Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thông tin tại họp báo về việc tổ chức kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia và tuyển sinh năm 2018. Thí sinh đăng ký bài thi Khoa học xã hội tăng 5% Thông tin về kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, tổng số thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT) năm 2018 là 925.964 thí sinh. Trong đó, học sinh đang học lớp 12 năm học 2017 - 2018 là 868.980 em, thí sinh tự do là 56.984 em. Số thí sinh ĐKDT chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT là 237.354 em, số thí sinh ĐKDT để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh là 642.587 em và số thí sinh ĐKDT chỉ để xét tuyển sinh là 46.023 em. Như vậy, năm 2018 sẽ có 879.941 thí sinh dự thi để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và số thí sinh sẽ tham gia xét tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) là 688.610 thí sinh. Về bài thi tổ hợp, có 341.576 thí sinh đăng ký bài thi khoa học tự nhiên (KHTN), chiếm 37%; 444.538 thí sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội (KHXH), chiếm 48%; 36.016 thí sinh đăng ký cả 2 bài thi tổ hợp, chiếm 4%. Số còn lại 11% trên tổng số thí sinh đăng ký dự thi các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp. Đây là số thí sinh tự do thi để xét tuyển ĐH, CĐ hoặc thí sinh tự do thi để xét công nhận tốt nghiệp có bảo lưu các môn thành phần của bài thi tổ hợp của năm 2017. Như vậy, so với năm 2017, tỷ lệ thí sinh đăng ký chọn bài thi KHXH tăng hơn khoảng 5%. Chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm giảm mạnh Về tuyển sinh ĐH năm 2018, tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 455.174 người, tăng 1,2% so với năm trước. Trong đó, tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi THPT là 344.275, tổng chỉ tiêu theo các phương thức khác là 110.899. Riêng với ngành sư phạm, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, năm nay tổng chỉ tiêu ngành này giảm rất mạnh ở mức 38%. Bên cạnh đó, tổng số nguyện vọng sư phạm cũng đã giảm 29% và số nguyện vọng 1 giảm 27% so với năm 2017. Tuy nhiên theo bà Phụng, thực tế so với năm 2017, tốc độ giảm nguyện vọng (27 - 29%) vẫn thấp hơn tốc độ giảm chỉ tiêu (38%). Nếu xét ở tiêu chí tỷ lệ nguyện vọng/chỉ tiêu thì tỷ lệ này của các ngành đào tạo giáo viên, trình độ ĐH vẫn ở mức trung bình trong các khối ngành. Như vậy, bà Phụng cho rằng nguồn tuyển không quá thấp và chất lượng đầu vào sẽ được đảm bảo. Riêng trong năm 2018, để đáp ứng nhu cầu cho 63 tỉnh/thành, Bộ này tính toán sẽ cần tuyển khoảng 59.000 giáo viên. Các khảo sát khác của Bộ năm vừa qua cũng cho thấy, hiện có khoảng 40.000 sinh viên tốt nghiệp sư phạm chưa có việc làm, 50% trong số này cho biết sẵn sàng quay trở lại làm việc trong ngành nếu có cơ hội. Từ những thực tế này, bà Phụng cho biết năm 2018 Bộ GD&ĐT chỉ giao chỉ tiêu tuyển sinh cho ngành sư phạm từ 35.000 – 36.000 người. Số chỉ tiêu giao đã được Bộ tính toán để vừa đảm bảo đào tạo mới nhưng cũng dành một phần cơ hội nhất định để thu hút sinh viên chưa tìm được việc làm quay trở lại ngành./. Mai Đan |