Bài 3: Cơ chế gỡ khó cho giao thông thủy
Với sự tăng tốc của giao thông đường bộ trong nhiều năm qua đã làm thay đổi rõ nét diện mạo từ thành thị đến nông thôn ở ĐBSCL,ĐồngbằngsngCửuLongbỏngỏtiềmnănggiaothngthủtỷ số lens khi hầu hết các xã đều có xe 4 bánh về đến trung tâm. Đường bộ trở thành sự lựa chọn cao nhất của việc đi lại, vận chuyển hàng hóa,... trong khi đường thủy dù là lợi thế tự nhiên của vùng sông nước miền Tây, nhưng tàu ghe cứ thưa dần.
Phương tiện thủy vận chuyển hàng hóa trên kênh Vĩnh Tế giảm nhiều so với trước đây.
Bỏ quên lợi thế
Ở ĐBSCL, lâu nay Cà Mau được xem là một trong những địa phương có hệ thống sông rạch chằng chịt, trên địa bàn tỉnh có 62 tuyến chính với tổng chiều dài 1.185km; trong đó 13 tuyến do Trung ương quản lý dài hơn 258km, 15 tuyến do tỉnh quản lý dài 362km, 34 tuyến chính do huyện quản lý dài hơn 564,4km. Ngoài ra, còn khoảng 7.200km sông, kênh có khả năng khai thác vận tải thủy; tuy nhiên, chủ yếu phục vụ vận chuyển nông sản, hàng hóa nhỏ lẻ của người dân.
Trong những năm qua, công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa ở Cà Mau còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có. Ngoài một số tuyến đường thủy nội địa do Trung ương quản lý như: tuyến sông Ông Đốc đoạn từ ngã ba Tắc Thủ đến Khánh Bình (qua kênh Lương Thế Trân khoảng 3km), kênh Bạc Liêu - Cà Mau, sông Gành Hào (đoạn từ ngã ba kênh Lương Thế Trân đến Hòa Trung), sông Bảy Háp (đoạn từ Hòa Trung đến Tân Hưng) và một vài đoạn sông do tỉnh quản lý như sông Gành Hào… được đầu tư nạo vét luồng thì hầu như vận tải thủy khai thác ở mức tận dụng mạng lưới sông rạch tự nhiên. Do đó, một số tuyến đường thủy nội địa luồng bị cạn và hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu lưu thông, vận tải.
Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp thừa nhận, giao thông đường thủy có những ưu thế đối với vùng này. Chỉ tính riêng đường thủy nội địa quốc gia có tới 12 tuyến dài khoảng 418km đi qua địa bàn tỉnh. Trong đó sông Hậu, sông Tiền và 4 nhánh của sông Tiền đạt chuẩn cấp đặc biệt, cấp I, khai thác hiệu quả đối với đoàn sà lan trên 4x600 tấn và phương tiện thủy nội địa có trọng tải trên 1.000 tấn; các tuyến kênh còn lại đạt cấp III, khai thác hiệu quả đối với đoàn sà lan đến 2x400 tấn và phương tiện thủy nội địa có trọng tải đến 300 tấn. Trong khi đường thủy nội địa ở tỉnh quản lý 27 tuyến với chiều dài khoảng 717km và khoảng 1.300km đường thủy nội địa do cấp huyện quản lý. Ngoài ra, Đồng Tháp còn có hệ thống bến cảng Cao Lãnh, bến Sa Đéc có thể tiếp nhận phương tiện trọng tải 3.000-5.000 tấn, công suất bốc dỡ khoảng 0,6 triệu tấn/năm. Ông Trần Ngô Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp, cho hay ở tỉnh còn 660 bến thủy nội địa đa phần được xây dựng dọc theo các tuyến đường thủy nội địa Trung ương, chủ yếu do các tổ chức, cá nhân đầu tư, phục vụ sản xuất. Riêng một số bến như bến khu A1 (Khu công nghiệp Sa Đéc), cảng sông Sa Đéc, cảng IDI Vàm Cống... cần đầu tư trở thành những bến phục vụ cho hệ thống logistics của tỉnh.
Dù ĐBSCL có lợi thế về đường thủy nhưng lâu nay sự phát triển của ngành vận tải thủy chưa tương xứng với tiềm năng và ít được quan tâm đầu tư. Theo số liệu từ Bộ Giao thông Vận tải, thời gian qua tỷ trọng vốn đầu tư đường thủy nội địa ít nhất (chỉ chiếm 2-3%) ngân sách hàng năm đầu tư cho giao thông (đường bộ chiếm hơn 70%). Hiện nay, nước ta đang mất cân bằng giữa phát triển giao thông vận tải đường bộ và đường thủy; năm 2019, khối lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ chiếm khoảng 76,78% toàn ngành thì vận tải đường thủy nội địa chỉ chiếm 18,02%...
Cống Cà Mau làm hạn chế giao thông thủy…
Cần kết nối đồng bộ
Ông Huỳnh Phú Lộc, thương lái ở xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) tiết lộ, nếu như ngày trước khi đi mua lúa ở các huyện thuộc Tứ giác Long Xuyên như Hòn Đất, Kiên Lương (Kiên Giang); Tri Tôn, Thoại Sơn, Tịnh Biên (An Giang)… phải mang ghe lớn theo chở lúa. Vài năm nay, thương lái vẫn duy trì mua lúa gạo bình thường, nhưng có điều là không mang ghe đi nữa mà chuyển sang vận chuyển bằng xe tải sẽ nhanh hơn.
