【kết quả club leon】Hướng tới Mỹ là nhà đầu tư số 1
Hướng tới Mỹ là nhà đầu tư số 1
Suốt 25 năm qua, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư trở thành trọng tâm và là động lực quan trọng cho sự phát triển của quan hệ Việt - Mỹ
Kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều đã tăng hơn 170 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên 77,6 tỷ USD vào năm 2019. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là thị trường xuất khẩu có tốc độ tăng cao nhất của Mỹ trong các đối tác Đông Nam Á.
"Việt Nam và Mỹ đã ký kết các thỏa thuận thương mại trị giá trên 20 tỷ USD chỉ trong 3 năm qua và tôi cho rằng đó là thành tựu lớn" - Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Kritenbrink khẳng định.
Theo ông Bùi Huy Sơn - Tham tán công sứ, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Mỹ - các doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thể tìm thấy ở Mỹ, thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới (trên 2.000 tỉ USD mỗi năm), nguồn vốn, công nghệ dồi dào. Ngược lại, Việt Nam hấp dẫn DN Mỹ với thị trường gần 100 triệu người tiêu dùng, tăng trưởng tích cực, chính sách thông thoáng, kết nối chặt chẽ với ASEAN và nhiều thị trường lớn trên thế giới. Quan trọng hơn, chính phủ hai nước đều mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại với sự tham gia tích cực của cộng đồng DN.
Mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid-19, thương mại hai chiều 6 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng gần 10% so với năm 2019. Các DN Mỹ tiếp tục quan tâm, mở rộng đầu tư tại Việt Nam, trong khi ngày càng nhiều DN Việt Nam quan tâm đầu tư tại Mỹ.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc, một trong những ưu tiên hàng đầu hiện nay là bảo đảm xu hướng phát triển tích cực của hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi kinh tế của hai nước. Sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của đại dịch đang tạo cơ hội để hai bên tăng cường mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác đầu tư. Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng như tạo các điều kiện thuận lợi cho DN Mỹ, để Mỹ sớm trở thành nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam trong thời gian tới.
Đại sứ Lê Văn Bàng, Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Mỹ (nhiệm kỳ 1995-2000), nhấn mạnh đến ưu tiên hợp tác kinh tế Việt Nam - Mỹ trong phát triển các lĩnh vực công nghệ cao như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và bền vững, phát triển đô thị thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ cao… Tuy nhiên, Việt Nam cần khắc phục các trở ngại để thu hút đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực này, đặc biệt chú trọng khắc phục những hạn chế của luật pháp.
Theo Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Kritenbrink, cộng đồng DN Mỹ đã nêu ra vấn đề với Chính phủ Việt Nam liên quan tới chính sách thuế để bảo đảm các quy định được đưa ra công bằng, minh bạch và các quyết định liên quan tới các giấy phép phê duyệt các dự án đầu tư được thực hiện kịp thời. Vấn đề dỡ bỏ các rào cản thương mại mà hai bên có thể đối mặt trong các thị trường liên quan tới ôtô, các sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ số…
Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt - Mỹ, hai bên cần tập trung khai thác lợi thế so sánh mỗi bên, mở rộng hơn nữa hoạt động thương mại, khuyến khích đầu tư, liên kết chuỗi sản xuất, phát triển kinh doanh dịch vụ trong những lĩnh vực nhiều tiềm năng như: du lịch, hàng không, giáo dục, nghiên cứu phát triển. Hai chính phủ cần duy trì kênh đối thoại chính sách hiệu quả, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam cho rằng: Mỹ là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu
Mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ ngày càng phát triển theo chiều hướng tốt. Mỹ đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn cả không phải là con số thể hiện kim ngạch xuất khẩu hay đơn thuần là ngoại tệ thu về mà là chất lượng của quan hệ thương mại, đầu tư Việt Mỹ được đánh giá rất cao.
