Chưa nắm rõ thông tin
Giai đoạn sau năm 2015, Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập toàn diện, lấy hội nhập kinh tế làm trọng tâm (theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW và Nghị quyết số 22/NQ-TW) với những điểm nổi bật như: Hội nhập đa phương trong WTO thông qua triên khai gói cam kết Bali, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành và tiếp tục đàm phán, ký kết các hiệp định kinh tế khác như: TPP, EVFTA, EFTA, RCEP… Để đáp ứng yêu cầu hội nhập, toàn bộ máy phải tăng cường thực thi các cam kết, cải cách thể chế, tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng...
Tại những cuộc tọa đàm lấy ý kiến cho đề án tuyên truyền về hội nhập và phổ biến nội dung các FTA do Bộ Công Thương phối hợp cùng UBND các thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ thực hiện, đại diện của nhiều doanh nghiệp cho rằng, một bộ phận không nhỏ người dân và cán bộ làm công tác quản lý vẫn chưa nắm rõ thông tin về hội nhập nên có tâm lý e ngại, thậm chí chưa tích cực ủng hộ công tác hội nhập. Không ít ý kiến đề nghị Bộ Công Thương tăng cường thông tin tuyên truyền nhằm giúp cho cán bộ quản lý nhà nước, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo tầng lớp nhân dân kịp thời nắm bắt thông tin, hiểu, ủng hộ và thực hiện tốt hơn nữa về chủ trương và cam kết về hội nhập.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú - Tổng Thư ký Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế - cho rằng, hiệu quả của công tác thông tin tuyên truyền thời gian trước chưa được như mong muốn, chưa đủ sức lan tỏa rộng khắp tới các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, dù đã nỗ lực không ngừng. Tính riêng Bộ Công Thương, Bộ đã tích cực triển khai nội dung này từ lãnh đạo tới các Cục, Vụ, Viện đều tham gia tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, hội thảo... Ngoài ra, hàng trăm bài giảng, phân tích về hội nhập và rất nhiều thông tin khác đã được đưa lên các website.
Qua phân tích, nguyên nhân khách quan do một số địa phương, doanh nghiệp và người dân như chưa thực sự quan tâm và chủ động tìm hiểu các thông tin, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế; năng lực tiếp nhận của các doanh nghiệp còn hạn chế, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nguyên nhân chủ quan, chưa có kế hoạch tổng thể, xuyên suốt, bài bản cho các hoạt động thông tin tuyên truyền; thông tin phổ biến còn chung chung, chưa có nhiều hướng dẫn cụ thể…
Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền
Để khắc phục tình trạng “tuyên truyền nhưng chưa hiệu quả”, định hướng triển khai công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế của Bộ Công Thương thời gian tới là tập trung vào một số điểm mới với các trọng tâm ưu tiên. Cụ thể: Xây dựng kế hoạch tuyên truyền tổng thể theo từng tháng, quý và năm; nội dung tuyên truyền đi vào thực chất hơn, từ phổ biến sang hướng dẫn, từ giới thiệu chung đi thẳng vào thực thi cam kết; kế hoạch tuyên truyền phải trọng tâm, trọng điểm rõ ràng, gắn với đặc thù từng địa phương, nhóm địa phương, từng vùng miền và từng nhóm đối tượng tiếp nhận thông tin tuyên truyền.
Ngoài việc bám sát những nội dung nói trên, Bộ Công Thương sẽ có kế hoạch tuyên truyền đối với DN, ngành hàng sản xuất quan trọng, kim ngạch xuất nhập khẩu lớn, phân tích về cam kết cũng như cơ hội và thách thức đối với ngành hàng đó. Đối với địa phương, chú trọng tuyên truyền theo khu vực, gắn với sản phẩm hay đặc thù sản xuất - kinh doanh của vùng. Ưu tiên tuyên truyền tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên và các tỉnh lân cận TP. Hồ Chí Minh. Từ những hiểu biết sâu về hội nhập, người dân và doanh nghiệp sẽ xây dựng những chiến lược kinh doanh hợp lý, phát triên kinh tế - xã hội.
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh: “Muốn làm tốt công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Đặc biệt, cần sự tham gia tích cực của địa phương và doanh nghiệp - mục tiêu chính mà công tác thông tin tuyên truyền hướng tới”.
Thời gian tới, tuyên truyền về hội nhập sẽ tập trung vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN, FTA, cơ hội và thách thức đối với các nhóm ngành hàng, nhóm doanh nghiệp cụ thể. |