Sở Giao thông vận tải các tỉnh ĐBSCL nhìn nhận, dù bản thân đường thủy có nhiều lợi thế tự nhiên, nhưng do thiếu đầu tư nên bị lùi dần. Trước thực trạng trên, mới đây Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 37/CT-TTg về thúc đẩy phát triển vận tải đường thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa. Ông Hồ Hoàn Tất, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Cà Mau, cho biết: “Chúng tôi đang tham mưu với UBND tỉnh và Bộ Giao thông Vận tải các giải pháp gỡ khó cho giao thông thủy như, nạo vét, duy tu luồng các tuyến đường thủy nội địa, luồng hàng hải do Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh bị cạn nhằm đảm bảo luồng cho phương tiện thủy lưu thông. Trong đó, cần sớm nạo vét duy tu luồng hàng hải Năm Căn - Bồ Đề để tiếp nhận tàu có tải trọng lớn theo thiết kế 5.000 tấn cập cảng Năm Căn; nạo vét duy tu luồng tuyến sông Tắc Thủ - Gành Hào để tàu có tải trọng 750 tấn cập cảng Cà Mau. Đầu tư cảng thủy nội địa tổng hợp tại cửa sông Ông Đốc, dự kiến triển khai thực hiện giai đoạn 2021-2025, khi hoàn thành sẽ góp phần thúc đẩy vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng đường thủy ở Cà Mau; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải nâng cấp tuyến vận tải thủy Cà Mau - Rạch Giá - Hà Tiên; sớm lựa chọn nhà đầu tư để triển khai dự án cảng biển Hòn Khoai…”.
Trên cơ sở quy hoạch phát triển hạ tầng đường thủy nội địa của Trung ương, cũng như phương án phát triển đường thủy của địa phương giai đoạn 2021-2030 và định hướng năm 2050; Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp cho biết sẽ xác định thời gian, lộ trình triển khai cho từng vấn đề phù hợp, tranh thủ nguồn lực hiện có của địa phương và nguồn huy động khác, có sự phân kỳ đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải thủy. “Chúng tôi tranh thủ nhiều nguồn vốn và kết hợp nhiều nguồn lực, khuyến khích đầu tư một số lĩnh vực bằng hình thức BOT, PPP… để đẩy mạnh phát triển hạ tầng, tạo ra mạng lưới giao thông đồng bộ, liên hoàn. Xây dựng chính sách linh hoạt nhằm phát huy cao sự kết hợp, huy động vốn từ các nguồn vốn tư nhân, các thành phần kinh tế, vốn nước ngoài, vốn liên doanh, liên kết hoặc vay vốn trong và ngoài nước với lãi suất ưu đãi...”, ông Trần Ngô Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp, cho hay.
Cũng theo ông Tuấn, trước mắt Đồng Tháp kiến nghị Trung ương đầu tư đồng bộ các tuyến đường thủy quốc gia hiện hữu, nâng cấp các tuyến, bến cảng theo quy hoạch nhằm phục vụ nhu cầu kết nối, giao thương thông suốt mang lại hiệu quả kinh tế. Khẩn trương nạo vét, nâng cấp các cầu đảm bảo chuẩn tắc luồng đường thủy nội địa quốc gia trên địa bàn tỉnh (kênh Lấp Vò - Sa Đéc, kênh Nguyễn Văn Tiếp, kênh Đồng Tiến - Lagrande, Hồng Ngự - Vĩnh Hưng, kênh Phước Xuyên…). Về tuyến đường thủy Thành phố Hồ Chí Minh - Kiên Lương nên có giải pháp khai thác hiệu quả nhằm chia sẻ với kênh Chợ Gạo quá tải, đặc biệt đoạn âu thuyền Rạch Chanh đến kênh Nguyễn Văn Tiếp. Đối với đường thủy, đường biển, hoàn thành dự án luồng vào cảng trên sông Hậu, sông Tiền; đầu tư nâng cấp các tuyến đường thủy nội địa quốc gia xuyên Đồng Tháp Mười và vùng Tứ giác Long Xuyên; nâng cấp kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền nhằm kết nối sông Tiền, sông Hậu để giảm chi phí logistics.
Sở Giao thông vận tải các tỉnh ĐBSCL cho biết, sẽ đẩy mạnh xã hội hóa về nạo vét, kết hợp thu hồi sản phẩm đối với một số tuyến sông, kênh bị cạn nhằm đảm bảo cho tàu ghe đi lại thuận lợi hơn. Tăng cường giải tỏa hành lang lấn chiếm an toàn giao thông đường thủy nội địa. Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư cải tạo và nâng cao năng lực các cảng, bến thủy nội địa; nạo vét vùng nước trước các cảng, bến thủy nội địa để các phương tiện ra vào thuận tiện, an toàn… Cần kết nối đường thủy nội địa với các phương thức vận tải khác, đồng thời phát triển hợp lý các phương thức vận tải ở vùng ĐBSCL một cách tốt nhất.
Bài, ảnh: NHÓM PV