Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng tổng hợp Bình Dương, Cục Hải quan Bình Dương giám sát hàng hóa tại cảng. Ảnh: T.D |
Nguyên nhân chính dẫn đến số thu tại Cục Hải quan Bình Dương giảm là do chính sách giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% theo Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/06/2023 (hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023).
Đặc biệt, tháng 9/2023 do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 còn chưa kết thúc, tình hình xung đột giữa Nga-Ukraina vẫn tiếp diễn, một số nước phát triển đã và đang dựng nên các rào cản kỹ thuật gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất các ngành hàng mũi nhọn của Bình Dương như sắt thép, chế biến gỗ và hàng dệt may… . Trong khi đó, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng XK giảm liên tục, thị trường trong nước sức mua không lớn, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao, việc tiếp cận tín dụng còn khó khăn.
Số liệu thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, Cục Hải quan Bình Dương đã làm thủ tục hải quan cho 6.559 doanh nghiệp với trên 1,2 triệu tờ khai (giảm trên 10% so với cùng kỳ năm 2022). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 37.913 triệu USD, giảm gần 17% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu có số thu chủ lực giảm mạnh khiến nguồn thu tại đơn vị giảm. Đơn cử, mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác với kim ngạch chịu thuế trong tháng 9 đạt 87 triệu USD, tăng 8,8% so với tháng trước nhưng lũy kế lại giảm 13,8% so với cùng kỳ. Nhóm hàng này hiện chiếm tỷ trọng 14,23% trong tổng số thu ngân sách của nhóm các mặt hàng có số thu chủ lực của đơn vị.
Mặt hàng sắt và thép có kim ngạch chịu thuế trong tháng 9 đạt 61 triệu USD, giảm 7,20% so với tháng trước, lũy kế giảm 21% so với cùng kỳ; nhóm hàng này hiện chiếm tỷ trọng 10,15% trong tổng số thu của nhóm các mặt hàng có số thu chủ lực.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng kim ngạch tháng 9 tăng nhưng lũy kế vẫn giảm so với cùng kỳ. Đơn cử như mặt hàng chất dẻo giảm 22,6%, kim loại thường giảm 31,7%, mặt hàng giảm 30,9% so với cùng kỳ. Những nhóm hàng này hiện chiếm tỷ trọng trên 34% trên tổng thu của Cục Hải quan Bình Dương.
Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Trần Hiệu cho biết, năm 2023 doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, riêng địa bàn tỉnh Bình Dương doanh nghiệp XNK khó khăn hơn cả nước bởi những sản phẩm xuất khẩu chủ lực như: gỗ, dệt may, da giày… đi các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc sụt giảm lớn.
Trước tình hình trên, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, bên cạnh việc triển khai các giải pháp Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, UBND tỉnh Bình Dương đề ra, Cục Hải quan Bình Dương bám sát địa bàn, triển khai nhiều nhóm giải pháp, vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư mới tại Việt Nam.
Dự báo tình hình những tháng cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn, Cục Hải quan Bình Dương cho biết sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ; các chỉ đạo của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan về tạo thuận lợi cho hoạt động XNK của doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; tổ chức đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan; giảm hoạt động kiểm tra doanh nghiệp.