Trước thực trạng trên, ENV cho rằng, các cơ quan chức năng cần tập trung vào công tác điều tra vi phạm về động vật hoang dã được phát hiện tại cảng nhằm xác định các đối tượng đứng sau những lô hàng phạm pháp này. Đồng thời EVN đề nghị các cơ quan chức năng cần đầu tư công sức, nguồn lực để thu thập tất cả những bằng chứng có liên quan đến các vụ bắt giữ quy mô lớn tại cảng, trong đó bao gồm các giao dịch tài chính giữa người gửi và người nhận, thu giữ và điều tra điện thoại cùng các phương thức liên lạc khác. Đồng thời, phối hợp với lực lượng thực thi pháp luật tại các quốc gia nơi lô hàng xuất phát để đề nghị hỗ trợ điều tra... Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần xem xét áp dụng hiệu quả những quy định pháp luật trong lĩnh vực phòng chống rửa tiền, trốn thuế hay các quy định về tội phạm có tổ chức để làm cơ sở pháp lý xử lý các đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép xuyên quốc gia do các đối tượng người Việt Nam cầm đầu... Thực tế, những năm qua, lực lượng Hải quan đã chủ trì bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép ngà voi và sản phẩm động vật hoang dã như sừng tê giác, vảy tê tê… Điển hình như tại Cục Hải quan Hải Phòng, 5 năm gần đây (2016-2020), đơn vị đã bắt giữ lượng lớn hàng cấm gồm: 3,961 tấn ngà voi, 14,321 tấn vảy tê tê, 11,9 tấn gỗ giáng hương... Tuy nhiên, việc bắt giữ các đối tượng vi phạm trong các lô hàng vận chuyển về cảng biển gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp đứng tên nhận hàng thường từ chối nhận hàng khi phát hiện hàng hóa có dấu hiệu bị cơ quan chức năng xử lý hoặc các đối tượng sử dụng “doanh nghiệp ma” nên gây nhiều khó khăn cho việc điều tra. Mặt khác, lộ trình vận chuyển của các lô hàng vi phạm thường rất phức tạp qua nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ nên việc hợp tác quốc tế để điều tra cũng gặp nhiều trở ngại. |