【cerezo đấu với sanfrecce】Ngành Hải quan: Tích cực, chủ động tuyên truyền pháp luật
Qua đó, giúp cộng đồng DN, người khai hải quan (NKHQ), người nộp thuế (NNT) nắm bắt nhanh, kịp thời các quy định mới về pháp luật hải quan cũng như nâng cao nhận thức trong chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Theo đánh giá của Vụ Pháp chế (Tổng cục Hải quan), để công tác tuyên truyền pháp luật đi vào chiều sâu, giúp DN, NKHQ, NNT nâng cao kiến thức về chính sách, pháp luật hải quan, hàng năm, Tổng cục Hải quan chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đặc điểm địa phương và trình độ, nhận thức của DN, NKHQ. Ngành Hải quan đã chú trọng hình thức tuyên truyền, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho DN, NKHQ, NNT thông qua tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn. Hầu hết ý kiến, phản ánh vướng mắc của DN tại các hội nghị, hội thảo đều được giải thích ngay; đối với những trường hợp phức tạp đã đề nghị DN, NKHQ, NNT cung cấp hồ sơ và hẹn đến trụ sở cơ quan Hải quan có thẩm quyền để giải quyết.
Thống kê từ Vụ Pháp chế cho thấy, tính đến nay, ngành Hải quan đã tổ chức 180 hội nghị, hội thảo tập huấn và phối hợp với Tổng cục Thuế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức 65 cuộc đối thoại định kỳ cho DN, NKHQ, NNT. Một số đơn vị Hải quan địa phương thực hiện tốt như: Hải quan TP. Hồ Chí Minh (27 hội nghị), Hải quan Quảng Bình (17 hội nghị), Hải quan Hà Tĩnh (16 hội nghị), Hải quan Hà Nội (11 hội nghị), Hải quan Bình Dương (8 hội nghị), Hải quan Đồng Nai (8 hội nghị)...
Bằng việc duy trì các mục, chuyên mục về dịch vụ công, văn bản, tài liệu đối thoại DN, tổng hợp hỏi đáp qua đối thoại DN, hỏi đáp về văn bản pháp luật… trên Cổng thông tin Hải quan và các đơn vị Hải quan địa phương, tính đến nay, toàn Ngành đã đăng tải trên các trang thông tin điện tử 7.927 lượt văn bản quy phạm pháp luật, giải đáp kiến nghị vướng mắc của DN, NKHQ, NNT.
Để có thêm cơ sở tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, hỗ trợ, cung cấp thông tin cho DN, NKHQ, NNT, các đơn vị Hải quan đã tổ chức 1.408 cuộc điều tra khảo sát, phát phiếu điều tra, khảo sát nhu cầu tuyên truyền, hỗ trợ, cung cấp thông tin của DN, NKHQ, NNT. Chủ động hoặc phối hợp với các báo, đài trong và ngoài Ngành thực hiện 15.046 tin, bài, phóng sự, cuộc giao lưu trực tuyến, tài liệu, sách báo pháp luật về lĩnh vực Hải quan; phát hành 17.472 tờ rơi, tờ gấp pháp luật hải quan. Thống kê cho thấy có trên 3.000 tin bài viết về ngành Hải quan được các loại hình báo chí đăng tải, phản ánh, trong đó cơ quan Hải quan đã phối hợp, chủ động cung cấp thông tin. Điển hình Báo Hải quan thực hiện được 9.017 tin bài, phóng sự; Cục Hải quan Đồng Nai 2.084 tin bài, Cục Hải quan Hà Tĩnh 532 tin bài...
