Xử lý vi phạm tăng mạnh Trong 2 năm (từ tháng 9/2022 - 9/2024), các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Nam đã phát hiện, xử lý 3.738 vụ việc vi phạm hành chính, tăng hơn 9 lần so với 2 năm liền kề trước đó; thu nộp ngân sách hơn 353 tỷ đồng, tăng tới hơn 20 lần so với 2 năm trước liền kề. Khởi tố 585 vụ/731 đối tượng, tăng hơn 5 lần so với 2 năm trước liền kề.
Trong đó, có 943 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lập; 44 vụ vi phạm liên quan đến hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Còn lại, có tới 2.751 vụ vi phạm về gian lận thương mại, gian lận thuế. Một số vụ việc tiêu biểu như tháng 7/2024, Đội Quản lý thị trường số 3 (Cục Quản lý thị trường Quảng Nam) phối hợp với Đội Cảnh sát hình sự, kinh tế, ma túy Công an huyện Núi Thành (Công an tỉnh Quảng Nam) tiến hành kiểm tra và phát hiện gần 12.000 sản phẩm hóa mỹ phẩm tại địa điểm trước nhà nghỉ X.D (huyện Núi Thành). Toàn bộ số sản phẩm trên có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu; giả mạo nhãn hàng hóa của một đơn vị đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Tháng 4/2024, tại tuyến quốc lộ 14B (địa phận huyện Nam Giang), Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Nam đã phát hiện, bắt giữ 5 phương tiện ô tô tải đầu kéo vận chuyển lâm sản trái phép. Tang vật vụ án là hơn 240 m3 gỗ Xá Xị với tổng giá trị tang vật vi phạm hơn 3 tỷ đồng. Tháng 1/2023, Đội Quản lý thị trường số 8 (Cục Quản lý thị trường Quảng Nam) đã kiểm tra, phát hiện lô hàng hóa 230 cái điện thoại đã qua sử dụng với tổng giá trị hơn 446 triệu đồng. Lô hàng này không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Tháng 10/2023, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam đã phát hiện, bắt quả tang 1 đối tượng (quốc tịch Lào) vận chuyển trái phép 445 triệu đồng (gồm tiền Việt Nam và tiền kíp Lào) qua biên giới. Trong lĩnh vực xăng dầu khí đốt, trong năm 2023, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam đã điều tra, xử lý 2 vụ việc vận chuyển dầu DO không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Đã tịch thu hơn 90.000 lít dầu; xử phạt vi phạm hành chính hơn 220 triệu đồng; bán phát mại tài sản nộp ngân sách hơn 1,4 tỷ đồng.
Ông Lương Viết Tịnh - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Nam - cho biết, sau 2 năm thực hiện kế hoạch về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế như việc kiểm tra, kiểm soát mới chủ yếu thực hiện ở lĩnh vực thương mại truyền thống tại địa bàn cố định. Các vụ kiểm tra, xử lý trong lĩnh vực thương mại điện tử còn hạn chế. Tình hình tội phạm về buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu vẫn còn diễn biến phức tạp. Tập trung điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm thương mại điện tử Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam, những năm gần đây, thương mại điện tử phát triển, tỷ trọng kinh tế số ngày càng tăng. Tuy nhiên, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường thương mại điện tử của các lực lượng chức năng còn nhiều khó khăn, bất cập. Như, việc xác định địa điểm, nơi các đối tượng vi phạm rất khó khăn. Kinh doanh trên không gian mạng không cần mặt bằng, địa điểm kinh doanh; thanh toán qua ví điện tử hoặc hình thức COD; việc đăng kí thông tin, mở tài khoản người bán trên các trang mạng xã hội có chủ thể quản lý ở nước ngoài như facebook, tiktok, twiter… là khá dễ. Vì vậy, nhiều đối tượng lợi dụng để tạo, sử dụng nhiều tài khoản bán hàng nhưng không ghi địa chỉ, chỉ có số điện thoại giao dịch, do đó, khó truy xuất dữ liệu, thu thập thông tin đối tượng vi phạm. Cùng với đó, ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế. Một bộ phận nhỏ người tiêu dùng dù biết đó là hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng nhưng vẫn mua do ham giá rẻ; hoặc tâm lý “sính hàng ngoại”…. Những cá thể này đã tiếp tay, tạo “đầu ra” cho hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu tồn tại.
Ông Lương Viết Tịnh cho rằng, càng gần thời điểm cuối năm 2024, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng hóa Tết Nguyên đán của người dân, dự báo những mặt hàng như quần áo, giày dép, điện tử, thực phẩm… sẽ là những mặt hàng mà các đối tượng lợi dụng mọi thủ đoạn để kinh doanh về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, buôn lậu, gian lận thương mại.“Vì vậy, trong những tháng cuối năm, các thành viên Ban Chỉ đạo 389 Quảng Nam sẽ tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại trong hoạt động thương mại điện tử. Trong đó, tập trung điều tra, xác minh, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại qua các trang mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok…”, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam Lương Viết Tịnh thông tin. Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Nam cho biết thêm, song song đấu tranh trên môi trường thương mại điện tử, các thành viên Ban chỉ đạo 389 tỉnh cũng sẽ siết chặt công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa. Tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác trao đổi thông tin nghiệp vụ về các phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của các đối tượng; các hành vi vi phạm, dấu hiệu vi phạm… có phương án, chủ động phối hợp và phối hợp có hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, không để phát sinh các điểm nóng về buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng cấm. Ngoài ra, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao ý thức của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh; nhận thức của người tiêu dùng trong mua sắm có trách nhiệm. |