Diệp Viên
BPO - Luật Báo chí năm 2016 quy định rõ,ệnvềchữvagravenghĩbóng đá.wap.vn báo chí ở Việt Nam không chỉ có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và hiện tượng tiêu cực trong xã hội… mà còn góp phần tích cực vào việc giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt. Vì thế, việc sử dụng từ ngữ trên các phương tiện truyền thông sao cho đúng mực, chuẩn xác, hợp lý, hợp tình là trách nhiệm của mỗi nhà báo và các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải nhà báo và cơ quan báo chí nào cũng nhận thấy rõ trách nhiệm nặng nề nhưng vinh quang này.
Đừng xúc phạm, báng bổ niềm tin tín ngưỡng
Thời gian gần đây, một số người viết báo đã cố tình gán ghép từ “thánh” để khiến sự việc, hiện tượng và đặc biệt là nhân vật trong bài viết của mình khác lạ với đời, hay có “điểm nhấn” hoặc tăng thêm độ “hot”, như: “thánh soi”, “thánh phán”, “thánh chửi”, “thánh ăn”, “thánh xạo”, “thánh la”, “thánh thơ”, “thánh ngông”, “thánh nổ”, “thánh nhảy”, “thánh nhái”, “thánh đểu”, “thánh liều”, “thánh ẩu”, “thánh bia”… Đối với các ca sĩ, diễn viên, người mẫu xuất hiện trước công chúng với những bộ thời trang “thiếu vải”, thì ngay lập tức được đặt cho cái tên mới là “thánh khoe”, “thánh hở”, “thánh nghèo”… Mục đích là để “câu view, câu like, câu comment”.
Nếu hiểu theo cách chiết tự thì từ “thánh” ở đây là chỉ ai đó có năng lực khác người hoặc tài năng phi thường đạt đến mức thần thánh, tức là vô cùng tài về một việc nào đó. Đối với những chữ đi cùng từ “thánh” là chỉ ai đó có tài năng hoặc có sự khác người về việc đó. Ví dụ như từ “soi” là chỉ sự săm soi hay soi mói. “Thánh soi” là dùng để chỉ những người quan sát các sự việc, hiện tượng đời sống bằng cái nhìn săm soi, chủ yếu nhằm tìm ra sơ hở, khiếm khuyết để đả kích.
Còn dưới góc độ tín ngưỡng, tôn giáo thì chữ “thánh” để chỉ về những bậc siêu nhiên trong một lĩnh vực nào đó với hàm ý rất trang trọng, tôn kính. Và mỗi khi nói đến “thánh”, người ta liên tưởng ngay đến những bậc hiền triết anh minh, những nhân vật có phép màu nhiệm siêu đẳng, những đấng tối cao toàn năng mà con người phải có bổn phận tôn thờ, ngưỡng vọng, chiêm bái với một ý thức thiêng liêng, tâm thế thành kính nhất, như: “Thánh Khổng”, “Thánh Tản Viên”, “Thánh Allah”. Hoặc gắn từ “thánh” với một số từ mang hàm ý trọng vọng như “thánh nhân”, “thánh hiền” - là những người có đạo đức, tài năng siêu việt, được cộng đồng nể trọng.
Nói tóm lại, bản thân các từ “soi, phán, chửi, đểu, ẩu, liều…” chẳng hề có chút văn hóa, văn minh nào, thậm chí còn “sặc mùi” đầu đường xó chợ... Thế nhưng, hiện nó lại được gắn liền với từ “thánh” vốn rất trang nghiêm, trọng thị. Như vậy, với việc làm thiếu đúng đắn, chuẩn mực này, vô hình trung báo chí đã làm tổn thương, nếu không muốn nói là xúc phạm đến niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận người dân. Cụ thể, ngày 19-10-2017, trên trang thông tin điện tử tổng hợp 24h.com.vn đăng bài viết với tựa đề: “5 câu hỏi chỉ có thiên tài và “thánh soi” mới tìm được đáp án”. Trước đó, ngày 4-5-2017, trên báo điện tử vnexpress.net có bài viết: “10 lỗi ngớ ngẩn trong phim TVB chỉ “thánh soi” mới nhận ra”. Ngày 15-9-2020, trên Tạp chí điện tử Viettimes có bài: “10 chi tiết phim được các “thánh soi” chia sẻ lên mạng xã hội”. Tiếp đó, ngày 7-4-2021, trên báo thanhnien.vn có đăng bài “Minh Dự: Tôi hơi ngại khi mang danh “thánh chửi” đi dạy học”… Và chỉ cần vào Google gõ cụm từ “thánh chửi” thì chỉ sau 0,35 giây sẽ cho ra 322.000 kết quả về các bài viết, hình ảnh, thông tin liên quan đến cụm từ này, trong đó phần lớn trên các trang báo và mạng xã hội.
