Đã đạt nhiều kết quả trong công tác tuyên truyền cũng như tổ chức các hoạt động nhằm giảm thiểu những tác hại từ rác thải thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đối với môi trường. Thay đổi thói quen Mấy năm gần đây,ảithiệntrongthugomrcthảithuốcbảovệthựcvậtỷ số syria sau khi xịt thuốc xong, ông Võ Văn Chơn, ở ấp 3, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, lại có thói quen thu gom tất cả các vỏ chai, vỏ thuốc BVTV để bỏ vào hố chứa rác thải BVTV dọc tuyến đường về nhà. Ông Chơn chia sẻ: “Hồi trước, theo thói quen hễ xịt thuốc xong là tôi bỏ vỏ chai luôn ở ngoài ruộng. Nhưng thời gian gần đây, nhờ tham gia mô hình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”, chúng tôi được tập huấn, hướng dẫn thu gom bao bì, chai lọ thuốc BVTV đúng cách. Vì thế, giờ đây miễn xịt thuốc xong là tôi bỏ ngay vào hố”. Việc xây dựng các hố chứa rác thải BVTV góp phần khắc phục tình trạng vứt bỏ bao bì, vỏ chai thuốc BVTV bừa bãi, hạn chế ô nhiễm môi trường. Có thể nói, từ khi triển khai thực hiện mô hình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường” đã giúp nông dân sử dụng các loại thuốc BVTV một cách khoa học, vừa đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng, vừa không gây ô nhiễm cho môi trường. Thông qua các buổi tuyên truyền, tập huấn đã phần nào thay đổi được thói quen lạm dụng thuốc BVTV cho cây trồng. Theo thống kê của Chi cục BVTV tỉnh, hàng năm, ngành phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời tổ chức hơn 400 cuộc tập huấn cho trên 14.000 lượt nông dân về sử dụng an toàn thuốc BVTV và nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, cũng như lồng ghép xây dựng các mô hình sinh thái trên đồng ruộng. Ông Nguyễn Văn Thứ, ở ấp 6, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Trước đây, miễn ra đồng thấy sâu là tôi xịt thuốc ngay. Nhưng thời gian gần đây, cũng nhờ tham gia lớp tập huấn về các biện pháp sử dụng thuốc BVTV, bản thân tôi cũng như nhiều nông dân ở đây đều biết áp dụng các biện pháp khoa học như: 3 giảm, 3 tăng; 1 phải, 5 giảm hay sử dụng 4 đúng trong phun thuốc. Từ đó, vừa giúp tiết kiệm chi phí đầu tư cho đồng ruộng, vừa đảm bảo an toàn cho môi trường, sức khỏe của bản thân tôi và cộng đồng”. Vẫn còn khó khăn Ngoài công tác tuyên truyền, để có biện pháp hữu hiệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ lượng rác thải bao bì thuốc BVTV, từ năm 2013, Chi cục BVTV tỉnh đã phối hợp cùng Tập đoàn Lộc Trời xây dựng hàng loạt các hố thu gom rác thải thuốc BVTV nhằm nâng cao ý thức của bà con nông dân trong bảo vệ môi trường. Từ ý nghĩa của phong trào đã thu hút được các ban, ngành, đoàn thể và doanh nghiệp xây dựng các hố, kho chứa rác thải thuốc BVTV ngày càng nhiều. Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi cục BVTV tỉnh, đến nay trên địa bàn tỉnh có hơn 100 hố chứa, kho lưu chứa bao bì, thuốc BVTV đã qua sử dụng. Bên cạnh đó, mỗi năm, chi cục đều có văn bản yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố thống kê khối lượng bao bì, chai lọ thuốc BVTV để chuyên chở đi xử lý. “Điểm đáng ghi nhận của mô hình là tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ cũng như sự lan tỏa đến cộng đồng trong việc chung tay bảo vệ môi trường. Người nông dân đã bắt đầu thấy được những tín hiệu về hiệu quả của mô hình mà trong đó ý thức bảo vệ môi trường sống được nâng lên rõ rệt”, ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh, cho hay. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế là việc thu gom rác thải thuốc BVTV còn quá ít so với quy mô trên địa bàn. Theo số liệu thực tế từ Chi cục BVTV tỉnh, qua 4 năm triển khai mô hình, đến nay số lượng rác thải thuốc BVTV thu gom chỉ mới được gần 1 tấn. Đây thực sự là con số quá nhỏ so với khối lượng bao bì, chai lọ phát sinh. Bên cạnh đó, mặc dù ý thức của người dân đã được nâng lên trong việc thu gom bao bì, chai lọ… nhưng vì địa điểm xây các kho lưu chứa bao bì, chai lọ thuốc BVTV xa với vị trí canh tác nên nhiều lúc nông dân còn ngán ngại. Ông Trần Ngọc Thể cho rằng: “Cái khó lớn nhất hiện nay là vấn đề kinh phí. Vừa qua, chúng tôi có hợp đồng với Nhà máy xi măng Holcim với giá xử lý từ 40.000-50.000 đồng/kg. Giá này khá cao, trong khi ngân sách địa phương có giới hạn. Hơn nữa, loại rác thải này được liệt vào danh sách rác thải nguy hại nên chúng tôi không thể tự vận chuyển được, vì không có giấy phép. Khó khăn là thế, nhưng để nâng cao ý thức của bà con trong việc sử dụng cũng như hạn chế tình trạng vứt bỏ bao bì, vỏ chai thuốc BVTV bừa bãi, trước mắt chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng, thu gom bao bì, chai lọ… Đồng thời, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền có chính sách hỗ trợ kinh phí, cơ chế để tỉnh chuyên chở đi xử lý…”.
Bài, ảnh: THANH THÚY |