(CMO) Tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau và Bạc Liêu) từng là cái nôi của đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ. Qua bao thăng trầm của thời gian, loại hình nghệ thuật này vẫn tồn tại và phát triển trong đời sống người dân Cà Mau một cách mạnh mẽ, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người mộ điệu ĐCTT vùng cực Nam Tổ quốc.Nơi “giữ lửa” Khi nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, thì phong trào ĐCTT ở Cà Mau đã phát triển mạnh mẽ và trở thành điểm sáng của khu vực ĐBSCL. Điều này thể hiện qua những cuộc thi, liên hoan ĐCTT Nam Bộ. Ông Dương Hoàng Giang, Giám đốc Trung tâm Văn hoá tỉnh, cho biết, hiện nay, tỉnh Cà Mau có 594 câu lạc bộ (CLB) ĐCTT và hầu như các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều có CLB, đội ĐCTT, với 6.374 tài tử, nghệ nhân tham gia sinh hoạt giao lưu, gắn kết những người có cùng niềm đam mê nghệ thuật ĐCTT ở các địa phương. Qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị của nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ. Tuy thời gian qua có nhiều địa phương, CLB sinh hoạt không đều làm cho phong trào có phần lắng dịu, song, nhiều CLB vẫn hoạt động một cách thường xuyên, thu hút nhiều thành viên tham gia sinh hoạt. Nổi bật nhất phải kể đến các CLB thuộc Trung tâm Văn hoá, Truyền thông và Thể thao các huyện: Trần Văn Thời, U Minh, Đầm Dơi, Cái Nước…
Câu lạc bộ ĐCTT Trần Văn Thời được hình thành trên 20 năm và đã trở thành nơi “giữ lửa” của loại hình nghệ thuật ĐCTT huyện nói riêng, tỉnh Cà Mau nói chung. Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Trung tâm Văn hoá, Truyền thông và Thể thao huyện Trần Văn Thời, tự hào: “Từ khi được thành lập vào năm 1984, CLB ban đầu chỉ có 15 hội viên do Nghệ nhân Quốc Sĩ làm chủ nhiệm, nay có trên 50 nghệ nhân, tài tử, những người say mê, nhiệt huyết với loại hình nghệ thuật ĐCTT. Thời gian qua, CLB thực hiện nhiệm vụ chính trị, tham gia phục vụ văn nghệ vào các dịp lễ, ngày hội, sự kiện như Lễ hội Nghinh Ông, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới…, góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của Nhân dân”. Nghệ nhân Lương Quốc Sĩ, Chủ nhiệm CLB, chia sẻ: “Từ khi thành lập đến nay, CLB hoạt động đều đặn, duy trì sinh hoạt hàng tháng với nhiều hình thức gắn với hoạt động văn nghệ. Để hoạt động của CLB được sôi nổi, hấp dẫn và tạo điều kiện cho hội viên học hỏi kinh nghiệm, CLB thường xuyên tổ chức giao lưu, học tập kinh nghiệm với các CLB trong và ngoài huyện. CLB tham gia các hội thi, hội diễn, liên hoan do tỉnh tổ chức và đạt nhiều thứ hạng cao, được đánh giá là CLB có phong trào mạnh của tỉnh. Đó là động lực để các thành viên của CLB gắn bó, cống hiến. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát đã làm cho phong trào lắng xuống, nay tình hình dịch bệnh được kiểm soát, CLB đã và đang củng cố để hoạt động trở lại vào tháng 4 tới đây với 2 loại hình đặc sắc đó là ĐCTT và bolero”. Nếu như huyện Trần Văn Thời luôn là nơi “giữ lửa” cho phong trào, thì huyện U Minh cũng là nơi luôn duy trì hoạt động sôi nổi không kém. CLB còn là đầu tàu khơi dậy, nâng cao chất lượng sinh hoạt phong trào ĐCTT ở địa phương. Ông Nguyễn Minh Nhựt, Chủ nhiệm CLB ĐCTT huyện, chia sẻ: “CLB được thành lập năm 2002, đến nay huyện có 6 tài tử đờn được công nhận là nghệ nhân tiêu biểu của huyện. Trải qua thăng trầm, có lúc tưởng chừng giải tán CLB, nhưng một số anh em vì niềm đam mê mà vận động, động viên các thành viên cố gắng duy trì. Mãi đến năm 2016, CLB được Ban giám đốc Trung tâm Văn hoá và Thể thao huyện củng cố, duy trì hoạt động. Mặc dù dịch Covid-19 phức tạp, nhưng anh em trong CLB vẫn thường xuyên tổ chức sinh hoạt bằng hình thức nhỏ lẻ vừa phòng chống dịch, vừa giữ ngọn lửa đam mê với nghề cho các nghệ nhân. Thời gian gần đây, CLB sinh hoạt trở lại khá sôi nổi. Nhiều nơi từ thị trấn đến các xã, ấp đều thành lập CLB theo chương trình xây dựng nông thôn mới cũng như xây dựng ấp, khóm văn hoá. Bên cạnh đó, các thành viên nòng cốt của CLB còn ra sức truyền nghề, tìm kiếm, bồi dưỡng những nhân tố mới. Có thể nói, CLB là cầu nối cho sự hình thành và phát triển phong trào ĐCTT ở địa phương”. Nâng chất phong trào Điều đáng buồn là do nhiều nguyên nhân khách quan như di dời trụ sở từ cơ quan cũ về Trung tâm Hội nghị tỉnh, rồi dịch bệnh bùng phát…, nhiều năm qua CLB ĐCTT Trung tâm Văn hoá tỉnh Cà Mau, nơi quy tụ, bồi dưỡng, chăm bồi và phát triển loại hình ĐCTT không thể tổ chức sinh hoạt được.
