Nhân viên y tế đến tận nhà khám chữa bệnh cho người cao tuổi. Ảnh Thành Sơn |
Tính đến hết ngày 24/8, toàn thành phố có 20 bệnh viện quận, huyện; 2 trung tâm y tế quận (quận 5 và quận 10) và 30 trạm y tế phường, xã đã đăng ký triển khai hoạt động khám, chữa bệnh tại nhà cho người cao tuổi.
Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, đối với người trưởng thành, nguy cơ mắc Covid-19 nặng tăng theo độ tuổi; người lớn tuổi có nguy cơ mắc cao nhất. Người mắc Covid-19 nặng có thể phải nhập viện, chăm sóc đặc biệt hoặc thở máy, thậm chí tử vong. Do tính chất lây lan nhanh và nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 chủng mới, người dân, đặc biệt là nhóm tuổi người già cần nâng cao ý thức phòng bệnh.
Bác sĩ Lê Hồng Nga phân tích, ở người cao tuổi xuất hiện sự lão hóa của cơ thể, từ hệ xương khớp cho đến các cơ quan quan trọng như tim, phổi, hệ thống mạch máu… khiến sức đề kháng bị suy giảm, hệ miễn dịch yếu hơn. Do đó, hệ hô hấp cũng yếu đi dần theo thời gian, lồng ngực giảm khả năng co giãn, dung tích phổi giảm, phản xạ ho, lực ho kém.
Vì vậy, nếu không thực hiện phòng tránh đúng cách, người lớn tuổi có nguy cơ mắc Covid-19 chủng mới rất cao. Bên cạnh đó, hầu hết người cao tuổi cũng thường mang theo nhiều yếu tố bệnh nền trong cơ thể, mắc các bệnh mạn tính kèm theo. Đây cũng là một trong các nguyên nhân người già nằm trong nhóm có nguy cơ cao mắc dịch bệnh.
Theo đó, Sở Y tế TPHCM đã kích hoạt lại chương trình chữa bệnh và cấp thuốc tại nhà cho người cao tuổi trong thời điểm dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Cụ thể, đối với người bệnh từ 60 tuổi trở lên mắc các bệnh lý thông thường, bệnh lý mạn tính ổn định đều được khám và cấp phát thuốc tại nhà. Đối với các trường hợp người cao tuổi mắc bệnh lý thông thường, không cần nhập viện để điều trị, bệnh viện phân công bác sĩ, điều dưỡng đến khám chữa bệnh tại nhà cho người bệnh.
Đối với người cao tuổi mắc bệnh mạn tính đang theo dõi và điều trị định kỳ tại đơn vị, nếu số lượng người bệnh đông, người bệnh ở xa... bệnh viện phân công bác sĩ có thể thăm khám, trao đổi qua điện thoại cùng người bệnh. Nếu tình trạng người bệnh ổn định và có chỉ định tiếp tục sử dụng thuốc như lần khám trước liền kề, bác sĩ thực hiện kê đơn thuốc cho người bệnh để sử dụng trong 1 tháng.
Thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế TPHCM, các bệnh viện đã tổ chức khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt mỗi ngày ngay tại các khoa có người cao tuổi, khoa điều trị các bệnh mạn tính đối với thân nhân người bệnh và bất cứ ai khi đến những khoa này để cung ứng các dịch vụ phục vụ người bệnh. Không tổ chức thăm bệnh trong toàn bệnh viện, nhất là các khoa có người cao tuổi, khoa điều trị các bệnh mạn tính.
Khoa Thận nhân tạo Bệnh viện Chợ Rẫy mỗi ngày có khoảng 200 lượt bệnh nhân đến chạy thận nhân tạo trong mùa dịch Covid-19. Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Thận nhân tạo cho biết, tất cả các bệnh nhân khi đến chạy thận đều phải đo thân nhiệt, khai báo y tế và đeo khẩu trang toàn thời gian.
Ngoài ra, theo ghi nhận hiện các bệnh viện cũng đã thực hiện bố trí ít nhất một buồng cách ly dành cho người bệnh hoặc thân nhân người bệnh khi có triệu chứng sốt, triệu chứng hô hấp hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan đến Covid - 19 tại các khoa nội trú trong bệnh viện, nhất là khoa có người cao tuổi, khoa điều trị các bệnh mạn tính...