Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: DN Trên địa bàn hiện có 8 khu công nghiệp đi vào hoạt động ổn định; doanh thu năm 2017 đạt 6,5 tỷ USD, tăng 2,5 lần so với năm 2008; nộp ngân sách 180 triệu USD, tăng 3 lần so với năm 2008. Các ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn và các ngành công nghiệp công nghệ cao tiếp tục phát triển; hết năm 2016, có 59 sản phẩm của 46 doanh nghiệp được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Nhiều doanh nghiệp có sản phẩm công nghiệp chủ lực có mức doanh thu trên 1.000 tỷ đồng/năm. Hiện nay đã có 43 cụm công nghiệp được lấp đầy, hoạt động ổn định. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp của các làng nghề được khuyến khích phát triển, đến hết năm 2017, Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, tăng 70 làng so với năm 2010.
Về công tác thu ngân sách theo ông Tuấn, giai đoạn 2008-2017 liên tục đạt và vượt dự toán đề ra. Năm 2017, thu ngân sách đạt 212.276 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với năm 2008. Chi ngân sách địa phương tăng bình quân 15,28%/năm, năm 2017 gấp 3,6 lần so với năm 2008.Tỷ lệ chi xây dựng cơ bản bình quân đạt 45,5% tổng chi ngân sách, cao hơn nhiều so với tỷ lệ chi xây dựng cơ bản của cả nước.
Thành phố đã tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, cải cách thủ tục hành chính trong việc đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, xây dựng, thu hồi, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; chấn chỉnh và nâng cao thái độ, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, hiện đại hóa ngành Thuế, Hải quan.
Đến nay, tỷ lệ hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng đạt gần 100%. Đã xây dựng và vận hành Cổng thông tin hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Hà Nội; đưa Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin vào hoạt động tại Sở Thông tin và Truyền thông; thí điểm thực hiện dịch vụ đỗ xe Iparking; đang triển khai nghiên cứu Trung tâm điều hành thông minh thành phố Hà Nội.
Thành phố đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát, sắp xếp bộ máy hành chính, giảm được 59 phòng, ban; với 39 cấp trưởng, 143 cấp phó phòng, ban trực thuộc các sở, ngành Thành phố. Giảm 130 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở; giảm 27 BQL dự án, 2 quỹ, với 30 cấp trưởng, 69 cấp phó tại các đơn vị trên; toàn Thành phố đã tinh giản được được 1.549 biên chế.
Dù có nhiều thành tích song theo thừa nhận của lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, hiện vẫn còn nhiều khó khăn.
Cụ thể, quy mô và tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của Thủ đô sau mở rộng, nhất là tiềm năng, thế mạnh về không gian phát triển và nguồn lực đất đai, nguồn lực con người; chưa tận dụng hết cơ hội do hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại; chưa phát huy hết nguồn lực, thế mạnh về vốn, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, thị trường lao động của Thủ đô.
Công nghệ, quản lý sản xuất chậm đổi mới, năng suất lao động tăng chậm, các biện pháp gia tăng đầu ra (TFP) chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả chưa cao; chất lượng sản phẩm hàng hóa còn thấp, chưa tạo ra được những sản phẩm thực sự là mũi nhọn, chủ lực và có sức cạnh tranh cao. Đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm, dẫn đến chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp. Kinh tế tri thức chưa có chuyển biến mạnh, kết quả chưa rõ nét.
Chất lượng tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ còn hạn chế, chưa dựa vào đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng tập trung, theo chuỗi và chuyên canh chưa được nhân rộng; tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất còn thấp; việc ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ để tạo chuỗi giá trị chưa đáp ứng yêu cầu; chưa hình thành được khu nông nghiệp công nghệ cao.
Việc khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, nhất là các khâu chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Công tác quản lý và thực hiện quy hoạch còn hạn chế; mật độ xây dựng, dân số nội đô ngày càng tăng cao; việc thực hiện các khu chức năng, đô thị vệ tinh chậm. Chưa xây dựng, phát triển Thủ đô thành một tổng thể đa trung tâm, có cấu trúc hoàn chỉnh hiện đại gắn với phát triển các thành phố vệ tinh; chưa có các đô thị, vùng chức năng gắn với vùng cảnh quan/di tích tập trung tại Ba Vì, Suối Hai, Hương Sơn, Cổ Loa, Sóc Sơn...
Quản lý quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng có mặt còn yếu kém; chưa thu hút được dân cư ra khỏi vùng lõi đô thị. Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư còn gặp nhiều khó khăn; nhiều dự án chậm triển khai, nhất là các công trình trọng điểm như đường sắt đô thị, công trình đường vành đai, trục hướng tâm, gây lãng phí, thất thoát. Trật tự an toàn giao thông chuyển biến chậm.
Việc cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang các khu chung cư cũ trong nội thành chưa đáp ứng tiến độ và còn nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách; năng lựcvà ý thức chấp hành pháp luật của chủ đầu tư một số dự án còn hạn chế. Việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, trường đại học, cao đẳng, cơ sở khám, chữa bệnh không phù hợp quy hoạch ra ngoài khu vực nội đô tiến độ còn chậm. Môi trường sinh thái nhiều nơi còn ô nhiễm, nhất là ở một số sông hồ, kênh, mương, làng nghề, cụm công nghiệp, chợ nông thôn...
Để góp phần khắc phục hạn chế nêu trên, theo ông Tuấn, TP có một số kiến nghị về cơ chế tài chính, cho phép Hà Nội được chủ động sử dụng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương để đầu tư một số công trình quan trọng sau khi đã dành đủ nguồn để thực hiện các chính sách tiền lương theo quy định.
TP đề nghị Trung ương cho phép thành phố được chủ động trong việc sử dụng nguồn vốn từ Quỹ dự trữ tài chính của Thành phố để thực hiện các nhiệm vụ chi của Thành phố.
Đề nghị Trung ương cho phép Thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức trong nước khác và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước, cho Thành phố vay lại với mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp (tỷ lệ hiện nay là 70%).
Đề nghị Trung ương khi giao dự toán chi ngân sách cho Hà Nội chỉ bao gồm tổng chi; việc phân bổ chi đầu tư và chi thường xuyên cho các lĩnh vực cụ thể nên giao cho HĐND Thành phố quyết định để phù hợp với thực tế nhu cầu phát triển của Thành phố. |