Soạn giả Minh Đăng (Nguyễn Mạnh Đăng), Chủ nhiệm CLB, cho biết, ngay từ đầu năm 2022, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch có chủ trương giao cho Ban giám đốc Trung tâm Văn hoá tỉnh chỉ đạo quyết liệt cùng Ban chủ nhiệm CLB tập trung củng cố, nâng chất các CLB ĐCTT từ tỉnh đến cơ sở; tiếp tục tạo sân chơi, tìm kiếm và phát hiện nhân tố mới tạo nguồn cho phong trào ở các địa phương... Đây sẽ là luồng gió mới vực dậy phong trào ĐCTT Cà Mau một thời nổi tiếng khu vực ĐBSCL. Những nỗ lực ấy không chỉ giúp bảo tồn và phát huy loại hình được công nhận di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại, mà còn tạo sân chơi văn nghệ lành mạnh cho người dân. Ông Lê Thanh Triều, Phó giám đốc Trung tâm Văn hoá, cho biết, theo chỉ đạo của Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Trung tâm Văn hoá phải khôi phục lại phong trào ĐCTT, tạo thành sân chơi bổ ích. Do đó, ngoài củng cố và thành lập mới CLB ĐCTT, đầu tháng 3 vừa qua, trung tâm tổ chức buổi sinh hoạt đầu tiên sau thời gian vắng bóng, thu hút rất nhiều thành viên đến từ khắp các huyện, thành phố trong tỉnh tham gia sinh hoạt một cách hào hứng. “Những năm qua, tuy CLB ĐCTT của tỉnh không tổ chức sinh hoạt được do dời trụ sở và dịch bệnh bùng phát, nhưng chúng tôi luôn quan tâm đến phong trào ĐCTT của địa phương và thường xuyên tổ chức sinh hoạt, hội thi, liên hoan ĐCTT ở cơ sở… Đây là những đợt tổng kiểm tra lực lượng, tìm kiếm và phát hiện những nhân tố mới, đồng thời tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để địa phương xây dựng, củng cố, phát huy thế mạnh về văn nghệ của địa phương mình”, ông Triều chia sẻ. Để nâng chất và phát huy mạnh mẽ phong trào ĐCTT của tỉnh nhà trong thời gian tới, ông Dương Hoàng Giang, Giám đốc Trung tâm Văn hoá tỉnh, nhấn mạnh: “Chúng tôi xem việc củng cố, nâng chất các CLB văn hoá văn nghệ nói chung, ĐCTT nói riêng là việc làm thường xuyên và cấp bách. Ngoài việc chỉ đạo Trung tâm Văn hoá tỉnh chấn chỉnh phương thức hoạt động các CLB bằng những giải pháp căn cơ, chúng tôi còn tổ chức hội thi, hội diễn, liên hoan để đánh giá tổng thể, từ đó có hướng chỉ đạo sát yêu cầu thực tế trong điều kiện hiện nay. Qua đó, tạo động lực cho văn hoá, văn nghệ phát triển, trong đó CLB ĐCTT là một trong những CLB quan trọng cần tiếp tục phát huy, nâng chất mạnh mẽ trong thời gian tới”./.
Huỳnh Lâm
|