【tỷ số suwon】Kè xanh chắn sóng

Báo Cà Mau(CMO) Vào mùa mưa, tình trạng sạt lở đất ven sông, ven biển ở Cà Mau lại diễn ra và ngày càng trở nên nghiêm trọng. Kinh phí Nhà nước hỗ trợ cho việc kiên cố các bờ kè có hạn. Không thể ngồi chờ vào những công trình kiên cố, cần kinh phí lớn, người dân trên địa bàn xã Việt Thắng (huyện Phú Tân) đã tận dụng những cây trồng có sẵn ở địa phương để làm bờ kè chắn sóng, ngăn sạt lở. Mô hình này từng ngày đem lại hiệu quả thiết thực.

Về ấp So Ðũa, xã Việt Thắng, trên con đường bê-tông thông thoáng, dễ dàng bắt gặp những bờ kè ven sông Cả Nảy xanh màu cây mắm. Bờ kè cây mắm này được cắt tỉa gọn gàng với chiều ngang hơn 1 m, chiều cao tầm 1,5 m, đẹp như hàng rào quanh nhà, chỉ khác là được trồng ở mé sông, bảo vệ con lộ giao thông trước nguy cơ sạt lở.

Theo người dân nơi đây, trước năm 2015, tuyến sông Cả Nảy khá cạn, nhưng về sau, để phục vụ việc nuôi thuỷ hải sản, sông được nạo vét sâu hơn, thông thương, cùng sự chênh lệch thuỷ triều lên xuống cao, lưu lượng phương tiện thuỷ nhiều, nên tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, có nơi lấn vào bờ hơn 2 m.

Trước thực trạng đó, người dân vô cùng hoang mang. Vì nếu kéo dài sẽ làm đứt đoạn tuyến lộ giao thông đường bộ và nghiêm trọng hơn là ăn xoáy vào phần đất của người dân.

Năm 2015, trong đợt nạo vét thuỷ lợi tuyến sông Cả Nảy, gia đình ông Lê Văn Hậu đã tận dụng bùn đất được nạo vét để kè đất tạo bãi, sau đó trồng cây mắm và đước lên bờ kè để giữ đất. Khoảng một năm thì cây mắm và đước cao quá đầu người, ông Hậu cắt tỉa phần ngọn cho bằng như hàng rào, sau đó thì mỗi tháng tề một lần. Cứ vậy mà bờ kè cây mắm và đước của ông Hậu hình thành với chiều dài hơn 20 m, giữ lấy thân lộ, không còn phải lo sạt lở ven sông mà còn tạo nên cảnh quan đẹp.

Ông Hậu cho biết: “Khi cây lớn mỗi tháng nên tề 1 lần, đừng để cho cây cao quá, vì cao quá gió sẽ làm ngã cây, cây chết bờ sẽ bị lở”.

Bờ kè bằng cây đước của ông Lê Văn Hậu nhìn rất đẹp mắt.

Còn với gia đình ông Huỳnh Văn Cẩm, năm 2016 bắt đầu nuôi dê, sử dụng thức ăn cho dê là những nhánh lá cây mắm, cây đước. Sau khi dê ăn lá và đọt non thì còn trơ lại các nhánh chà, ông Cẩm không biết làm gì với chúng, nên phơi khô rồi đốt. Rồi nghe người quen bảo đem chất xuống vuông tôm để làm chỗ trú ngụ cho tôm, cua. Nhưng số lượng nhiều quá lại làm ô nhiễm nguồn nước nên ông Cẩm trăn trở không biết làm sao để có thể tận dụng mớ chà này. Ông nghĩ đến việc chất xuống mé sông trước nhà để làm kè. Số lượng đàn dê được nhân lên, ông Cẩm cũng tăng dần số bó chà đắp xuống bờ kè nhà mình. Hiện tại, bờ kè nhà ông Cẩm đã dài hơn 80 m, chiều ngang từ lộ bê-tông ra phía sông khoảng 6-7 m. Nhờ cách làm này mà phần đất gia đình ông Cẩm không bị sạt lở như những năm trước.

