Thời tiết trong những ngày này mưa nắng thất thường, nhiệt độ và độ ẩm thay đổi liên tục khiến trẻ em - đối tượng có sức đề kháng kém rất dễ mắc các bệnh hô hấp như: ho, sổ mũi, cảm… Đây là bệnh lây nhiễm từ siêu vi.
BS Trần Thị Minh Nguyệt đang khám cho trẻ bị bệnh hô hấp tại phòng cấp cứu khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Mưa nắng thất thường, trẻ dễ mắc bệnh
Ghi nhận của chúng tôi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong những ngày qua bệnh nhi nhập viện do các bệnh hô hấp ở trẻ em tăng. Nhiều ca bệnh nặng phải nhập viện để theo dõi, điều trị. Bác sĩ (BS) chuyên khoa II Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết hiện nay, số lượng bệnh nhi mắc bệnh hô hấp tăng khoảng 50% so với trước đó. Đây là thời điểm trẻ dễ mắc bệnh bởi thời tiết mưa nắng thất thường, ngày nóng, đêm lạnh, siêu vi dễ phát triển. Phụ huynh không được xem thường, bởi nếu không kịp thời điều trị, trẻ sẽ bị suy hô hấp và tử vong. Rất nhiều phụ huynh đưa con đến khám và điều trị bệnh hô hấp tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tại khoa Nhi của bệnh viện, chị Mai Ngọc Thanh đưa con trai 2 tuổi đi khám bệnh than thở: “Cách đây 2 ngày, bé bị sốt kèm theo sổ mũi. Chị đến cửa hàng thuốc tây mua thuốc về cho bé uống nhưng không thấy thuyên giảm. Tối hôm qua bé bị khò khè khó thở và có vẻ trở nặng hơn, chị liền đưa con vào đây khám”. Được biết, tỷ lệ mắc bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ thường nhiều hơn người lớn là do hệ miễn dịch ở trẻ còn kém, thêm nữa là do các cháu chưa biết cách để tự bảo vệ chính mình. Khi trẻ bị nhiễm siêu vi, tức là bị cảm cúm thường sốt nhẹ hoặc sốt cao kèm đau đầu, đau cơ, chóng mặt, hắt hơi, sổ mũi, tiểu phế quản bị viêm, đọng đàm nhớt, trẻ thở khò khè. Trường hợp trẻ nhiễm trùng nặng hơn, từ viêm họng, viêm phế quản, nhiễm trùng có thể lan tới phổi gây viêm phổi. “Lúc này, trẻ có dấu hiệu sốt kèm tăng nhịp thở, khó thở. Nếu không kịp thời điều trị, trẻ sẽ bị suy hô hấp và tử vong. Vì vậy, nếu trẻ bị viêm phổi không kèm dấu hiệu khó thở, BS sẽ chỉ định uống kháng sinh và theo dõi sát sao; đồng thời căn dặn người nhà bệnh nhân cần đưa trẻ trở lại tái khám khi có những dấu hiệu nặng kể trên”, BS Nguyệt chia sẻ.
Không nên tự ý điều trị
BS Nguyệt cũng lưu ý, khi trẻ bị những triệu chứng về bệnh hô hấp như sốt, ho, sổ mũi, phụ huynh không nên tự ý điều trị mà hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám. Trường hợp nặng, hãy đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được điều trị kịp thời. Khi trẻ bị viêm phổi nhập viện luôn trong tình trạng sốt cao, thở nhanh, khó thở, suy hô hấp. Những trường hợp nặng, có thể dẫn đến những cơn ngưng thở. Đáng lo là nhiều trẻ sức đề kháng kém, khi mắc bệnh, tùy cơ địa, có trẻ bị nhiễm trùng, dẫn đến tử vong. Vì vậy, phụ huynh không nên tự ý cho trẻ uống thuốc khi không có chỉ định của BS chuyên khoa. Với trẻ bị viêm tiểu phế quản, tùy mức độ BS sẽ quyết định hướng điều trị. Bệnh nhẹ, trẻ có thể điều trị ngoại trú, cho trẻ uống nhiều nước, sử dụng si rô ho thảo dược an toàn. Bệnh nặng (sốt cao, khó thở, bỏ bú, nôn ói...), phải cho trẻ nhập viện. Nếu trẻ bị đàm nhiều, BS điều trị sẽ chỉ định kỹ thuật viên vật lý trị liệu giúp tống đàm ra ngoài, vì trẻ nhỏ chưa biết tự khạc đàm ra.
Cách chăm sóc, bảo vệ trẻ tốt nhất trong mùa bệnh này là luôn giữ ấm cho trẻ, nhất là buổi tối khi cho trẻ ra ngoài. Cần cho trẻ ăn uống đầy đủ chất theo đủ 4 nhóm dinh dưỡng khuyến nghị (tinh bột, đạm, chất béo, rau củ quả). Đặc biệt, phải cho trẻ uống nhiều nước vì trời nóng khiến trẻ bị mất nước do ra mồ hôi nhiều; tránh nằm quá gần quạt vì sẽ làm khô đường hô hấp của trẻ; cần vệ sinh sạch sẽ cho trẻ và người chăm sóc trẻ. Điều quan trọng nữa là hạn chế cho trẻ tiếp xúc với mầm bệnh: không tiếp xúc, sử dụng chung đồ chơi, dụng cụ của những trẻ, người lớn bị bệnh. Người lớn khi ra ngoài về nhà phải thay áo quần, vệ sinh sạch sẽ trước khi tiếp xúc với trẻ. Cha mẹ cần tiêm chủng đầy đủ cho trẻ để phòng ngừa.
HUỲNH THỦY