Tính đến hết ngày 31/5, số người tham gia BHXH bắt buộc là 13,79 triệu người; BHXH tự nguyện là 240 nghìn người; bảo hiểm thất nghiệp là 11,6 triệu người; BHYT là 81,3 triệu người, đạt tỷ lệ bao phủ 86,6% dân số.
Trong tháng 5/2018, toàn ngành đã giải quyết 10.125 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 85.117 người hưởng trợ cấp 1 lần; 858.380 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
Lũy kế 5 tháng đầu năm đã giải quyết 49.765 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; giải quyết 296.916 người hưởng trợ cấp 1 lần; 3.954.791 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
5 tháng đầu năm, BHXH Việt Nam đã phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết cho 205.894 người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp, 11.528 người hưởng kinh phí hỗ trợ học nghề.
Đáng chú ý, đến nay, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã kết nối, liên thông dữ liệu khám chữa bệnh BHYT trên phạm vị cả nước đến hệ thống giám định BHYT của cơ quan BHXH để thực hiện giám định tự động trên phần mềm.
Đây là một cải cách lớn trong quy trình khám chữa bệnh BHYT, góp phần minh bạch thông tin, đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT. Bệnh nhân có thẻ BHYT đến khám, chữa bệnh sẽ được kiểm tra trực tiếp với CSDL thẻ do cơ quan BHXH cấp, quản lý tránh được tình trạng lạm dụng thẻ, thẻ cắt giảm, hết hạn.
Dữ liệu, thông tin liên quan đến khám, chữa bệnh được gửi ngay sau khi bệnh nhân ra viện lên cổng thông tin của cơ quan BHXH và Bộ Y tế để có thể quản lý thông tuyến và thực hiện tạm ứng, thanh quyết toán dựa trên hệ thống thông tin giám định.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, nếu cuối năm 2017 số cơ sở gửi dữ liệu/ số cơ sở ký hợp đồng khám chữa bệnh là 9.686/12.703 cơ sở, chiếm tỷ lệ 76% thì tính đến ngày 28/5/2018 là 12.210/12.528 cơ sở chiếm tỷ lệ 97,46%.