IMF cảnh báo nguy cơ xảy ra suy thoái nghiêm trọng toàn châu Âu | |
Liên minh châu Âu nhất trí cấm nhập khẩu hơn 2/3 lượng dầu mỏ từ Nga | |
Ủy ban châu Âu giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone |
Nắng nóng kéo dài góp phần đẩy giá điện tại châu Âu lên cao |
Sau các thông báo của tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom về việc sẽ giảm lượng khí đốt cung cấp cho Liên minh châu Âu (EU) trong thời gian tới, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng lên trên 190 euro (192,72 USD) cho mỗi megawatt giờ (MWh) vào ngày 26/7. Nếu tình hình này kéo dài thì thị trường châu Âu sẽ lại được chứng kiến mức giá khí đốt lịch sử 215 euro (218,15 USD)/MWh được ghi nhận hồi tháng 3, khi Nga vừa tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine.
Đợt bùng phát mới này cũng góp phần đẩy giá điện lên cao theo xu hướng gần như tăng liên tục kể từ giữa tháng 6 – thời điểm Gazprom lần đầu tiên cắt giảm khí đốt sang Đức. Theo ước tính của Rystad Energy, một công ty nghiên cứu kinh tế và năng lượng độc lập có trụ sở tại Oslo (Na Uy), “tháng 7 đang trên đà trở thành tháng đắt đỏ nhất từ trước đến nay” trên thị trường điện ở Đức, Pháp và Italy.
Bên cạnh đó, việc sản lượng năng lượng hạt nhân của Tập đoàn điện lực Pháp (EDF) hiện chỉ đạt mức rất thấp trong khi các đợt nắng nóng kéo dài nhiều ngày đã gây căng thẳng thường trực đến hệ thống điện của Pháp và châu Âu. Tổng cộng, nhu cầu sử dụng điện đã tăng 3% ở châu Âu kể từ đầu tháng 7, chủ yếu do các đợt nắng nóng và nhu cầu sử dụng điều hòa không khí.
Tại Anh, mạng lưới điện đã “suýt sập nguồn” vào ngày 20/7, khi nhiệt độ tại nhiều khu vực ở nước này cao tới gần 40 độ C, mức kỷ lục tuyệt đối. Trong tình cảnh như vậy, giá điện mà Anh nhập khẩu từ Bỉ để tránh sự cố quốc gia đã đạt mức cao chưa từng có.
Tại Pháp, do thiếu hụt từ sản xuất điện hạt nhân, giá điện giao vào mùa Đông tới tại nước này đã đạt mức cao nhất châu Âu. Trong những tuần gần đây, khoảng cách giữa Pháp và Đức ngày càng được nới rộng. Các hợp đồng cung cấp điện trong quý 4/2022 tại Pháp hiện có giá 824 euro/MWh, gấp đôi nước láng giềng Đức. Theo Ủy ban điều tiết năng lượng Pháp (CRE), đây là kịch bản khiến cơ quan này hết sức lo ngại: “Mức giá này phản ánh hoặc những dự báo thiếu hụt điện nghiêm trọng hoặc mức rủi ro cao trên thị trường điện và có thể là sự kết hợp của cả hai”.
Giá điện tăng mạnh cũng đang ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Pháp. Một số doanh nghiệp đang chờ đến thời điểm cuối cùng để gia hạn hợp đồng cung cấp năng lượng, với hy vọng giá sẽ giảm. Tuy nhiên, điều này có thể gây rủi ro cho kế hoạch sản xuất của họ trong thời gian tiếp theo.
Đối với chính quyền và hộ gia đình, giá năng lượng cũng là chủ đề vô cùng nhạy cảm. Khi chính sách “lá chắn giá” đầu tiên được Chính phủ Pháp ban hành để bảo vệ người tiêu dùng, giá điện chỉ dao động trong khoảng 150-300 euro/MWh, nhưng hiện nay giá điện đã vượt quá 400 euro/MWh.
Nếu tiếp tục áp dụng chính sách bảo trợ này, cái giá phải trả sẽ rất lớn, trừ khi Chính phủ Pháp lựa chọn một chính sách bảo vệ thấp hơn đối với người tiêu dùng. Nhưng nếu vậy, các hộ gia đình Pháp có thể sẽ phải hứng chịu một cú sốc không nhỏ.