PV:Bộ Tài chính vừa hoàn thiện tờ trình trình Chính phủ dự án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), việc xây dựng dự án Luật nhằm thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, Nhà nước. Theo ông, dự án Luật đã đáp ứng các yêu cầu đổi mới chưa, thưa ông?
PGS.TS Lê Xuân Trường:Các đề xuất trong dự án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đã được thực hiện hoàn toàn đúng với chủ trương của Đảng và Nhà nước. Về cơ bản, các đề xuất trong dự án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) phù hợp với các định hướng được xác định trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 theo Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Các điểm nhấn nổi bật trong dự án Luật như: các nội dung được cụ thể, dễ hiểu hơn, minh bạch hơn; sửa đổi quy định pháp luật để mở rộng cơ sở thuế, vừa đảm bảo tính hiệu quả vừa đảm bảo tính công bằng theo hướng thu hẹp đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT); sửa đổi, bổ sung các quy định về thuế suất thuế GTGT và hoàn thuế GTGT để tạo thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và ngăn ngừa gian lận thuế; sửa đổi, bổ sung toàn diện các nội dung cụ thể của Luật thuế GTGT để đảm bảo tính đồng bộ, tương thích với quy định pháp luật chuyên ngành và giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện Luật thuế GTGT thời gian qua. PV:Các nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự án Luật thuế GTGT (sửa đổi) đã đảm bảo với yêu cầu cải cách thuế và phù hợp với thông lệ quốc tế chưa, thưa ông? PGS.TS Lê Xuân Trường:Về cơ bản, các đề xuất sửa đổi trong dự án Luật thuế GTGT (sửa đổi) đã phù hợp với định hướng, cụ thể hóa và đáp ứng các yêu cầu của cải cách thuế cũng như phù hợp với thông lệ quốc tế tốt. Trong đó, đáng kể là các vấn đề sau: Thu hẹp đối tượng không chịu GTGT; thu hẹp đối tượng áp dụng thuế suất 5% để tạo tiền đề có thể áp dụng duy nhất một mức thuế suất thuế GTGT (không kể thuế suất 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu). Tuy vậy, mức độ thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT trong dự án Luật vẫn cần cân nhắc để làm mạnh hơn nhằm đáp ứng tốt hơn định hướng về mở rộng cơ sở thuế đã xác định trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. PV: Tại dự án Luật thuế GTGT (sửa đổi), Bộ Tài chính đã chuyển một số hàng hóa dịch vụ từ không chịu thuế thành chịu thuế; đồng thời chuyển một số hàng hóa dịch vụ từ 5% thành chịu thuế 10%, ông đánh giá ra sao về chủ trương này? PGS.TS Lê Xuân Trường:Sau 15 năm thực hiện Luật Thuế GTGT năm 2008 (với 3 lần sửa đổi, bổ sung), các điều kiện kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi, nên việc điều chỉnh đối tượng không chịu thuế và thuế suất vừa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, vừa đáp ứng tốt hơn yêu cầu của cải cách thuế đã được xác định trong Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, việc chuyển một số đối tượng không chịu thuế là đầu vào rất quan trọng của sản xuất nông nghiệp như phân bón, máy móc thiết bị chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp sang diện áp dụng thuế suất 5% và cùng với đó là đề xuất sửa đổi đối tượng hoàn thuế GTGT sẽ góp phần hỗ trợ tốt hơn cho lĩnh vực sản xuất quan trọng này, qua đó, hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Thêm vào đó, một số hàng hóa, dịch vụ trước đây thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT là những dịch vụ phi lợi nhuận, chủ yếu do các đơn vị sự nghiệp công cung cấp đến nay không còn phù hợp vì đối tượng cung cấp được mở rộng, cần đưa sang chịu thuế để giảm bớt hiệu ứng chuyển thuế và đảm bảo tính liên hoàn khi đánh thuế GTGT. Đồng thời, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội những năm qua, một số hàng hóa, dịch vụ trước đây áp dụng thuế suất 5% do đó là những hàng hóa, dịch vụ cần hỗ trợ để đảm bảo đời sống cho người có thu nhập thấp đến nay đời sống người dân được nâng cao nên không cần thiết phải hỗ trợ nữa, chẳng hạn như các hàng hóa dịch vụ sau: đường; phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn; nhựa thông sơ chế; lâm sản chưa qua chế biến; hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; nhập khẩu, phát hành và chiếu phim. Việc chuyển những hàng hóa, dịch vụ này từ 5% sang áp dụng 10% là phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay và thời gian tới. Đồng thời, là một bước cụ thể để thực hiện Chiến lược cải cách thuế với định hướng chỉ áp dụng một mức thuế suất thuế GTGT (không kể thuế suất 0% đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu). PV:Xin cảm ơn ông!
|