức các đoàn chúc tết, họp mặt và trao tặng hàng trăm ngàn phần quà cho các mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh…
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, hàng năm tỉnh đều tổ chức các hoạt động ý nghĩa để ghi nhớ công ơn của những người đã hy sinh và chia sẻ với những mất mát của những người ở lại. Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Tri ân, chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng là đạo lý, là trách nhiệm của thế hệ hôm nay với những người có công với nước. Thời gian qua tỉnh đã tổ chức các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” nhằm khơi dậy tinh thần trách nhiệm của toàn xã hội, Nhân dân trong việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Thông qua các hoạt động sẽ góp phần động viên các gia đình chính sách, người có công với cách mạng tiếp tục phát huy truyền thống gia đình, vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
Cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hậu Giang luôn trân trọng ghi nhớ công ơn và thực hiện nhiều phần việc để tỏ lòng tri ân đối với những người có công với nước. Những việc làm tri ân không chỉ thực hiện một ngày, một đợt mà là nhiệm vụ thường xuyên, trách nhiệm lớn của thế hệ hôm nay, cả mai sau…
Hơn 10 năm, Hậu Giang đã xây dựng mới và sửa chữa 6.932 căn nhà tình nghĩa
Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh chi trả trợ cấp hàng tháng cho 109.110 lượt người có công; trợ cấp 1 lần cho 79.000 người có công; xây dựng mới và sửa chữa 6.932 căn nhà tình nghĩa; trao tặng khoảng 400.000 phần quà cho các mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh. Xác nhận và quyết định cho hơn 1.000 trường hợp là con thương binh, liệt sĩ được miễn học phí và hưởng trợ cấp ưu đãi; cấp gần 1 triệu thẻ bảo hiểm y tế cho người có công và thân nhân của người có công… |
Tăng thêm mức hỗ trợ với hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên người có công với cách mạng
Thực hiện theo Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ an sinh xã hội và hỗ trợ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2022-2025, thì hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên người có công với cách mạng, đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, mức hỗ trợ sẽ tăng thêm 500.000 đồng/hộ/tháng. Thời gian hỗ trợ từ tháng 8-2022 đến hết tháng 12-2025. Toàn tỉnh hiện còn 133 hộ nghèo và 86 hộ cận nghèo có thành viên người có công với cách mạng. |
Bài, ảnh: BÍCH CHÂU