Nhầm lẫn giữa “lộ” và “lọt”
Có lẽ chưa bao giờ hai từ “lộ” và “lọt” lại được các phương tiện truyền thông và các trang mạng xã hội được sử dụng nhiều như những năm gần đây. Nếu vào Google gõ cụm từ “lộ đề thi” thì chỉ sau 0,44 giây cho ra khoảng 86.000.000 kết quả; với cụm từ “lọt đề thi” thì chỉ sau 0,26 giây cho ra khoảng 9.770.000 kết quả có liên quan. Vấn đề ở đây là những thông tin này đã dẫn đến không ít lần người đọc, người nghe hiểu lầm, rồi bức xúc về việc nhiều người viết sử dụng ngôn từ thiếu chuẩn xác. Trong ngôn ngữ tiếng Việt, hai từ “lộ” và “lọt” có nghĩa hoàn toàn khác nhau, tức là “lộ đề thi” khác hẳn với “lọt đề thi”. Cụ thể, trong trường hợp nếu chưa thi, đề thi đang được niêm phong trong tủ và được bảo vệ cẩn mật, nhưng ngoài xã hội đã biết, đã trao đổi, đã có thông tin hé lộ phần này, đoạn kia của đề thi thì đó là lộ.
Còn khi đề thi đã được giao tới tận nơi thi, được giám thị coi thi chính thức công bố sau khi bóc dấu niêm phong để phát cho thí sinh và khi đó bản thân thí sinh mới biết nội dung đề, tức là ở ngoài phòng thi vẫn chưa biết thì không có gì lộ cả. Mà sau đó, thí sinh, thậm chí là giám thị bằng cách nào đó gửi bản chụp đề thi ra ngoài, thì đó là đề bị lọt ra ngoài. Thế nhưng, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, được tổ chức từ ngày 28, 29 và 30-6; ngay trong ngày 28-6, có nhiều tờ báo đưa tin “lộ đề thi môn Văn”, “lộ đề thi môn Toán”. Mới đọc, ai cũng thấy rất nghiêm trọng, bởi việc ra đề, bảo mật, vận chuyển là quy trình được thực hiện rất chặt chẽ và là bí mật nhà nước ở cấp “tối mật”. Nếu xảy ra trường hợp lộ đề thi thì chắc chắn sẽ liên quan đến nhiều khâu, nhiều người và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín không chỉ của ngành giáo dục mà còn của quốc gia.
Vậy mà có bài báo dùng từ “lộ” ở tựa đề, nhưng trong nội dung lại sử dụng từ “lọt”. Cụ thể, Báo điện tử Chính phủ ngày 28-6-2023, có đăng bài viết với tựa đề: “NÓNG: Nghi vấn lộ đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn: Bộ GD&ĐT đã nắm bắt thông tin, Bộ Công an vào cuộc xác minh”. Thế nhưng, trong nội dung của bài báo này lại có đoạn: Sáng nay (28-6), khi thí sinh chưa kết thúc thời gian làm bài thi Ngữ văn, trên mạng xã hội đã lan truyền hình ảnh được cho là đề thi Ngữ văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Dư luận đặt câu hỏi, đề thi môn Ngữ văn liệu có bị lọt ra ngoài? Cũng thông tin liên quan đến kỳ thi này, báo Lao Động điện tử ngày 28-6-2023, cũng mắc lỗi tương tự như nêu trên. Cụ thể, trong bài báo với tựa đề: “Lại xuất hiện hình ảnh nghi lộ đề thi tốt nghiệp THPT môn Toán”, nhưng nội dung của bài báo thì tác giả lại viết: “Chiều 28-6, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận, có thông tin nghi vấn về việc lọt đề thi tốt nghiệp THPT môn Toán. Cụ thể, thời điểm 15h39 ngày 28-6 (đang trong thời gian làm bài thi môn Toán kỳ thi tốt nghiệp THPT), xuất hiện hình ảnh được cho là gửi từ phòng thi”.
Ngày 4-8-2022, lỗi này được lặp lại ở báo Tiền Phong điện tử. Cụ thể, trong bài viết có tựa đề: “Vụ lộ đề môn Toán tốt nghiệp THPT ở Đà Nẵng: Hủy kết quả thi của thí sinh”. Thế nhưng, nội dung của bài báo thì lại ghi rõ: “Sáng 4-8-2022, tại buổi họp báo quý 2 năm 2022 của UBND TP. Đà Nẵng, các phóng viên đã đặt câu hỏi liên quan đến việc lộ đề thi môn Toán trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Liên quan đến vụ việc, bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng cho biết: Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, Sở GD&ĐT thành phố nhận được thông tin từ Bộ GD&ĐT và Công an thành phố về nghi vấn lọt đề thi môn Toán. Sở đã họp và trao đổi với Công an thành phố về việc này. Sau khi lãnh đạo hội đồng thi làm việc với Công an thành phố đã xác định phải có hình thức xử lý đối với thí sinh và giáo viên coi thi theo đúng quy định…”.
Bài viết chỉ nêu một vài ví dụ về việc sử dụng ngôn từ một cách bất cẩn, thiếu chuẩn xác của một số nhà báo và cơ quan báo chí. Để tránh những sai sót không đáng có nêu trên, trước hết mỗi nhà báo phải luôn chắt lọc, lựa chọn, cân nhắc sử dụng từ ngữ sao cho phù hợp, đúng mực, đúng lúc, đúng chỗ, đúng đối tượng. Chỉ có như vậy mới góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, đồng thời mang đến những thông tin lành mạnh, tích cực, nhân văn cho công chúng và xã hội.