Việc lãnh đạo 27 nước thành viên EU đạt được gói kích thích kinh tế lịch sử là tín hiệu vui để giúp khối này chống chịu qua giai đoạn suy thoái vì dịch Covid-19.
Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels,ệukhảtỷ số bóng đá giao hữu hôm nay Bỉ. Ảnh: AFP
Theo đó, Ủy ban châu Âu sẽ đứng ra vay 750 tỉ euro (858 tỉ USD) từ thị trường tài chính rồi sẽ phân chia hỗ trợ cho các quốc gia trong khối EU. Trong số này có 390 tỉ euro sẽ được trợ cấp cho các nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) và việc trả nợ sẽ do toàn bộ 27 nước EU chi trả. 360 tỉ euro còn lại sẽ được cho các nước vay với lãi suất ưu đãi. Đây được xem là gói hỗ trợ kinh tế lịch sử quan trọng nhất mà EU đưa ra kể từ khi chính thức lưu hành đồng tiền chung châu Âu - euro vào năm 2000.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định: “Điều đặc biệt là lần đầu tiên trong lịch sử các nước châu Âu tạo ra một kế hoạch phục hồi được tài trợ bởi một khoản nợ chung của tất cả các nước. Lần đầu tiên trong lịch sử các nước châu Âu đoàn kết để đi vay tiền và sau đó phân phối giữa các nước, dựa theo nhu cầu và mức độ ưu tiên”.
Cũng theo Tổng thống Pháp Macron, ưu điểm lớn của gói phục hồi kinh tế lần này là các nước sẽ nhận được một nguồn tài chính lớn từ châu Âu mà lại không gia tăng gánh nặng tài chính lên những người đóng thuế tại mỗi quốc gia. Khoản tiền 750 tỉ euro mà châu Âu đi vay trên thị trường tài chính sẽ được châu Âu cùng chi trả bằng những nguồn lực của riêng mình.
Theo các tính toán của Ủy ban châu Âu (EC), Pháp sẽ nhận được khoảng 40 tỉ euro từ gói phục hồi và là nước được hưởng lợi thứ 3 tại châu Âu, sau Italia (70 tỉ euro) và Tây Ban Nha (60 tỉ euro). Khoản tiền này cũng tương đương với 40% kế hoạch phục hồi kinh tế 100 tỉ euro mà Chính phủ Pháp dự tính tung ra trong thời gian tới.
Còn Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết gói hỗ trợ này sẽ giúp EU hồi phục nhanh hơn từ cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra và lấy lại đà tăng trưởng vào năm 2021. Ông Altmaier coi đây là tin tốt cho hàng triệu người dân Đức và trên khắp châu Âu. Đồng thời ông hy vọng rằng vào năm 2021, tất cả các quốc gia thành viên của EU sẽ trở lại giai đoạn tăng trưởng và phục hồi như trước khi dịch xảy ra.
Theo giới phân tích tại châu Âu, việc các nước thành viên EU đạt được thỏa thuận về gói phục hồi do suy thoái từ đại dịch Covid-19 nêu trên là một trong những cột mốc đáng chú ý nhất trong lịch sử xây dựng EU vì việc trả nợ chung sẽ gắn kết các nước EU trong ít nhất là 30 năm.
Trước đó, đề xuất liên quan tới gói phục hồi này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước thành viên chủ trương tiết kiệm chi tiêu như Hà Lan, Áo, Thụy Điển và Đan Mạch. Trợ lý cấp cao của Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven cho biết nhóm “tiết kiệm” gồm Hà Lan, Thụy Điển, Áo, Đan Mạch và Phần Lan, hiện chỉ sẵn sàng chấp nhận khoản hỗ trợ tối đa là 350 tỉ euro (chưa được 50% gói hỗ trợ hiện nay), thậm chí là có điều kiện đi kèm.
Nhằm phá vỡ thế bế tắc để tránh các cuộc đàm phán đổ vỡ, Chủ tịch EC Charles Michel đưa ra một đề xuất được các nhà ngoại giao đánh giá là “con đường hướng tới một thỏa thuận”. Theo đó, ông Michel đề xuất khoản hỗ trợ 390 tỉ euro đi kèm một số khoản tiền nhỏ hoàn lại cho nhóm “tiết kiệm”. Với sự trợ giúp của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong thuyết phục các nước thỏa hiệp, cuối cùng đề xuất của ông Michel đã nhận được sự nhất trí của 27 nước thành viên để sau đó trình lên Nghị viện châu Âu (EP) thông qua.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay đại dịch Covid-19 đã gây ra thiệt hại vô cùng tồi tệ với gần 15 triệu người mắc bệnh, 600.000 người đã tử vong, trong đó có 200.000 người ở châu Âu. EC dự báo nền kinh tế khối này sẽ giảm 8,3% vào năm 2020, trước khi hồi phục với mức tăng trưởng 5,8% vào năm 2021. |
HN tổng hợp