Đối với tôi những ngày ra báo là những ngày có thêm một buổi sớm mai. Thật vui khi được tiếp xúc với những nguồn thông tin mới nhất,ảinghiệmThưkýtòasoạsoi bóng đá sớm nhất trước khi tờ báo phát hành. Xen lẫn với tâm trạng háo hức chờ đón những sự kiện mới, thông tin mới là những băn khoăn, trăn trở với những khó khăn, bất cập còn tồn tại... Nếu như trước đây là phóng viên chỉ nắm thông tin một mảng, tìm hiểu viết bài rồi gửi cho biên tập viên xử lý, thế là xong “nhiệm vụ”, thì sang bộ phận Thư ký tôi mới thấu hiểu công việc thầm lặng của những người đứng sau mỗi bài viết. Để có được những tin bài “sạch sẽ” nổi lên các trang báo đến tay bạn đọc quả thật không đơn giản. Phải nói rằng, mỗi vị trí có nhiệm vụ, trọng trách riêng, phía phóng viên chỉ quan tâm đến mảng thông tin mình theo dõi còn bộ phận Thư ký phải bao quát rộng khắp tin tức, cập nhật tình hình thời sự, tìm hiểu thông tin... để thẩm định và làm cho bài viết hay hơn. Thư ký có trách nhiệm tổ chức bài vở, nâng cao chất lượng bài viết, có thể từ một cái tin hướng dẫn phóng viên bổ sung thông tin đầy đặn, chuyên sâu hơn có thể thành một chuyên đề, tuyến bài dài kỳ-một công việc có ý nghĩa quan trọng trong việc sản xuất thông tin. Tuy nhiên, bài viết tốt, có tiếng vang sẽ trở thành “thương hiệu” của phóng viên, còn Thư ký thì chỉ thầm lặng đứng sau những trang báo!
Xuất thân từ phóng viên sang Thư ký tôi có một thuận lợi đó là hiểu những “cái khó” của phóng viên nên trân trọng hơn với mỗi bài viết. Nhiều khi phóng viên đi cả ngày trời chưa có được thông tin, hẹn chuyên gia vài ngày mà vẫn không được gặp… từng câu từng chữ phóng viên mang về tòa soạn là phải dồn nhiều tâm huyết, làm việc vô cùng vất vả, thậm chí tốn kém và nguy hiểm... Trong quá trình làm biên tập, có những bài viết chưa rõ thông tin chúng tôi chủ động trao đổi với phóng viên bổ sung, làm rõ để bài viết được “đầy đặn”, để chắc chắn rằng thông tin đến công chúng là chính xác và trung thực. Định kỳ Báo Hải quan giấy phát hành 3 số/tuần, phản ánh kịp thời, chính xác hoạt động kinh tế của đất nước, công tác của ngành Hải quan, góp phần định hướng dư luận xã hội theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Điều này luôn là áp lực rất lớn đối với tập thể Báo Hải quan nói chung và Phòng Thư ký tòa soạn nói riêng. Đặc biệt năm 2013 đánh dấu một bước chuyển biến rõ nét của Báo Hải quan với việc thực hiện kế hoạch tăng trang báo giấy số thường từ 12 trang lên 16 trang và đổi mới hình thức cả 3 số báo theo hướng chuyên sâu. Với cơ cấu trang mới, Báo Hải quan giấy đã có thêm một số trang như trang "An ninh vùng biên" phản ánh chuyên sâu về hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, kiểm tra sau thông quan, chống vi phạm sở hữu trí tuệ; trang "Tài chính hôm nay"; trang "Kinh tế"... Tuy nhiên, Phòng Thư ký hiện chỉ có 7 người, gồm 3 phóng viên và biên tập viên; 4 kỹ thuật viên. Một con số rất khiêm tốn. Thiếu người, lãnh đạo Phòng đã cố gắng sắp xếp, phân công công việc một cách khoa học, phân định rõ công việc, trách nhiệm của từng khâu, cùng nỗ lực hoàn thành công việc được giao. Thư ký tòa soạn thường xuyên họp nội dung hàng tuần với Phòng Phóng viên, Phòng Điện tử cùng lãnh đạo tòa soạn thảo luận về các đề tài, đóng góp ý kiến, gợi ý những nội dung cần triển khai, nghiêm túc rút kinh nghiệm đối với những tin bài cụ thể. Các phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn thẳng thắn đưa ra ý kiến, bày tỏ quan điểm, nhận xét những mặt được và chưa được trong phát hiện đề tài, triển khai và xử lý tin bài. Phải thừa nhận, trong quá trình biên tập, có lúc chúng tôi xử lý tin bài chưa thật chuẩn. Những ai làm báo chắc đều hiểu tai nạn nghề nghiệp là khó tránh khỏi. Nhưng sau mỗi lần như vậy, chúng tôi đều cố gắng phân tích, mổ xẻ tìm ra những thiếu sót để rút kinh nghiệm, sửa chữa. Thậm chí, trong nhiều cuộc họp, Tổng biên tập chúng tôi thẳng thắn chỉ ra: “Phải xem xét lại trách nhiệm từ phóng viên, biên tập viên đến cả lãnh đạo tòa soạn. Tại sao lại như vậy? Các vị trí đã làm hết khả năng của mình chưa?...”. Qua đó cho thấy, trong nhiều trường hợp, có xảy ra xung đột giữa phóng viên và biên tập viên, song đó là điều bình thường. Chúng tôi có một nguyên tắc chung, tất cả vì uy tín tờ báo, vì bản sắc tờ báo. Ở Thư ký, “sướng nhất” là khi số lượng bài vở nhiều, thư ký chủ động lựa chọn những bài chất lượng tốt và sợ nhất là tình trạng “ăn đong” bài vở. Nhiều khi một số báo ra đọc lại thấy tiếc. Tại sao mình không làm tốt hơn? Tại sao để bỏ lọt thông tin?... Có những tình huống lẽ ra có nếu có thời gian bổ sung thông tin, bài viết sẽ đầy đủ hơn, hay hơn… Có những bài một phần từ phóng viên chậm, bám nguồn tin không tốt nhưng cũng có phần từ khâu phối hợp tổ chức công việc. Nếu có kế hoạch triển khai tốt sẽ tránh được tình trạng “đổ bài”… Bên cạnh công tác nội dung là công tác trình bày. Bây giờ bài báo không chỉ là đủ khuôn, đủ chữ mà tác động đến người đọc còn là phần nhìn. Thị giác của người đọc còn đòi hỏi cả một nghệ thuật trình bày để bài viết sinh động, hấp dẫn. Trong nhiều trường hợp bị đổ bài, hụt trang… lúc đó kỹ thuật viên phải sử dụng nhiều phương pháp để nâng giá trị cho bài viết. Và nếu người làm nội dung thường xong trước thì người làm kỹ thuật là khâu cuối cùng. Có những khi 11,12h đêm các anh mới ra khỏi tòa soạn… Đời sống xã hội Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng, bạn đọc ngày càng khó tính hơn, văn hóa đọc cũng có sự thay đổi. Để đem đến cho độc giả những sản phẩm tốt nhất, chúng tôi ý thức rằng nghề báo là phải học, thường xuyên học. Chúng tôi tự thấy cần phải cố gắng nhiều hơn, trau dồi năng lực chuyên môn để làm tốt hơn nữa vai trò “gác cửa” Báo Hải quan. |