Ðó là hành trình đầy kỳ công suốt 5 năm qua của ông Cẩm, bởi từ những nhánh chà tưởng như vô dụng ấy, để có thể liên kết với nhau, cần phải kè đất trước rồi sắp xếp các bó chà, lèn nén. Lớp này chất xen kẽ lớp kia, tạo nên mạng mắt xích tự nhiên bền chặt, lại còn giữ được phù sa, nên càng ngày càng trở nên chắc chắn.

Ông Cẩm trần tình: “Với chiều dài hơn 80 m bờ kè, hàng năm mua cây, mua dây, thuê xáng múc đất bỏ vô, mành mành, công cán các loại, mỗi năm sửa lại mấy triệu bạc mà chưa chắc ăn nữa. Sóng dập không bao lâu mành mành lại hư, đất lại lở. Nhưng cách làm của tôi thời gian qua cho thấy không chỉ giữ lại được đất, mà còn dư ra diện tích để trồng thêm cây mắm cho dê ăn”.

Ấp So Ðũa có 251 hộ dân, nhờ sự đồng lòng, ý thức, cùng sự vận động của chính quyền địa phương mà tỷ lệ bờ kè các loại chiếm gần 100%. Ông Nguyễn Tiến Trận, Trưởng ấp So Ðũa, vui mừng chia sẻ: “Ðịa bàn ấp So Ðũa nói riêng, xã Việt Thắng nói chung sông ngòi chằng chịt, thuỷ triều lên xuống thất thường, nên nếu không có bờ kè sẽ khó bảo vệ được lộ. Ðịa phương đã đến tuyên truyền, vận động bà con về vấn đề làm bờ kè, sau đó bà con đi học hỏi kiểu mẫu về thực hiện rồi nhân rộng. Ðến nay, hộ nào cũng có bờ kè chắn sóng ngăn sạt lở”.

Toàn xã Việt Thắng hiện có 6 tuyến nguy cơ cao về sạt lở ven sông, với hơn 8.500 m bờ có nguy cơ sạt lở. Năm nay, từ những mô hình bờ kè xanh, tiết kiệm, cho đến những bờ kè bê-tông, xã đã thực hiện được hơn 6.500 m. Qua đó, giảm nỗi lo về sạt lở trước khi có những công trình kiên cố, cần đầu tư lớn; lộ làng cũng giảm nguy cơ sụt lún, hư hỏng, an toàn cho đi lại, sản xuất của bà con.

Ông Huỳnh Phương Nhanh, Chủ tịch UBND xã Việt Thắng, cho biết: “Ðối với những đoạn dài, người dân không có khả năng thì xã, ấp huy động đoàn viên, dân quân tự vệ lại hỗ trợ người dân làm bờ kè. Hộ nào có điều kiện thì vận động làm kè bê-tông, hộ nghèo, khó khăn thì vận động làm kè bằng cây lá địa phương, kết hợp lưới mành đổ đất vào trồng cây mắm, cây đước, dừa nước chắn sóng. Xã vận động người dân cắt tỉa, không nên để cây cao, dễ ngã đổ. Ðối với những tuyến nguy cơ cao thì vận động người dân hỗ trợ những cây lớn rồi đưa cơ giới vào để kè chống”.

Nhiều hộ dân đồng tình ủng hộ việc làm bờ kẻ bảo vệ lộ, bờ đất. Ngoài những hộ có điều kiện xây bờ kè bằng bê-tông thì có những hộ siêng năng vài tháng là thêm đất, giặm thêm cây để giữ cho bờ kè xanh được bền vững. Qua đó, tạo được sự chuyển biến trong Nhân dân, khi hộ nào có cách làm hay thì nhân rộng, phát triển để có những bờ kè xanh, bền, hiệu quả vừa chống sạt lở, vừa góp phần làm đẹp quê hương./.

 

Bảo Trân

 

Thể thao
上一篇:Cá nhân không thực hiện đúng quy định về gia hạn tạm trú có thể bị phạt 1 triệu đồng
下一篇:Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi kèm thư 'không tìm gặp lại con nữa'