Chiến lược thị trường linh hoạt Theo phân tích của bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của VASEP, XK tôm trong những tháng gần đây sang các thị trường chính dự kiến sẽ không biến động nhiều và phụ thuộc nhiều vào diễn biến nguồn cung tôm nguyên liệu. Từ đầu tháng 5, thời tiết có chiều hướng bất lợi cho tôm nuôi, mưa đầu mùa sớm hơn mọi năm, ảnh hưởng đến sản lượng tôm, do vậy nguồn nguyên liệu tôm không được khả quan như 4 tháng đầu năm. Do vậy, vài tháng tới có khả năng nguyên liệu tôm sẽ thiếu hụt hơn. XK tôm có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Bắt đầu từ tháng 6, kim ngạch XK đã giảm 1% so với cùng kỳ năm trước vì vấn đề thiếu hụt nguyên liệu. Sang tháng 7, XK tôm tiếp tục giảm gần 13%, đạt 385 triệu USD. Luỹ kế 7 tháng, XK tôm mang về 2,65 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, nhìn ra các cường quốc tôm đối thủ, thông tin tuy chưa chính danh, nhưng rõ ràng tôm Ecuador và Ấn Độ chiếm lĩnh thị trường Hoa Kỳ và có hướng tràn qua EU, nhất là tôm Ecuador chiếm tỉ lệ cao nhất tôm nhập khẩu vào EU các năm qua. Trước thực tế trên, sự linh hoạt của các doanh nhân tôm Việt đã ứng phó khá hiệu quả. Đó là chiến lược thị trường linh hoạt và sách lược thị trường từng giai đoạn, có thể là từng năm. Do nguồn tôm nguyên liệu không dồi dào, giá đầu vào cao, doanh nghiệp tôm Việt tập trung vào các mặt hàng tôm chế biến sâu và chuyển hướng thị trường phù hợp. “Dù biết rằng việc chuyển hướng thị trường không thể đạt kết quả ngay trong thời gian ngắn, do vậy các doanh nhân tôm phải có cái nhìn xu thế, tình hình để có bước chuẩn bị cần thiết”- ông Hồ Quốc Lực chia sẻ. Theo phân tích của bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, sản xuất tôm trong nước và nhu cầu tôm thế giới được dự báo là không khả quan trong những tháng cuối năm. Nguồn cung tôm của các nước sản xuất tăng mạnh, lượng nhập khẩu của các thị trường chính như Mỹ, EU tăng trong nửa đầu năm sẽ dẫn đến lượng tồn kho tăng và nhu cầu chững lại trong nửa cuối năm. Trong khi đó, sản xuất tôm nguyên liệu trong nước đang gặp khó khăn vì thời tiết và các chi phí quá cao, do vậy sẽ tiếp tục thiếu hụt tôm nguyên liệu trong nửa cuối năm nay, ảnh hưởng đến việc thực hiện đơn hàng XK của doanh nghiệp. Nâng cao tỉ suất lợi nhuận Theo nhận định của các chuyên gia, với giá tôm nguyên liệu hiện nay khá cao, nếu chế biến hàng phổ biến sẽ không có lãi, thậm chí lỗ. Nhưng nếu chế biến hàng cao cấp, tỉ suất lợi nhuận vẫn khá tốt. Nếu nhìn thấy, các doanh nhân tôm tập trung vào việc chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thuyết phục khách hàng. Xu thế người tiêu dùng luôn mong muốn sản phẩm tích hợp được nhiều tiện ích càng tốt, thì việc chuẩn bị nêu trên là đúng hướng và nếu thực sự nỗ lực, chắc chắn kết quả sẽ đến sớm. Mặt khác, trong thực tế, nếu muốn việc mua bán ngày càng tích cực, phát triển, thì các doanh nghiệp luôn tạo dựng hình ảnh sản phẩm chiến lược cho mình. Đó là, thay vì dàn đều cho nhiều sản phẩm, doanh nghiệp nên tính toán chọn sản phẩm nào mình có thể chế biến có sự nổi trội, thu hút khách hàng thì nên làm. Từ sản phẩm chủ lực sẽ thu hút khách, sau đó sẽ là bước lan tỏa các sản phẩm còn lại. Nếu không, sản phẩm của doanh nghiệp đó chỉ được đánh giá ở mức giá không cao. Sản phẩm chiến lược có thể là sản phẩm đang có và tốt hơn nữa là sản phẩm mới, ít bị cạnh tranh, sẽ có lợi ích tốt hơn. Dẫn ví dụ thực tế từ doanh nghiệp của mình, ông Hồ Quốc Lực phân tích, thời điểm này Sao Ta có nhiều sản phẩm mang tính chiến lược, như: Tôm bao bột, tôm chiên và sắp tới tiếp tục xây dựng thêm sản phẩm chiến lược mới. Sao Ta đã chủ động xây dựng sách lược thị trường mới hai năm nay trên cơ sở nhận định tốc độ phát triển sản lượng và khả năng nâng cao trình độ chế biến từ tôm Ecuador. Sao Ta chuyển hướng vào thị trường gần có nhiều lợi thế do phù hợp các thế mạnh của mình. Doanh số Sao Ta sẽ không tăng trưởng mạnh mẽ, chỉ đạt mức nhỉnh hơn mức toàn ngành, nhưng chắc chắc tỉ suất lợi nhuận sẽ được cải thiện và lợi nhuận cả năm sẽ luôn đạt mức cao, vượt kế hoạch đề ra. Dĩ nhiên, Sao Ta vẫn duy trì, tranh thủ cơ hội ở thị trường Hoa Kỳ và các thị trường khác, tập trung phân khúc sản phẩm chế biến sâu. Theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng doanh số xuất khẩu tôm năm nay chắc chắn sẽ hơn năm trước, ít ra 10% dù cho sản lượng không tăng hoặc tăng nhẹ, dù thực sự bản chất giá cả thị trường thế giới không tăng. Doanh số xuất khẩu tăng, do các doanh nghiệp tôm tập trung vào mảng sản phẩm chế biến sâu hơn có giá tiêu thụ cao hơn và giá mua bán tăng một phần còn do ẩn chứa chi phí thuê tàu vận chuyển trong đó. khó khăn hôm nay chỉ là nhất thời để những năm tới tiếp tục là sự đột phá nâng tầm chế biến và vị trí tôm Việt trên thương trường thế giới; chuỗi giá trị con tôm Việt sẽ cân bằng và hoàn thiện hơn. |