11 giờ sáng nay, 10/3, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 4 trên sàn New York ở mức 33,19 USD/thùng. Giá dầu Brent giao tháng 4 dừng ở mức 36,89 USD/thùng. Như vậy, giá dầu thế giới đã tăng nhẹ trở lại sau khi giảm sâu nhất 4 năm qua vào ngày 9/3, khi giảm lên đến 30%, từ 45 USD/thùng xuống còn 31,02 USD/thùng. Những biến động giá dầu thô trên thế giới sẽ có tác động trực tiếp đến giá xăng dầu tại Việt Nam. Giá dầu thô thế giới chi phối giá cơ sở, do đó dự kiến sẽ kéo giảm giá bán xăng dầu trong nước. Theo chu kỳ 15 ngày, liên Bộ Công thương - Tài chính sẽ công bố giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu trong nước. Kỳ điều hành gần đây nhất là vào ngày 29/2/2020. Liên Bộ Công thương - Tài chính đã quyết định giảm giá xăng dầu trong nước với mức giảm từ 157 đồng/lít đến 390 đồng/lít, tùy loại. Liên bộ tiếp tục thực hiện mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5 RON 92 ở mức 100 đồng/lít, 500 đồng/lít đối với xăng RON 95 (giảm 100 đồng/lít so với kỳ trước), giữ nguyên mức 700 đồng/lít đối với dầu diesel và dầu hỏa, còn dầu madut ở mức 100 đồng/kg (giảm 100 đồng/kg so với kỳ trước). Liên bộ quyết định chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu ở kỳ điều chỉnh lần này với mức 100 đồng/kg đối với mặt hàng dầu mazut; không chi sử dụng đối với các mặt hàng xăng dầu khác. Ở trong nước, giá xăng dầu hiện ở mức từ 19.120 - 19.600 đồng/lít với xăng RON95, từ 18.340 - 18.700 đồng/lít xăng E5, dầu diesel từ 14.780 - 15.380 đồng/lít, tùy vùng. Trả lời phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết đối với việc giá dầu thế giới giảm sâu, sẽ có lợi cho công tác điều hành giá, trái ngược với lo ngại cho tăng trưởng. Trong trường hợp giá dầu giảm sâu, liên Bộ Công thương – Tài chính sẽ tính toán cân đối việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, như cân nhắc đến việc có thể tăng thêm trích quỹ để dự phòng và không chi sử dụng quỹ đối với một số mặt hàng xăng dầu. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, cũng không nên quá lạc quan khi giá dầu lao dốc, bởi vẫn còn những lo ngại chi phí đẩy tăng. Do đó, cơ quan quản lý giá vẫn tăng cường theo dõi để có giải pháp điều hành phù hợp. Được biết, CPI sau khi tăng cao trong tháng 1 (tăng 1,23% so với tháng 12/2019), tháng 2/2020 đã giảm 0,17% so với tháng trước, do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ giá xăng dầu hạ nhiệt. Minh chứng là nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 2,5% do tác động của điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 14/2/2020 làm chỉ số giá xăng, dầu giảm 5,2%, tác động làm CPI chung giảm 0,22%. Việc giá xăng dầu thế giới đi theo chiều hướng giảm, cùng với việc tăng cường kiểm soát giá cả thị trường trong đó có một số hàng hóa thiết yếu, theo một số chuyên gia kinh tế, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% năm 2020 là có thể đạt được./. Minh Anh |