Về thương mại, hai nước có những nhóm sản phẩm bổ trợ cho nhau. Cả hai bên đều có nhu cầu thực chất, từ đó cán cân thương mại đang dịch chuyển theo hướng cân bằng, giảm dần thâm hụt thương mại ở một phía. Về đầu tư, các dự án của Mỹ tại Việt Nam dù chưa thực sự nhiều nhưng dự án đều có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn cùng nhiều ý nghĩa khác.
Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới với định hướng cải cách mạnh mẽ, bền vững và tự chủ hơn. Vì thế, quan hệ của Việt Nam với các quốc gia, khu vực cũng theo hướng bình đẳng, cùng có lợi. DN Mỹ với tiềm năng tài chính lớn, công nghệ nguồn tốt, dự án xanh và sạch... sẽ là lựa chọn hàng đầu của nền kinh tế Việt Nam.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch hiệp hội da giày - túi xách Việt Nam bày tỏ: Đây là cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thời gian qua, động thái của hai nước lớn này sau dịch Covid-19 và Luật An ninh mạng Trung Quốc vừa ban hành mới đây... đang khiến mối quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu bị ảnh hưởng. Từ đó cũng tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thương của DN. Như trong lĩnh vực giày dép, hiện Mỹ nhập khẩu gần 60% từ thị trường Trung Quốc và sắp tới, DN Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn để đẩy mạnh vào Mỹ.
Năm 2019, tỷ trọng xuất khẩu của DN ngành da giày, túi xách vào thị trường Mỹ chiếm khoảng 35% trong tổng số 22 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. So với 5 năm trước, tỉ trọng xuất khẩu vào thị trường này ngày càng tăng về lượng và thị phần. Đến ngày 15/6, tổng kim ngạch xuất khẩu da giày vào Mỹ đạt khoảng 7,4 tỷ USD, giảm khoảng 7,6% so ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong làm ăn với thị trường Mỹ, các DN Việt cần lưu ý đến những tiêu chí rõ ràng, giữ uy tín.
Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: Lưu ý để hưởng ưu đãi thuế quan
Nhiều DN Mỹ đang đàm phán để có thể triển khai các dự án có nhiều tiềm năng trong các lĩnh vực như chế tạo - chế biến, năng lượng sạch, hàng không, y tế, dược phẩm... Ở chiều ngược lại, để được hưởng ưu đãi về thuế quan của Mỹ, DN Việt phải đáp ứng được tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm và hàng rào kỹ thuật thương mại; đồ gỗ của Việt Nam muốn vào thị trường Mỹ cần có xuất xứ là gỗ rừng trồng (có chứng chỉ gỗ từ rừng trồng được phép khai thác); hải sản xuất khẩu sang Mỹ không được khai thác bất hợp pháp.
DN Việt cần nghiêm túc thực hiện quy định về xuất xứ hàng hóa để không vi phạm, đồng thời không vì lợi ích cục bộ tiếp tay cho DN nước ngoài lợi dụng ưu đãi thuế hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, gây tổn hại cho quan hệ thương mại giữa hai nước.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam: Phát triển ổn định, hai bên cùng có lợi
Mỹ là thị trường lớn, tiêu thụ chủ lực thủy sản Việt Nam. Trên cơ sở quan hệ ngoại giao ngày càng phát triển đã thúc đẩy thương mại hai bên cùng có lợi, là cơ hội để các DN thâm nhập thị trường. Đáng tiếc là Việt Nam và Mỹ chưa có hiệp định thương mại song phương, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã không được ký kết nên tiềm năng phát triển thương mại hai bên chưa phát huy hết.
Với ngành thủy sản, hiện các tranh chấp thương mại đang được giải quyết trên tinh thần thượng tôn pháp luật, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Thông qua hoạt động này, giúp DN cọ xát với thương mại quốc tế, có ứng xử phù hợp với thị trường trong bối cảnh hội nhập. DN Việt Nam và các DN nhập khẩu Mỹ đang nỗ lực vượt qua các vụ kiện, giúp thương mại phát triển ổn định, lâu dài trên tinh thần hai bên cùng có lợi. Đây là sự đầu tư dài hạn cho thị trường chứ không phải vấn đề đối phó ngắn hạn khi thị trường có trục trặc.