Phòng Giao dịch và tiếp công dân (thuộc Văn phòng Tổng cục) tại cơ quan Tổng cục được duy trì, đã tiếp nhận và giải quyết 16.222 lượt yêu cầu cung cấp thông tin pháp luật hải quan của NKHQ, NNT. Bên cạnh đó, các đơn vị Hải quan địa phương đã tiếp nhận, giải quyết 20.967 lượt điện thoại đề nghị được hướng dẫn, hỗ trợ, cung cấp thông tin pháp luật hải quan của NKHQ, NNT, DN. Toàn Ngành đã tiếp nhận và giải quyết 2.629 trường hợp đề nghị được hướng dẫn, giải đáp bằng văn bản. Đặc biệt, khi có yêu cầu chính đáng của DN về việc được hướng dẫn, giải đáp tại trụ sở của mình, cơ quan Hải quan đã đáp ứng kịp thời.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đã tổ chức tập huấn chuyên sâu về Luật Hải quan 2014 và hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành; pháp luật về thuế XK, thuế NK. Tiếp tục phổ biến, quán triệt, tập huấn về Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020; Hệ thống thông quan điện tử tự động VNACCS/VCIS; Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN. Tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2015 trong toàn Ngành. Chỉ đạo các đơn vị trong ngành Hải quan thực hiện theo nhiều hình thức linh hoạt, thuận tiện để CBCC nắm bắt, hiểu biết về văn bản, như: Tổ chức hội nghị; lồng ghép tại các cuộc họp định kỳ; đăng tải trên trang thông tin điện tử, hộp thư nội bộ; phát hành tài liệu, sách, báo tuyên truyền…
Tiếp tục phát huy
Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, các đơn vị Hải quan đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chủ yếu tổ chức kiểm tra lồng ghép với các hoạt động nghiệp vụ khác. Hình thức tuyên truyền được tiến hành phong phú, phù hợp với đối tượng được tuyên truyền. Qua đó CBCC trong Ngành nắm vững pháp luật hải quan và pháp luật có liên quan, triển khai, giải quyết công việc được lãnh đạo giao và giải quyết thủ tục cho người dân, DN được chính xác, hiệu quả, hạn chế thấp nhất sai sót xảy ra, được Chính phủ, bộ, ngành, các Hiệp hội, cộng đồng DN đánh giá cao. Đối với DN, NKHQ ngày càng có nhiều cơ hội được tiếp cận, hướng dẫn, giải đáp pháp luật hải quan, do đó đã cơ bản chấp hành thực hiện tốt quy định của pháp luật, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan, cán bộ Hải quan trong việc thực hiện các thủ tục có liên quan. Cũng nhờ đó mà các khiếu kiện, kiến nghị, tố cáo, phản ánh về hoạt động của cán bộ, cơ quan Hải quan ngày càng giảm.
Tuy nhiên, Vụ Pháp chế cho rằng, ở một số đơn vị trong Ngành có lúc, có nơi chưa thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật thường xuyên, thiếu kịp thời; nhận thức không đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này. Việc triển khai, thực hiện còn thiếu tính chủ động, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, đặc biệt là việc tuyên truyền pháp luật theo nội dung chuyên đề, mang tính chuyên sâu. Hiệu quả công tác phối hợp giữa các đơn vị Vụ, Cục tại cơ quan Tổng cục với các Cục Hải quan địa phương chưa cao. Nhiều đơn vị chưa chủ động, quan tâm đến công tác điều tra, khảo sát tại DN về nhu cầu cần tuyên truyền về pháp luật hải quan.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả còn chưa cao là do hệ thống văn bản, quy định, cơ chế chính sách hiện hành được ban hành trong thời gian qua với số lượng lớn, nhiều thay đổi cũng ảnh hưởng nhất định đến công tác tuyên truyền của Ngành. Sự chủ động tìm hiểu pháp luật hải quan, tham gia các đợt tuyên truyền pháp luật do cơ quan Hải quan các cấp thực hiện của một bộ phận DN, người khai hải quan còn hạn chế…
Để khắc phục tình trạng này, cơ quan Hải quan đã chấn chỉnh kịp thời những tồn tại. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã thành lập đoàn kiểm tra công tác tố tụng, thực hiện thủ tục hành chính, xử phạt vi phạm hành chính, tuyên truyền pháp luật tại một số đơn vị Hải quan địa phương. Qua kiểm tra đã yêu cầu các đơn vị được kiểm tra chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tiếp tục tăng cường công tác này trong phạm vi theo dõi, quản lý.
Do đó, theo Tổng cục Hải quan, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong công tác này, các đơn vị trong toàn Ngành cần tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp; phải gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, phát huy ưu điểm, đồng thời khắc phục kịp thời những yếu kém, hạn chế trong thực hiện tuyên truyền pháp luật; tiếp tục tập trung tuyên truyền Luật Hải quan 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành; các Luật mới vừa được Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIII thông qua. Tập trung kiểm tra việc triển khai công tác này ở các cấp Hải quan, nhất là ở cấp Chi cục và tương đương, trong đó việc kiểm tra phải bám theo kế hoạch từ đầu năm, chú trọng kiểm tra lồng ghép với kiểm tra các hoạt động nghiệp vụ khác để đảm bảo tiết kiệm, kiểm tra trách nhiệm, vai trò của thủ trưởng các đơn vị Hải quan đối với công tác tuyên truyền pháp luật...