(CMO) Tết cận kề cũng là thời điểm nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát, do tình trạng một số người nhập cảnh trái phép về quê ăn Tết. Do vậy, ngoài các biện pháp quản lý chặt chẽ đường biển, đường bộ, kiểm soát người từ nước ngoài về địa phương, tăng cường tuyên truyền, tỉnh Cà Mau quyết tâm xử lý nghiêm đối với người trốn cách ly y tế để phòng dịch theo quy định mới, để tạo sự răn đe, nâng cao ý thức người dân, cũng như bảo vệ Tết an toàn cho cộng đồng.Có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020, Nghị định 117/2020/NÐ-C về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế bổ sung, sửa đổi nhiều quy định phù hợp với xu hướng hiện nay. Ðặc biệt, những hành vi vi phạm về lĩnh vực y tế dự phòng đã được tăng nặng mức xử phạt trong bối cảnh nước ta đang phải đối mặt với nhiều dịch bệnh nguy hiểm, có sự lây lan lớn trong cộng đồng. Giám đốc Sở Y tế Cà Mau Nguyễn Văn Dũng cho biết: “Nghị định 117/2020 quy định chi tiết hành vi vi phạm; mức phạt đối với từng hành vi cao hơn và thẩm quyền xử phạt rộng hơn so với Nghị định 176/2013. Sở Y tế đang tăng cường các hình thức tuyên truyền, phổ biến nội dung nghị định đến người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân”.
Ðược biết, một trong những điểm mới của Nghị định 117/2020 là tăng mức xử phạt đối với người trốn tránh cách ly, từ chối cách ly. Cụ thể, đối với hành vi vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, như “không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải thực hiện việc cách ly y tế”, có mức phạt từ 5-10 triệu đồng (tăng gấp đôi so với Nghị định 176/2013). Còn đối với hành vi “từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A”, sẽ bị phạt từ 15-20 triệu đồng (Nghị định số 176/2013 phạt từ 5-10 triệu đồng). Không những vậy, thẩm quyền xử phạt trên lĩnh vực này còn được quy định rộng hơn. Ðối với nghị định cũ, chỉ quy định thẩm quyền xử phạt của chủ tịch UBND; thanh tra y tế; quản lý thị trường; công an Nhân dân;… Hiện nay, tại Chương 3 của Nghị định 117/2020, bổ sung và quy định rõ hơn về thẩm quyền xử phạt của các chức danh: hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển Việt Nam, cơ quan thuế, cơ quan bảo hiểm xã hội. “Ðặc biệt, liên quan đến hành vi vi phạm về phòng, chống dịch như đã nêu trên, ngoài bị phạt tiền còn bị buộc khắc phục hậu quả gây ra, như buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế. Buộc thực hiện biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế và buộc hoàn trả số tiền đã thu không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi thu tiền khám và điều trị đối với trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A. Trường hợp lây nhiễm cho nhiều người dẫn đến tử vong thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, ông Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh. Ngoài ra, Nghị định 117/2020 bổ sung về quy định cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Ðồng thời, quy định về điều trị nội trú tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mà không được phép điều trị nội trú, trừ trường hợp được lưu người bệnh ngoại trú để theo dõi theo quy định của pháp luật. Giám đốc Sở Y tế khuyến cáo: “Quy định pháp luật về phòng, chống dịch bệnh rất chặt chẽ, nghiêm ngặt. Do vậy, đối với người dân, có người thân ở nước ngoài cần khai báo với chính quyền địa phương; khi về phải khai báo y tế và cách ly theo quy định để đảm bảo Tết an toàn cho chính mình và cộng đồng”.
Hồng Nhung
|