Lễ hội Làm Chay là lễ hội dân gian lớn nhất tại huyện Châu Thành
Tỉnh Long An cũng có một số lễ hội gắn với các di tích lịch sử - văn hóa, thu hút đông đảo nhân dân đến tham dự như: Lễ Vía Miếu Quan Thánh Đế (phường 1, TP.Tân An); lễ hội Chùa Nổi (xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng); lễ hội Kỳ yên tại các ngôi đình như Đình Bình Cang (xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa), Đình Phước Lý (xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc), Đình Vạn Phước (xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước), Đình Chánh Tân Kim (xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc), Đình Vĩnh Phong (thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa),… Vào dịp mừng xuân, đón tết, nhiều người dân tham gia lễ hội ở các đình, chùa, miếu.
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, vui xuân, đón Tết Cổ truyền vui tươi, phấn khởi, an toàn, tiết kiệm, mới đây, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các sở, ngành, đoàn thể tỉnh, địa phương tăng cường công tác quản lý, tổ chức lễ hội và tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Đối với 3 lễ hội thuộc Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (Lễ hội Làm Chay, Lễ hội Vía Ngũ Hành Long Thượng, Đại lễ Kỳ Yên đình Tân Phước Tây), tỉnh giao UBND các huyện Châu Thành, Cần Giuộc, Tân Trụ phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai công tác kiểm tra thường xuyên, liên tục trước, trong và sau khi kết thúc lễ hội.
Xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, công tác bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, không để xảy ra các hành vi phản cảm, chen lấn giành cướp lộc, các tệ nạn mê tín dị đoan, ăn xin, cờ bạc hoặc cờ bạc trá hình trong khu vực diễn ra lễ hội.
Lễ hội Vía Bà Ngũ Hành Long Thượng
UBND tỉnh giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật về lễ hội; tuyên truyền giới thiệu, quảng bá về nguồn gốc và giá trị của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo hướng lành mạnh, tiến bộ, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội có phương án quản lý, sử dụng tiền công đức công khai, minh bạch và đúng mục đích; không đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam vào các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật di sản văn hóa./.
Tấn Lộc